Formol, hàn the vẫn tràn lan trong thực phẩm
Các Website khác - 07/01/2006

Trong số 400 mẫu thực phẩm được kiểm tra thì tỷ lệ giò sống có chứa hàn the lên đến 72,3%, formol là 45%; riêng chả lụa và mì sợi là hơn 50% có chứa hàn the. Kết quả này được đưa ra tại Hội nghị tổng kết đợt kiểm tra về việc sử dụng chất phụ gia độc hại trong thực phẩm, tổ chức ngày 6/1, tại TP HCM.

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng kiểm tra việc sử dụng phụ gia trong thực phẩm.
Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng kiểm tra việc sử dụng phụ gia trong thực phẩm. Ảnh: Thanh Niên

Kết quả khảo sát trong năm 2004 trên 2.566 mẫu chả lụa, chả giò, mì sợi tại 23 quận, huyện trên địa bàn thành phố được lấy ngẫu nhiên từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà hàng, chợ, quán ăn bình dân... cho thấy có đến 64% số mẫu có chứa hàn the. Còn lượng chất phụ gia formol được các cơ sở sản xuất cho vào bánh phở cũng báo động không kém: qua kiểm tra 1.015 mẫu bánh phở, có đến 28% số mẫu có chứa formol. Năm 2005, Trung tâm Y tế dự phòng tiếp tục kiểm tra việc sử dụng hai chất phụ gia trên trong thực phẩm. Kết quả cho thấy, tình trạng sử dụng hàn the, formol chẳng những không giảm mà còn gia tăng báo động.

Bác sĩ Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố - cho biết: "Chả lụa là sản phẩm có chứa hàn the nhiều nhất, kế đó là mì sợi. Đây cũng là hai sản phẩm mà người tiêu dùng sử dụng thường xuyên, đặc biệt là ở các đám cưới, đám tiệc. Trong số mẫu kiểm tra, chả lụa, mì sợi được bày bán ở các chợ "dính" hàn the khá cao, trung bình 70-74%, riêng giò sống bán ở các chợ, tỷ lệ chứa hàn the là 45,7%. Còn chả lụa, giò sống, mì sợi được bày bán ở các quán ăn uống bình dân, xe bánh mì... thì 62-68% có chứa hàn the. Chả lụa bán rong tỷ lệ "dính" hàn the còn cao hơn nữa (77%). Mục đích sử dụng hàn the, formol là để thực phẩm giòn, dai, tạo cảm giác ngon miệng từ người tiêu dùng".

Thạc sĩ Đào Mỹ Thanh - Trưởng khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng) báo động: "Tình trạng ngày càng gia tăng việc sử dụng hàn the, formol vào thực phẩm là nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng. Hàn the khi ăn vào sẽ tích lũy trong cơ thể khoảng 15%, tập trung nhiều nhất là ở gan và não, kế đó là tim, phổi, dạ dày, thận, ruột... Khi ăn nhiều hàn the sẽ có biểu hiện khó tiêu, chán ăn, mệt mỏi. Nặng hơn là gây thoái hóa cơ quan sinh dục, làm suy yếu khả năng sinh sản và gây tổn thương bào thai. Formol - loại phụ gia thì có tính sát trùng mạnh, thường dùng trong y tế để bảo quản các bệnh phẩm. Độc tính do formol gây nên là: khó tiêu, nôn mửa, viêm loét dạ dày và gây ung thư...". Thạc sĩ Đào Mỹ Thanh còn cho biết, gần đây còn có thông tin một số nơi sử dụng formol vào bia (để làm cho nước bia trong), sắp tới Trung tâm Y tế dự phòng cũng sẽ kiểm tra vấn đề này.

Trung tâm cho biết sẽ kiến nghị cho công bố trên báo, đài những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có sử dụng chất phụ gia độc hại nói trên đồng thời kiến nghị về mức xử phạt thật nặng đối với những cơ sở vi phạm.

(Theo Thanh Niên)