SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN Từ BTA đến WTO Đình Chúc Cách đây gần đúng 6 năm (12.7.2000), tại Washington (Mỹ), Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ VN Nguyễn Đình Lương cùng người đồng nhiệm Mỹ P. Raymond đã chính thức đặt bút ký vào Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA), mở đường cho một tiến trình bình thường hoá quan hệ thương mại giữa hai nước. Còn ngày hôm qua (31.5), tại TPHCM, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ VN Lương Văn Tự cùng Phó Đại diện thương mại Mỹ Bhatia Karan một lần nữa lại đặt bút ký vào bản thoả thuận chính thức kết thúc đàm phán song phương về việc VN gia nhập WTO. Có khác chăng là để có được BTA, hai bên đã phải mất 5 năm đàm phán, còn để có được WTO thì thời gian gần gấp đôi (10 năm). Dĩ nhiên là vào thời điểm năm 2000, "cấp độ" thương mại giữa VN và Mỹ hoàn toàn khác với thời điểm năm 2006 này. Ông Nguyễn Đình Lương có một nhận xét khá hình ảnh rằng: Lúc ấy "con thuyền" thương mại Việt - Mỹ đang từ ngòi ra sông, còn nay đang từ sông ra biển! Vậy mà lúc mới đặt bút ký BTA, cũng không ít người coi đó là sự liều lĩnh, rằng BTA sẽ bóp chết không ít DN VN. Song thực tế 5 - 6 năm qua đã chứng minh ngược lại. Xuất khẩu của VN vào Mỹ đã tăng từ vài trăm triệu USD (năm 2000) lên trên 6 tỉ USD (năm 2005). Người Mỹ đã phải nhìn nhận khác đi về nhiều mặt hàng xuất khẩu của VN, thậm chí một số ngành hàng của họ đã phải vội vã tìm cách đối phó. Chỉ sau hơn 2 năm thực thi BTA, hàng loạt hàng rào phi quan thuế đã được phía Mỹ dựng lên, trong đó có 2 thứ "vũ khí" rất lợi hại: AÁp dụng hạn ngạch với hàng dệt may trong suốt 4 năm qua và áp thuế chống bán phá giá với tôm, cá VN. Nhưng rồi, hàng VN vẫn vượt lên và đang cắm chân vững chắc tại thị trường Mỹ. Song BTA là BTA, còn WTO lại có một đẳng cấp khác. Theo ông Nguyễn Đình Lương thì mặc dù BTA được xây dựng trên những chuẩn mực của WTO, nhưng những cam kết với Mỹ về WTO rộng lớn hơn, gay gắt hơn rất nhiều BTA. Nếu BTA còn có những "hàng rào" hạn chế với các tập đoàn dịch vụ, phân phối, sở hữu trí tuệ... hàng đầu ở Mỹ vào thị trường VN, thì WTO sẽ mở rộng cửa. Giới phân tích quốc tế nhận xét rằng, bàn cờ mà WTO bày ra sẽ khác và các đối thủ chơi cũng sẽ khác. Người VN sẽ phải làm quen với nhiều hàng nông sản và các sản phẩm dịch vụ của Mỹ tại chính thị trường nước mình. Lúc đó, cán cân xuất siêu không còn nghiêng quá đáng (xuất 6 tỉ, nhập 1 tỉ USD) về VN, như hiện tại. Có thể không hoàn toàn đúng, khi ai đó nói rằng: Khi VN trở thành thành viên đầy đủ của WTO thì BTA sẽ chấm hết vai trò lịch sử (bởi những cam kết trong BTA đều thấp hơn và nằm trong những cam kết WTO). Nhưng chắc chắn rằng: Với WTO, con thuyền thương mại Việt- Mỹ đã ra biển lớn. Mà biển thì rộng mở nhưng cũng đầy sóng dữ. Về phần mình, ít nhất thì với BTA, các DN VN đã được thử sức trong một môi trường sông nước không phải quá bình lặng. Ra biển sẽ nhiều rủi ro, nhưng hy vọng hải sản cũng đánh bắt được nhiều. |
▪ Nghị sĩ chuyên nghiệp (31/05/2006)
▪ Có khả năng xoá nợ cho ngư dân bị nạn (31/05/2006)
▪ TPHCM: Ưu đãi lãi suất vay cho các đơn vị đầu tư xe buýt 2 tầng (30/05/2006)
▪ Nhập khẩu ôtô cũ: Đôi co về giá hay chính sách bất cập? (30/05/2006)
▪ "Hội chứng" delta (30/05/2006)
▪ Trung ương Đảng giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh lãnh đạo Nhà nước (29/05/2006)
▪ Rưng rưng hạt muối (29/05/2006)
▪ Tiền đề không thể thiếu (28/05/2006)
▪ Báo động tuổi "tin"! (29/05/2006)
▪ Khánh Hoà: Khu kinh tế tổng hợp Vân Phong chính thức khởi động (27/05/2006)