"Ngay sau khi có những vụ việc đáng tiếc về vệ sinh an toàn thực phẩm ở nhóm lớp mầm non tư thục tại TP Hồ Chí Minh trong năm học 2004 - 2005, chúng tôi đã nhanh chóng thanh tra các trường và nhóm lớp mầm non tư thục trên địa bàn Hà Nội. Qua khảo sát, thấy loại hình này phát triển nhiều nhất ở các quận, huyện Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Từ Liêm. Sau đó, chúng tôi tổ chức hội nghị chuyên bàn về quản lý các nhóm lớp mầm non tư thục. Nhiều trường có chất lượng tốt vì họ tuyển giáo viên có trình độ chuyên môn cao. Đặc biệt, có những trường mầm non tư thục đã đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, hầu hết các lớp mầm non tư thục đều không đảm bảo cơ sở vật chất, an toàn thực phẩm".
Trong đợt kiểm tra gần đây nhất Hà Nội đã có hơn 249 nhóm lớp mầm non tư thục. Trong đó, một loạt các cơ sở trưng biển là trường mầm non tư thục nhưng họ vẫn lấy quyết định thành lập nhóm lớp vì cho rằng thành lập trường sẽ rắc rối. Một số giáo viên ở nhóm lớp không đủ yêu cầu chuyên môn, nhiều lớp không đủ điều kiện, chưa được cấp phép cũng tự mở. Khi kiểm tra, điều bức xúc nhất với nhóm lớp này là không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kéo theo việc chăm sóc giáo dục trẻ không đầy đủ. Thậm chí, có người ở tỉnh khác, không có hộ khẩu Hà Nội cũng thuê phòng mở lớp nên rất khó kiểm soát và các lớp này mọc lên như nấm. Có nhiều cơ sở phòng học chật, không phân chia trẻ theo độ tuổi mà ghép nhiều tuổi gây lộn xộn. Bếp núc, ánh sáng, phòng học, nơi chăm sóc các cháu, phòng ăn, nguồn thực phẩm, độ yên tĩnh đều không đáp ứng yêu cầu. Một số trường tư thục lớn thu được học phí cao, điều kiện chăm sóc trẻ tốt. Còn nhóm lớp tư thục thường là nơi gửi con em dân nghèo, đóng góp thấp nên thiếu điều kiện chăm sóc trẻ. Thí dụ ở trường công lập, mỗi cháu có một quyển sách nhưng trường tư thục không mua nổi sách mà phải đi phô-tô trắng đen để học. Hoặc theo quy định, mỗi cháu phải có hai khăn mặt mỗi ngày và phải luộc khăn nhưng nhóm tư thục không đáp ứng được. Cũng theo quy định, mỗi cháu ăn 5 nghìn đồng/ngày và phải sử dụng sản phẩm sạch, an toàn nhưng ở các lớp tư thục, học phí do chủ cơ sở thỏa thuận với dân nên có lớp các cháu chỉ ăn 3 nghìn đồng/ngày do phụ huynh đóng góp ít.
Bà Hương khẳng định: "Những lớp không đủ yêu cầu đều bị chúng tôi kiên quyết đóng cửa". Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Sở GD&ĐT đã buộc đóng cửa nhiều lớp ở huyện Thanh Trì (hoặc phạt hành chính) do dạy không đúng quy định. Đồng thời, buộc các trường mầm non công lập trên địa bàn phải mượn địa điểm thu nhận tất cả các cháu. Nguyên nhân các lớp không đủ yêu cầu vẫn mọc lên nhiều do nhu cầu của phụ huynh ngày càng cao, ham chi phí thấp, gửi được nhiều thời gian hơn. Các lớp không đủ điều kiện này tập trung chủ yếu ở quận Đống Đa (37 nhóm lớp), Thanh Xuân (38 nhóm lớp), huyện Thanh Trì (38 nhóm lớp).
|