WTO chạy đua với thời gian
Lư Phổ Ân Bằng việc kết thúc đàm phán song phương với đối tác cuối cùng là Mỹ, Việt Nam đã vượt qua mọi trở ngại để có thể sớm trở thành thành viên mới của WTO. Trong khi đó, triển vọng WTO kết thúc được thắng lợi Vòng đám phán Doha vào cuối năm nay như dự định lại không được sáng sủa như vậy.
Cách đây 5 năm, tại Hội nghị WTO ở Doha, các thành viên đã long trọng cam kết hợp tác với nhau để mở cửa thị trường, phá bỏ hàng rào thuế quan cản trở mậu dịch tự do, cùng nhau tìm kiếm các quy định công bằng và hợp lý hơn cho trao đổi thương mại trên phạm vi toàn cầu và đặc biệt quan tâm đến những vấn đề phát triển của các nước nghèo. Hào khí ở Doha đã tan biến nhanh chóng nhường chỗ cho các tính toán lợi ích đơn phương khiến vòng đàm phán này của WTO không chỉ bế tắc kéo dài mà thậm chí còn có nguy cơ bị thất bại. Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy đã phải tuyên bố: "Bây giờ, chúng ta đang ở khu vực báo động. Chúng ta có nguy cơ làm tiêu tan những gì đã đạt được nếu như không quả cảm tiến về phía trước". Nếu vòng đàm phán Doha này thất bại thì WTO sẽ không được trang bị thẩm quyền, quy định cần thiết, cũng như uy danh và vai trò không thể thiếu để vừa trở thành động lực, vừa là trọng tài công minh cho quá trình tự do hoá thương mại thế giới. Nguyên nhân chính nằm ở chỗ Mỹ và EU - với tư cách là hai đối tác mậu dịch lớn nhất trong WTO và trên thế giới - vẫn bám giữ vào quan điểm lâu nay, cụ thể là trong vấn đề bù trợ nông phẩm. Mới đây, EU đã đưa ra đề nghị mới, cam kết cho tới năm 2013 sẽ chấm dứt hoàn toàn bù trợ nông phẩm trong EU, nhưng với điều kiện là Mỹ cũng phải làm như vậy và đương nhiên đòi các nước đang phát triển phải mở cửa thị trường hàng công nghiệp và dịch vụ cho EU. Cao uỷ của EU phụ trách nông nghiệp - ông Mariann Fischer Boel - tuyên bố không úp mở: "Không thể có thêm đề nghị mới nào nữa của EU. Bây giờ không phải lúc EU phải làm vậy. Mỹ cần phải chuyển động. Cho tới nay, chúng tôi chưa thấy Mỹ nhân nhượng gì. Quả bóng đang nằm ở phía sân của Mỹ".
EU làm vậy cũng để tranh thủ dư luận và để tránh bị đổ lỗi gây bế tắc cho vòng đàm phán Doha, chứ EU thừa biết hiện tại Mỹ đâu có quan tâm gì đến việc này, Tổng thống Bush cũng sắp hết thời hạn được uỷ thác quyền về thương mại và lại vừa mới thay đại diện thương mại. Trong EU, cuộc cải cách bù trợ nông phẩm cũng không đơn giản, EU thực hiện mấy chục năm nay có thành công đâu và cũng chắc gì làm nổi đến năm 2013. Càng mở rộng tổ chức, EU càng thiếu hụt khả năng tài chính và càng khó đạt được sự đồng thuận cần có cho cuộc cải tổ chính sách nông nghiệp chung. Đề nghị của EU cũng còn nhằm dồn áp lực về phía Mỹ. Việc tìm kiếm sự đồng thuận trong WTO sẽ còn khó khăn hơn vì trào lưu co cụm khu vực và tìm kiếm "đồng minh tự nhiên" đang gia tăng, chẳng hạn như Brazil với Nhóm 20 hay Ấn Độ với Nhóm 33.
Chính vì vậy, WTO đang chạy đua với thời gian. |