Học nghề ở Sóc Trăng: Tạo hướng đi cho lao động trẻ Phương Quang Trang bị nghề nghiệp ổn định cho những lao động trẻ tuổi đang trở thành vấn đề bức bách ở từng địa phương. Tại nhiều khu vực nông thôn, dòng lao động trẻ ào ạt bỏ quê tìm đến khu vực đô thị tập trung để mưu sinh bằng lao động cơ bắp. Chính vì thế định hướng "ly nông bất ly hương" gặp không ít trắc trở. Bốn năm qua, Trường Dạy nghề Sóc Trăng mở ra hướng mới cho cung ứng nguồn lực tại chỗ: Chọn ngành, nghề đào tạo sát với chủ trương phát triển kinh tế xã hội của địa phương và phù hợp với năng lực mưu sinh của người lao động...
 | Sửa chữa máy nổ cũng là một nghề đang "hút khách" ở nông thôn Sóc Trăng. | Cuộc sống lề đường Gia đình Trương Quốc Dũng ở ấp Long Hòa, xã Tân Long (Ngã Năm) trước đây vốn chỉ chăm bẵm vào nghề nông. 8 công ruộng dù làm cả 3 vụ nhưng cuộc sống "khó vẫn hoàn khó" nên khi hết vụ là Dũng lại "đèo bồng đi thành phố" làm lao động công nhật cho các công trường xây dựng. Cuối tháng 10.2005, Dũng theo lớp dạy nghề sửa chữa xe máy ngay tại xã do Trường Dạy nghề Sóc Trăng tổ chức. Hoàn tất khoá học chỉ sau 2 tháng, Dũng mở tiệm sửa chữa xe gắn máy ngay trước nhà ven tỉnh lộ 42. Dũng vui vẻ: "Nhờ mấy thầy nhiệt tình nên tay nghề mình cũng vững. Mỗi ngày kiếm cũng được vài chục ngàn tiếp gia đình. Khách hàng phần đông là mấy anh em chạy xe Honda ôm trong xóm". Vậy mà trước đã có không ít người hoài nghi về khả năng tay nghề của "mấy ông thợ" chỉ có 2 tháng!? Công việc ổn định của Dũng hiện nay đã làm gia đình yên tâm hơn khi "đi làm ăn xa trên thành phố..". Bà Phan Thị Dung, mẹ của Dũng khoe: "Có việc làm ổn định tại nhà như vầy là tui mừng hổng biết đâu mà kể. Chớ nó đi làm mướn ở xa mình ở nhà lo lắm. Con trai mà. Đi xa thì mình đâu có quản được".
Còn gia đình chị Hồng Kim Hiền ở ấp 3, thị trấn Ngã Năm thì cuộc sống đã "khoẻ hơn trước nhiều" khi anh Đỗ Minh Lương (chồng chị) cũng đã ráng theo học "Lớp dạy nghề thợ hồ" tại Trường Dạy nghề mở tại thị trấn vào giữa năm 2005 vừa qua. Trước đó, khi chưa học nghề anh chỉ là "cu li" ở những công trường xây dựng tận Cần Thơ, lương chẳng là bao! Nhưng nay thì đã lên "hàng thợ" nên tiền công được trả trung bình từ 1,5 triệu đến 1,6 triệu và tiền gửi về hàng tháng cho vợ cũng tăng gấp đôi với mức "tám-chín trăm ngàn gì đó".
Với thanh niên nông thôn ở Sóc Trăng thì hiện nay hễ có nghề là có tiền.... Đây chính là sức hút để kéo họ đến với các lớp dạy nghề ngắn hạn và chính từ những ngành nghề phù hợp đã tạo thêm điều kiện cho thanh niên nông thôn có cơ hội tìm được việc làm.
Các lớp dạy nghề dài hạn của Trường Dạy nghề Sóc Trăng hiện nay tập trung vào các ngành nghề mũi nhọn hệ trung cấp tập trung như: Chế biến và bảo quản thuỷ sản, nuôi trồng thuỷ sản, công nhân kỹ thuật điện... Khoá I của hệ này vừa tốt nghiệp vào đầu năm 2006 và qua khảo sát mới đây cho thấy: Hơn 95% học viên đã tìm được việc làm đúng với ngành nghề mà mình đã học.
Chỗ đứng trong dây chuyền Với các học viên ngành chế biến thủy sản, kiếm việc sau khi tốt nghiệp khá thuận lợi khi tại địa phương có đến gần 10 doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản. Sau khi Công ty Stapimex tuyển cả một nhóm 20 học viên vào làm việc tại các dây chuyền sản xuất của Công ty, ông Phạm Thanh Phong, Phó phòng nhân sự Công ty Stapimex khẳng định:
- Các em đã có tay nghề, có kiến thức từ các khóa đào tạo, nên Công ty bố trí các em vào các khâu cần kỹ thuật và hướng lâu dài chúng tôi sẽ tiếp tục bồi dưỡng để các em đảm nhận các khâu quan trọng trong sản xuất. Nói chung, việc bố trí sử dụng các em khác nhiều so với lao động phổ thông.
Độc đáo nhất là những học viên làm ở nhà cũng phải có nghề! Đó là hai học viên Nguyễn Hoàng Duy Long và Tô Lan Phương-ngành Nuôi trồng thủy sản khóa I. Gia đình hai em có trại cá giống Hồng Ân trên đường Mạc Đỉnh Chi (TX Sóc Trăng). Gia đình kinh doanh cá giống, vậy là cả hai theo học nghề nuôi trồng thủy sản. Long thẳng thắn nhận xét về mình: "Ra trường về phụ giúp gia đình là tụi em đã làm được nhiều việc hơn trước. Có kiến thức về nghề để kết hợp với kinh nghiệm sẵn có, trại của gia đình em giờ đã có khả năng cho đẻ tại chỗ một số giống cá mà trước đây chưa làm được, phải mua từ nơi khác về ương".
Trại cá giống Hồng Ân hiện đang cung cấp 15 loại các giống nước ngọt và khoảng 10 loại giống cá cảnh cho nhu cầu của khách hàng. Trong đó, một số loại giống cá nước ngọt như cá rô phi đơn tính, thác lác đã được sản xuất tại trại, không phải nhập cá bột về ương như trước đây. Từ việc chỉ phụ giúp các công việc đơn giản, nay cả hai đã là những thợ chính, và thừa điều kiện để ứng dụng những kiến thức mà mình đã thu hoạch được vào công việc sản xuất, kinh doanh của trại cá giống gia đình. Duy Long khẳng định "theo em thì dù là làm ở đây cũng phải có nghề".
Dù làm việc tại gia đình hay tại các doanh nghiệp, các học viên của Trường Dạy nghề Sóc Trăng sau khi tốt nghiệp đều có được việc làm ngay là tín hiệu khá tốt, tạo nên một sinh khí mới cho người lao động và thanh niên ở cả thành thị và nông thôn. Những lao động có tay nghề sẽ không khó khăn lắm khi khẳng định vị trí của mình trong đời sống xã hội. |