Năm 2003, trước tình trạng số lượng xe máy tăng nhanh và nạn ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên trên địa bàn, HĐND thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết tạm dừng đăng ký xe máy tại bốn quận nội thành là: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Năm 2004, mở rộng hiệu lực tại các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng thì chủ trương này ngay lập tức "kiềm chế" tốc độ gia tăng xe máy tại Hà Nội. Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) cho biết: Năm 2003, toàn thành phố có 83 nghìn xe máy được đăng ký mới, giảm 48% so với số xe đăng ký năm 2002. Năm 2004, có 97.000 xe máy được đăng ký, chỉ tăng 17% so với năm 2003. Mười tháng đầu năm 2005, lượng xe máy đăng ký mới tại Hà Nội là 63.400 xe, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2004. Bình quân mỗi ngày có 300 xe máy mới đăng ký, ít hơn nhiều so với con số 1.000 xe/ngày trước đây. Tổng số xe máy do Công an TP Hà Nội quản lý tính đến thời điểm này là 1,6 triệu xe.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc tạm dừng đăng ký không thể hạn chế việc gia tăng số lượng xe máy trên địa bàn. Do vẫn có nhu cầu sử dụng xe máy, cho nên từ khi có quyết định tạm dừng đăng ký xe máy tại các quận nội thành, nhiều người dân lại "lách luật" bằng cách sang các tỉnh, thành phố khác để đăng ký xe hoặc chỉ thêm từ hai đến ba triệu đồng/xe để mua tiêu chuẩn đăng ký. Đây là hiện tượng tiêu cực, gây cho nhân dân những khoản tốn kém không đáng có.
Anh Khiêm, nhà ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình cho biết: "Gia đình tôi có bốn người, hai vợ chồng và hai đứa con. Chúng tôi có một xe máy. Bây giờ tôi nghỉ hưu, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nên vợ chồng tôi quyết định vừa gom góp, vừa vay anh em bạn bè mua thêm một chiếc xe máy để chạy xe ôm. Tôi phải tốn thêm hai triệu nữa để nhờ chủ cửa hàng bán xe mua hộ một suất đăng ký của một người ở tỉnh Bắc Ninh".
Hiện tượng người dân Hà Nội đi xe máy mang biển kiểm soát tỉnh khác, giấy tờ đăng ký xe đứng tên người khác như anh Khiêm là khá phổ biến trên địa bàn Hà Nội trong thời điểm hiện nay. Điều này dẫn đến việc các cơ quan chức năng của thành phố không thể kiểm soát số lượng, chủ sở hữu cũng như nguồn gốc các phương tiện. Việc quản lý phương tiện, xử lý tai nạn, chống trộm cắp và đua xe trái phép...trở nên vô cùng phức tạp. Nghiêm trọng hơn là thành phố không nắm được những số liệu chính xác để đưa ra những chính sách phát triển giao thông sát với thực tế.
Về góc độ kinh tế, việc tạm ngừng đăng ký xe máy tại bẩy quận nội thành không chỉ gây tốn kém cho người dân, mà còn gây thất thu hàng trăm tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách thành phố.
Việc tạm dừng đăng ký xe máy tại bốn quận nội thành còn khiến cho một số gia đình có thu nhập cao tìm mua xe ô-tô thay vì mua thêm xe máy. Hai năm gần đây, số lượng xe ô-tô đăng ký tăng bình quân từ 60 đến 70%/năm, đột biến so với mức tăng bình quân 10-15%/năm trước đó.
Số lượng các phương tiện giao thông, nhất là số xe máy, xe ô-tô con tăng nhanh đã làm cho giao thông trên địa bàn thành phố ngày càng phức tạp, tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Nếu như trước đây, ùn tắc giao thông thường xảy ra tại một số nút giao thông vào giờ cao điểm thì hiện nay, ùn tắc có thể xảy ra ở bất kỳ thời gian nào trong ngày trên nhiều tuyến đường khác nhau.
Chỉ một số tuyến đường chung quanh sân vận động Hàng Đẫy bị cấm đường để phục vụ một sự kiện thể thao, thế là hàng chục tuyến đường ở trung tâm thành phố bị tắc nghẽn. Một trận mưa to gây úng ngập vào đúng giờ đi làm buổi sáng cũng làm cho giao thông thành phố hỗn loạn, gây nhiều bức xúc cho người dân thủ đô. Chị Tuyết Mai, nhà ở phố Lê Trọng Tấn cho biết: "Các tuyến đường Trường Chinh, Tôn Thất Tùng, Chùa Bộc... chung quanh nhà tôi ngày nào cũng xảy ra ùn tắc. Để tránh tình cảnh này, tôi chỉ còn cách đi làm sớm hơn, về muộn hơn".
Trước vấn đề này, mới đây Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu thẳng thắn cho rằng: tuy việc ban hành lệnh tạm dừng đăng ký xe máy tại các quận nội thành xuất phát từ mong muốn giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, vì lợi ích của người dân thủ đô, nhưng quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều bất cập. Thành phố sẽ sửa đổi quy định này theo hướng có lợi cho dân, trong khuôn khổ của pháp luật. Trước mắt, thành phố giao cho hai ngành Giao thông công chính và Công an đánh giá tổng thể hiệu quả của việc tạm dừng đăng ký xe máy, đồng thời đề xuất những giải pháp tổng thể để cải thiện tình hình giao thông trên địa bàn thành phố.
Người dân Hà Nội mong muốn các cơ quan chức năng của thành phố sớm có giải pháp phù hợp hơn, khả thi hơn, hiệu quả hơn trong công tác tổ chức giao thông trên địa bàn, để giải quyết những vấn đề giao thông bức xúc, bảo đảm quyền lợi của người dân.
KIỀU HƯƠNG
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 17, bãi bỏ quy định mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe mô tô hoặc xe gắn máy; không phải có thêm bản photo giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cấp đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, ngày 21-11, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư số 17-2005 sửa đổi, bổ sung điểm 2 của Thông tư số 02/2003 về hướng dẫn tổ chức cấp đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Bộ Công an giao Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai thực hiện thông tư này.
|
|