Bác sĩ nước ngoài đến với bản làng Tây Nguyên
Các Website khác - 06/06/2006
Bác sĩ nước ngoài đến với bản làng Tây Nguyên
Phương Thuỷ

Nép bên ngoài cánh cửa của căn phòng nhỏ - vốn là khu mẫu giáo cho trẻ em xã Dak To Lung (Kon Tum) - A Hiệp tròn xoe mắt nhìn "ông tây" đang cầm ống nghe khám bệnh cho trẻ em trong phòng. Đây là lần đầu, cậu bé 7 tuổi người dân tộc Sơ Xá này được thấy đoàn bác sĩ nước ngoài về bản.

Đại sứ cũng làm nhân viên cứu trợ

Bác sĩ Jonathan đang khám cho
bệnh nhi tại Dak To Lung.
Bên trong căn phòng chật hẹp chừng hơn 10m2, Jonathan và Rafi Kot - hai bác sĩ thuộc Phòng khám y tế gia đình (Family Clinic)- đang bận bịu khám cho bệnh nhân mỗi lúc đến một đông.

Cầm trong tay chiếc ống nghe treo đầy hình các con thú, Jonathan - bác sĩ chuyên khoa nhi người Israel - nhẹ nhàng trấn an sự e dè và lo sợ của các em bé lần đầu được mẹ đưa đến khám bệnh. "Đây là hoạt động nhân đạo có ý nghĩa nhất mà tôi từng tham gia. Mệt, nhưng vui lắm" - quệt nhẹ những giọt mồ hôi, Jonathan cười ấm áp.

Dak To Lung là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh Kon Tum, với khoảng 1.600 hộ dân. Đây chỉ là một trong 7 xã nằm trong chương trình khám chữa bệnh miễn phí do Đại sứ quán Israel phối hợp cùng Family Clinic thực hiện tại Kon Tum từ ngày 29.5 - 1.6.

Đại sứ Israel tại VN Effie Ben - Mattye cùng các phóng viên đi theo đoàn không ai bảo ai đều xắn tay áo tham gia bốc dỡ hàng và giúp trao quà đến người dân địa phương. "Tôi rất tự hào vì đã giúp được một điều gì đó cho người dân nghèo VN" - Đại sứ Effie nói.

Tại xã Dak Tre, cách Dak To Lung chừng 10km, bác sĩ Đức - người Mỹ gốc Việt - hầu như không phút nào ngơi tay. Vốn tiếng Việt học được từ gia đình giúp anh dễ dàng giao tiếp với người dân địa phương mà không cần phiên dịch. Chả thế mà phòng khám của Đức tại Dak Tre luôn đạt năng suất cao nhất về số lượng bệnh nhân khám và điều trị, với hơn 100 người mỗi ngày. Nhưng điều khiến Đức vui nhất là anh đã làm được một điều gì đó cho quê hương còn đang nghèo khó.

Ngoài Jonathan, Đức và Rafi Kot, còn khoảng 30 bác sĩ và y tá khác của Family Clinic tham gia khám chữa bệnh miễn phí cho người dân nghèo tại Kon Tum. Chỉ trong 4 ngày, đoàn đã khám và chữa bệnh cho hơn 2.000 người dân tại Kon Tum. Đoàn còn mang theo nhiều nhu yếu phẩm đến cấp phát cho người dân tại 7 xã của Kon Tum như gạo, vải, đồ dùng học tập, kem đánh răng...

Ấn tượng sâu sắc nhất đối với Hiroko - nhân viên người Nhật của Family Clinic - là khi cô giảng giải cho các em bé cách sử dụng bàn chải đánh răng. Khoảng 30 em ngồi xếp vòng tròn xung quanh, cùng Hiroko tập cách chải răng và hát những bài hát thiếu nhi. "Tôi không hát theo được vì tiếng Việt chưa giỏi, nhưng các em bé Việt Nam thật đáng yêu" - cô nói.

"Bão nhiệt đới"

Muốn nói chuyện với Rafi Kot - Tổng Giám đốc Family Clinic - trong những ngày thực hiện chiến dịch khám chữa bệnh tại Kon Tum thật khó. Giữa cái nắng gay gắt của Tây Nguyên, vị Tổng Giám đốc Family Clinic vẫn đầu trần ra khuân hàng cứu trợ, đứng cấp phát lương thực rồi lại bận rộn khám cho bệnh nhân. Rafi như tìm thấy niềm vui của chính mình trong nụ cười của người dân địa phương.

Mọi người trong đoàn thường đùa gọi Rafi là "bão nhiệt đới" bởi cái tính nóng như lửa của ông nếu có việc gì đó không hài lòng. Thế nhưng Rafi lại hết sức kiên nhẫn khi ngồi lắng nghe chuyện của từng người dân về bệnh tật của họ. Những nếp nhăn trên vầng trán ông như dãn ra trước nụ cười của những em bé vùng cao, khi được ông trao những món đồ chơi nho nhỏ.

Bất chấp khuyến cáo về đường đồi núi hiểm trở, Rafi quyết tâm chuyển bằng được quà cứu trợ tới người dân tại 2 xã xa nhất của Kon Tum là Dak Koi và Dak Pne, dù phải đi trên chiếc xe tải "2 không": Không kính và không phanh. "Tây Nguyên đã trở thành trái tim của tôi. Nhất định tôi sẽ trở lại mảnh đất này" - ấp bàn tay lên ngực, Rafi nói.