"Bão cúm"
Các Website khác - 25/11/2005

"Bão cúm"

Một cơn bão lũ có thể cướp đi hàng trăm, hàng ngàn sinh mạng, tàn phá hàng vạn ngôi nhà, vườn tược, mùa màng, tài sản... của hàng trăm ngàn dân lành. Thiệt hại về vật chất có thể lên tới hàng tỉ, hàng chục tỉ đô-la. Một cơn sóng thần, một trận động đất sức tàn phá còn hơn thế nữa.

Nhưng với đại dịch cúm gia cầm và virus H5N1 ở người đang đặt ra trước nhân loại một thảm hoạ: Nếu không phòng tránh nghiêm ngặt, rất có thể phải trả giá bằng hàng chục triệu sinh mạng, thiệt hại về vật chất là không thể tính nổi. Rõ ràng là "bão cúm" gia cầm đang là trận động đất, là cơn sóng thần kinh thiên động địa của hành tinh chúng ta.

Song đó là nói chuyện to lớn của cả nhân loại, còn với VN ta? Theo số liệu mới nhất thì hiện dịch cúm gia cầm đã lan ra gần 20 tỉnh, thành phố, hơn 1 triệu con gia cầm đã chết và dĩ nhiên là chưa có dấu hiệu dừng lại. Người dân những vùng ổ dịch vì sức khoẻ của cộng đồng và của chính họ đã phải tiêu huỷ khẩn cấp hàng triệu con gia cầm nhiễm bệnh và có nguy cơ nhiễm bệnh. Nhưng người dân vùng không nhiễm dịch cũng đang phải đối mặt với những thiệt hại to lớn: Tiêm phòng cho hàng trăm triệu con gia cầm và chuẩn bị các phương án đầy tốn kém đối phó với dịch bệnh khi chúng xảy ra.

Song có một thiệt hại gián tiếp mà hậu quả của chúng không thể giải quyết ngày một ngày hai: "Đầu ra" cho gia cầm "sạch" đang đóng băng! Nhiều chủ trại lớn đã phải đầu tư hàng trăm triệu đồng gây nên đàn gia cầm hàng vạn con, nay mỗi ngày vẫn phải bỏ ra hàng triệu đồng duy trì sự sống cùng sự an toàn của chúng. Các hộ nuôi nhỏ lẻ, thiệt hại cũng tính tiền triệu. Tiền vay ngân hàng, lãi mẹ đẻ lãi con. Không ai giết thịt ăn trừ bữa, bán không ai mua, gà vịt không chết vì cúm mà chết vì... già và đói!

Dĩ nhiên là Chính phủ đã bỏ ra cả ngàn tỉ đồng hỗ trợ cho người chăn nuôi, nhưng với mức chỉ từ vài ngàn đến chục ngàn đồng/con thì chỉ mới giúp họ may lắm là trả được lãi ngân hàng. Tính toán sơ bộ thì để đảm bảo an toàn (trước mắt và ở mức thấp), cần đến tận 5.000 tỉ đồng. Bởi vậy, không còn con đường nào khác là toàn xã hội phải chia sẻ với hàng chục vạn người chăn nuôi gia cầm.

Người nông dân tiêu huỷ đàn gia cầm của mình- trước hết là vì sự an toàn của gia đình, sau đó đến hàng xóm láng giềng, đến sự an toàn của xã, của huyện, của tỉnh và của cả nước. Họ hy sinh vì mình chỉ là phần nhỏ, còn vì tính mạng của cả cộng đồng là nghĩa lớn.

Sau mỗi cơn bão, mỗi trận động đất, mỗi cơn sóng thần... chúng ta đã dấy lên những phong trào chia sẻ với đồng bào, thậm chí với cả nhân loại bị nạn. Số tiền quyên góp có những đợt lên tới hàng chục, hàng trăm tỉ đồng- và dĩ nhiên nó là liều thuốc hữu hiệu giúp họ khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.

Còn nay, trước cơn bão cúm gia cầm- cơn bão mà hậu hoạ còn lớn hơn nhiều lần một cơn bão lũ- lẽ nào chúng ta lại dửng dưng, vô cảm? Mỗi cán bộ, công chức hãy dành một, thậm chí vài ngày lương, mỗi doanh nghiệp hãy dành một phần tiền phúc lợi, mỗi người dân hãy đóng góp vài ngàn, vài chục ngàn đồng.

Cả 80 triệu người VN- nhất định số tiền quyên góp được sẽ không hề nhỏ.

Đình Chúc