Chiều trên quê Bác
Vinh là chặng dừng chân đầu tiên của đoàn khảo sát. Ðược thăm nhà Bác ở Kim Liên ai cũng háo hức. Chiếc chõng tre, khung dệt, cái cối, cái áo tơi... cũ theo thời gian nhưng sống động qua lời kể trầm ấm, đầy truyền cảm của cô gái xứ Nghệ về chuyện đời của vị lãnh tụ sống mãi trong lòng dân tộc.
Các bạn quốc tế không giấu nổi xúc động. Phu nhân Ðại sứ Thái-lan nén hồi hộp, giọng run run: Tôi đã thăm nhà Bác bốn lần. Một cái gì đó thiêng liêng thật khó tả... Nhiều người Thái-lan cũng gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hai tiếng Bác Hồ.
Ðại sứ Ấn Ðộ Nilacantan Ravi và phu nhân mãi mới thốt nên lời: Nhân dân Ấn Ðộ rất ngưỡng mộ Bác Hồ. Sự vĩ đại của Người tỏa sáng từ những đồ vật đơn sơ - hiện thân cuộc sống khốn khó của người dân quê xưa. Hôm nay, Kim Liên giống một thị trấn vì cùng đất nước đổi mới. Hẳn Bác Hồ hài lòng điều đó.
Phu nhân Ðại sứ Ucraine Liubov Fedortva, Phu nhân Ðại sứ Bulgaria Nelly Mihova cùng nói: "Hạnh phúc quá, thế là chúng tôi được đặt chân tới ngôi nhà sinh ra vị lãnh tụ huyền thoại".
Tình cảm đặc biệt được thăm nhà Bác, Quảng trường TP Vinh, chụp ảnh bên Tượng đài Bác, trào dâng bao trùm không khí buổi tiếp Ðoàn của lãnh đạo tỉnh.
Câu hát Việt Nam, Hồ Chí Minh thành ngôn ngữ chung của Ðoàn suốt cuộc hành trình trên 5.500 km từ Vinh sang Viêng Chăn, tới đông-bắc Thái-lan qua Sanavakhet về miền trung Việt Nam.
"Bác đã ở đây"
Rời Viêng Chăn, chúng tôi qua cầu Hữu nghị bắc trên sông Mê Công sang đất Thái-lan. Phó Chủ tịch tỉnh Noọng-khai vui vẻ bắt tay mọi người, nói rằng Noọng-khai đón khách quý bằng câu "Ðất này là ngôi nhà thứ hai của Bạn". Theo lời anh Vũ Mạnh Hùng, một Việt kiều, cả mấy tỉnh vùng đông-bắc đều nói Bác Hồ đã hoạt động tại tỉnh mình.
"Bác đã ở đây" từ lâu đã trở thành một phần đời sống tinh thần của Việt kiều. Bác Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Ban cố vấn Hội cộng đồng người Việt Nam và người Thái gốc Việt tỉnh Noọng-khai cho biết, bà con Việt kiều rất vui vì nghe nói Bác từng hoạt động tại Thạ-bò, cách trung tâm tỉnh lỵ 40 km. Lãnh đạo tỉnh xúc tiến kế hoạch biến Thạ-bò thành một điểm du lịch, tin chắc sẽ thu hút nhiều khách thăm.
Ðến U-đon Tha-ni mọi người bị cuốn vào dự án "Khu di tích Bác Hồ" hình thành theo lời kể của bà con Việt kiều. Chuyện rằng, Bác đã ở Noọng On mấy tháng cuối năm 1928. Theo lời Chủ tịch tỉnh này, ông Cha-rư Prin-da-pon, cựu tỉnh trưởng Rát-ta-na-kha, biết một trong những nơi Bác Hồ đặt chân tới và nhiệt tình ủng hộ kế hoạch xây dựng Khu di tích Bác Hồ. Lãnh đạo tỉnh, huyện, xã cùng bà con Việt kiều đang tích cực để khai trương Khu di tích đúng kỷ niệm Ngày sinh của Bác 19-5-2006.
Ở tỉnh Xa-con Na-khon, bà con Việt kiều kể rằng: "Bác từng đến làng Tày, xã Loong-lịch-đeng nay là trường cấp 1 của con em địa phương". Một số người nhớ trong làng còn một cái xe bò kéo do Bác đóng bằng gỗ để chở người mất ra đồng mai táng.
Ông Phạm Văn Phát, Chủ tịch Hội Từ thiện thị trấn Xa-con được nghe kể rằng, Bác Hồ đã đóng gạch và dạy học cho trẻ con làng Xỉnh. Bà con Việt kiều đinh ninh Bác đã ở Xa-con Na-khon.
Chuyện của bác Cu Con
Chúng tôi đến Noọng On vào buổi sáng đẹp trời. Những tràng vỗ tay phá tan khung cảnh tĩnh lặng nơi xóm nhỏ bao bọc bởi cây cối xanh ngát. Khu di tích nằm trong khuôn viên rộng gần 1 ha do bà con Việt kiều góp tiền mua với giá 2 triệu bạt. Xã đầu tư 800.000 bạt. Trong ngôi nhà lá rộng chừng 60 m2 có bàn thờ Tổ quốc treo ảnh Bác, hai cột treo hai tấm vải đỏ nổi bật những chữ vàng: Việt Thái thân thiện muôn năm - Việt kiều đoàn kết muôn năm. Trên tường đính những khung ảnh cỡ lớn với ảnh về danh lam thắng cảnh của Việt Nam, những ngày cả nước chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, công cuộc đổi mới hôm nay. Phía trái ngôi nhà, cách chừng 30m là một kho chứa thóc, kế bên là chuồng bò, chuồng gà đều dựng bằng gỗ. Bà con đang sưu tầm chiếc cối đá ngày xưa Bác đã dùng giã gạo.
Nhóm phóng viên chúng tôi vây quanh bác Cu Con, quê gốc làng Ngọc Ðình, Nam Ðàn, Nghệ An, năm nay hơn 80 tuổi. Bác kể chậm rãi: Cụ thân sinh tôi hồi đó theo Bác làm cách mạng, lúc đó tôi mới 7- 8 tuổi. Chỗ này xưa là rừng rậm âm u, không người ở vì sợ cọp. Bác đưa tới đây 24 nam thanh niên và hai nữ, dạy chữ và tập quân sự. Ban ngày, Bác và anh em ra đồng cày, cấy, gánh lúa, đêm về học, tập.
Ðược đề nghị kể về một kỷ niệm sâu sắc, bác Cu Con cười hiền hậu: "Tôi nhớ nhất những lần chơi với bạn người Thái cùng lứa. Chúng tôi trêu nhau, cãi nhau rồi xông vào đánh nhau. Bác can và bảo: "Dẫu giàu mạnh cũng đất nhà bây - Giàu sang cưỡi ngựa tới đây cũng hèn". Cu Con phải nhớ mình nhờ người ta để học làm cách mạng, đánh đuổi thực dân Pháp".
Làng Hữu nghị
Chúng tôi đến Na-khon Pha-mom lúc chiều tối. Sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Ðoàn tới Làng Hữu nghị Việt Nam - Thái-lan. Hàng trăm bà con Việt kiều đã chờ mấy giờ để đón người từ Hà Nội sang. Phụ nữ, già cũng như trẻ vận áo dài đủ mầu. Trang trí căn phòng vẫn giữ nguyên như hôm cắt băng khánh thành Làng Hữu nghị 21-2-2004. Những khuôn mặt rạng ngời.
Cụ Tiêu, chủ ngôi nhà xưa Bác ở, cho biết, Khu di tích Bác Hồ ở Nạ-choọc đã đón nhiều người đến thăm; cuối tuần, mỗi ngày có tới 300-400 người. Họ là Việt kiều, người Thái-lan, và nhiều nước khác nữa... Cụ kể những câu chuyện về Bác Hồ cho khách thăm nghe. Cụ Tiêu nói: Cha tôi là Võ Trọng Ðại, bạn cùng quê Bác. Năm 1928, cha theo Bác sang đây, tôi 7-8 tuổi. Bác bận suốt ngày. Nắng ráo Bác đi cày, ngày mưa cuốc vườn trồng rau. Tôi hay nghịch, có lần bị Bác đét vào mông, nhưng tôi không giận, vì biết Bác rất yêu trẻ. Bác làm nhiều đồ chơi cho chúng tôi, đóng cái bàn con, đẽo con quay, dạy kéo co. Bác tinh tường, thấu đáo từ việc nhỏ. Có lần Bác cùng các đồng chí đi soi cá. Về nhà, Bác hỏi "Mỗi chú được mấy con ?". Mọi người ngớ ra vì cá bắt được cho chung một giỏ. Bác bảo: "Con cá nào bị bấm đuôi là của Bác". Ai cũng phục Bác có cách kiểm kê độc đáo mà đơn giản thế.
Thăm nhà Bác đêm trăng
Trăng đã lên. Khu nhà xưa Bác ở tĩnh lặng, mát rượi. Tới trước cổng mọi người dừng cả lại. Nhiều tiếng thốt lên: "Sao giống nhà Bác ở Kim Liên quá!". Hai bên lối vào trồng dâm bụt đỏ. Vườn rất nhiều cây, lớn nhất là cây khế, hai cây dừa cao vút do chính Bác trồng, phía sau là mấy cây cau. Trong nhà nhiều ảnh, đồ vật ghi lại thời kỳ Bác ở Nạ-choọc cùng các thành viên lập Hội cứu quốc. Bác và các đồng chí làm nhà một tầng bằng gỗ, gạch lát nền do Thầu Chín (tên Bác đặt cho mình lúc ấy) tự nung. Mái lợp gỗ xíc. Lậu lúa được dựng bên nhà. Nhà quay về hướng hồ Noọng-nhạt, đón không khí trong lành.
Làng Hữu nghị Việt Nam - Thái-lan và nhà cụ Tiêu trở thành Làng du lịch văn hóa - lịch sử, góp phần tăng cường sự hiểu biết, tình hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Thái-lan và với cộng đồng quốc tế. Chúng tôi cảm nhận rõ điều đó qua tình cảm của các bạn Ấn Ðộ, Ucraine, Hà Lan, Tây Ban Nha, Australia, Chile, Bulgaria... qua việc họ trân trọng, nâng niu mọi kỷ vật trong nhà Bác tại Nạ-choọc; qua mối quan tâm sâu sắc của họ đối với tiềm năng, cơ hội phát triển các dự án EWEC, GMS, những dự định đầu tư của họ vào Tiểu vùng Mê Công.
Nhiều người Thái-lan nhắc lại lời Thủ tướng Thaksin phát biểu tại lễ khánh thành Làng Hữu nghị Thái-lan - Việt Nam "... Trong thời gian Bác Hồ của chúng ta sống ở đây, Bác đã dạy cho người Thái cách thức đánh cá nước ngọt hiệu quả,... Ðồng thời, Bác luôn dạy rằng tình cảm của hai dân tộc Thái-lan - Việt Nam được gắn bó bởi con sông Mê Công. Sự đóng góp và triết lý của Bác Hồ đã giúp cho mối quan hệ của hai nước Thái-lan - Việt Nam ngày càng phát triển".
Theo dấu chân Bác, một chuyến đi đường bộ dài đầy thi vị, bổ ích. Không ai thấy mệt bởi sau những giờ làm việc khẩn trương - nghe giới thiệu tình hình của các tỉnh, gặp gỡ Việt kiều, đối thoại, thăm cơ sở sản xuất, phỏng vấn, quay phim, chụp ảnh... là những cuộc giao lưu sôi nổi không dứt. Ðọng trong những làn điệu dân ca mượt mà đằm thắm của Việt Nam, Lào, Thái-lan, Nga, Ấn Ðộ êm ái, trong vũ điệu Lăm-ba-đa bốc lửa là kỷ niệm về tình bạn, về niềm vui sáng tạo, tin ở triển vọng tươi sáng của quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc chung dòng Mê Công, giữa nhân dân Việt Nam - Lào-Thái-lan với nhân dân thế giới.
|