Thực trạng phơi nhiễm khói thuốc và hút thuốc
Khảo sát ở ba tỉnh Thái Bình, Đà Nẵng và Bến Tre cho thấy 6,6% nam giới luôn luôn hút ở nhà khi có mặt con cháu, 11,9% luôn luôn hút khi có mặt mẹ hoặc vợ hoặc chị em gái. Có 37,7% thường xuyên hút thuốc ở nơi làm việc, 6,8% thường xuyên hút khi có mặt đồng nghiệp nữ. Anh TLN ở Tân Tiến, Thái Bình nói: "Nếu đã nghiện thì phải hút, mình không thể kiềm chế được, bởi vì lúc nghiện thì trước mặt người khác hay kể cả những chỗ sinh hoạt, không thể bảo hút thuốc là phải chạy ra ngoài được".
Tại Bến Tre, nới có tỷ lệ 41% trẻ em tiếp xúc với khói thuốc lá (tỷ lệ này Đà Nẵng là 53,4%, Thái Bình 47,7%), một người đàn ông được phỏng vấn cho biết: "Tôi nghĩ số người có ý thức chỉ chiếm khoảng 10%. Có những người tôi thấy họ hôn con mà trên má đứa bé còn bốc khói nữa. Nhiều người vấn thuốc hút, thuốc vấn là những loại thuốc rất nặng khói, nhả khói mù mịt trời đất bất kể trước mặt là con nít hay người lớn, bạn bè, cộng đồng, họ không để ý đến chuyện đó".
Hút thuốc có hại cho sức khỏe không? 97,4% người hút thuốc được hỏi trả lời có, chỉ 2,6% trả lời không. Tuy nhiên phần lớn người trả lời có lại chưa nêu được tác hại cụ thể. Một số cho rằng phải hút thuốc lâu mới ảnh hưởng tới sức khỏe. "Cơ bản là em mới hút nên chưa có bệnh gì", "sức khỏe của tôi còn tốt, chưa thấy bệnh gì nhưng chắc rồi sẽ bệnh nếu tiếp tục hút kéo dài", "tác hại của nó không bột phát, nó rất chậm, từ từ có người hút đến hai mươi mấy năm, ba mươi năm"...
Hút thuốc trước mặt người khác là hành vi không thể chấp nhận!
Hơn 90% phụ nữ khẳng định điều này. Họ cho rằng đàn ông để vợ con hay để người khác hít phải khói thuốc của mình là không thể chấp nhận được.
89,5% chị em cảm thấy khó chịu khi người khác hút thuốc trước mặt mình, (cụ thể ở Thái Bình 89,9%, Đà Nẵng 92%, Bến Tre 86,7%). Hơn 4/5 phụ nữ không cảm thấy ngại khi phản đối. "Chẳng có gì là ngại. Nói không được thì tốt nhất cứ đang hút mình cứ giằng lấy điếu thuốc vứt đi", "không ngại vì với thuốc lá bây giờ có phải một mình mình nói đâu. Sách báo, ti-vi nói rất nhiều về tác hại thì mình nói không ngại", những phụ nữ ở Thái Bình cho biết.
Lý do người phụ nữ lên tiếng phản đối? 68% lo cho sức khỏe người hút, 60% lo cho sức khỏe bản thân, 57% lo cho sức khỏe của con và 46% vì mùi thuốc khó chịu. Một phụ nữ ở Đà Nẵng nói với chồng: "Sức khỏe anh không có, ăn uống tẩm bổ bao nhiêu nhưng vẫn hút thuốc thì không thể lên cân được". Có khi họ đem con ra, nói rằng con trẻ non nớt thế này mà cứ phả khói thuốc suốt ngày sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ, gây bệnh cho con. Nhiều người mẹ đề nghị chồng không hút để làm gương cho con cái. "Vì con trai dễ theo gương bố, nếu bố hút con cũng hút", một phụ nữ ở An Khánh, Bến Tre nói.
Tuy nhiên, chỉ một nửa số chị em cảm thấy tự tin về hiệu quả thuyết phục. Phản ứng của phụ nữ khi nam giới hút thuốc tại nhà phần nhiều là thụ động, như đi ra chỗ khác, bật quạt, mở cửa sổ... "Nói thật, sống cùng người hút thuốc lá là chồng mình thì phải chịu, nhưng rất khó chịu", "Mình khuyên ông ấy bỏ để giữ sức khỏe thôi nhưng ổng hút mình đâu có hạn chế được. Của người ta, bản thân người ta, thành ra tự ông ấy húi, mình coi chuyện đó là bình thường". Đặc biệt ở nơi công cộng, 70% phụ nữ chưa bao giờ lên tiếng. "Thực tế thì em gặp hút thuốc nơi công cộng nhiều rồi, nhưng mà khuyên can thì cũng hạn chế. Người thân hay chồng thì mình nói chứ đám đông thế này thì...", "ở đám cưới, đám giỗ, chỗ đông người, không như ở nhà mình được, đành phải chịu, ngồi mà hít thôi".
Nam giới nói gì về việc hút thuốc?
Khoảng 80% thừa nhận hút thuốc trước mặt người khác là không chấp nhận được. Tỷ lệ này còn cao hơn nếu hút thuốc trước vợ con, trước đồng nghiệp nữ.
Nếu được mời thuốc mà không hút thì sao? 58,8% nam giới cho rằng không bất lịch sự, 18,5% cho rằng bất lịch sự, số còn lại "tùy tình huống". Khi được góp ý ở nhà hoặc cơ quan, khoảng 50% đi ra chỗ khác hút, 37,7% dập thuốc ngay (nếu ở cơ quan). "Các ông ấy bảo bắt các ông ấy bỏ thuốc thì thà may quần lanh cho các ông ấy mặc cho thành đàn bà luôn", có người nói vậy song nhiều người cho rằng "bị nhắc nhở cũng ngại, nếu nhỡ hút thì khi bị nhắc cũng vứt thôi, chứ cãi thì không dám, mà còn không dám hút thêm tí nào nữa, không muốn để người ta khó chịu". Khảo sát đã cho thấy hầu hết nam giới có phản ứng tích cực khi được góp ý không hút thuốc, như dập thuốc ngay, đi ra chỗ khác.
Để thuyết phục đàn ông không hút thuốc, 85% chị em dùng phương pháp nhẹ nhàng, mềm mỏng, 75% chỉ nói khi có hai người với nhau. Sức khỏe, kinh tế gia đình, môi trường, làm gương cho con là những lý do được nhấn mạnh. Truyền thông phòng chống hút thuốc lá là yếu tố tích cực giúp chị em thuyết phục nam giới.
Thạc sĩ Phạm Hoàng Nga, Hội Y tế công cộng, khuyến nghị phụ nữ khi thuyết phục nam giới không hút thuốc ở nhà nên vui vẻ, dịu dàng, có chút hài hước. Đừng quên nhắc họ làm gương cho con. "Truyền thông hãy nâng cao nhận thức của mọi người về tác hại cụ thể của hút thuốc, khuyến khích phụ nữ chủ động và tự tin lên tiếng phản đối việc hút thuốc trong gia đình và nơi công cộng", bà Nga nói.
|