Các vị Bộ trưởng đã đề cập một số vấn đề bức xúc của cử tri
Các Website khác - 25/11/2005
Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển.
Chiều 24-11, tại kỳ họp thứ 8, QH khóa XI, các bộ trưởng thành viên Chính phủ bắt đầu trả lời chất vấn của đại biểu QH. Phiên họp này được truyền hình và phát thanh trực tiếp để cử tri cả nước quan tâm theo dõi. Nhiều cử tri qua đó đã gửi ngay ý kiến nhận xét về báo Nhân Dân. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến.
Mở đầu là Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Minh Hiển và Bộ trưởng LÐ - TB và XH Nguyễn Thị Hằng.

Cách trả lời của bộ trưởng chưa sát

Qua theo dõi truyền hình trực tiếp buổi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Minh Hiển trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, thoạt nghe tôi nhận thấy cách trả lời của bộ trưởng xét về mặt lý luận hết sức hợp lý, từ cách diễn giải, kết luận đến thái độ nghiêm túc tự nhận trách nhiệm về mình trước dân. Tất nhiên, do giới hạn về mặt thời gian, nên giữa người hỏi và người trả lời đều không nói hết ý, thế nhưng gợi cho tôi một số suy nghĩ.

Về chủ trương tăng học phí, bản thân mức học phí hiện nay cũng đã gây khó khăn cho quá nhiều người có thu nhập trung bình, cực kỳ khó khăn cho hộ dân nghèo đang gắng sức cho con đi học, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa. Việc tăng học phí cần phải xem xét đến tính vùng, miền, không nên tăng đồng loạt trên phạm vi cả nước, nếu tăng học phí sẽ khiến cho nhiều học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa đồng bằng sông Cửu Long không có tiền trang trải, phải bỏ học nửa chừng.

Qua trả lời chất vấn, bộc lộ những hạn chế, yếu kém trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ giáo dục, thế nhưng bộ trưởng lại chưa quy trách nhiệm cụ thể cho ai, không xử lý có địa chỉ cụ thể, nên tình trạng yếu kém của ngành cứ lặp đi lặp lại. Về cung cấp thiết bị giáo dục, thực tế tại các điểm trường của ÐBSCL cái đáng cần thì lại cung cấp chậm, cái chưa cần thiết thì lại có ngay, như các trường lớp ở vùng sâu, vùng xa luôn bị chậm trễ trong việc trang bị bàn ghế, bảng đen, sách giáo khoa, trong lúc các thiết bị thí nghiệm đưa về thì lại chưa có nơi bảo quản, nên mau bị hư hỏng.

Tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Ðào tạo trước khi đầu tư cung cấp thiết bị giáo dục, cần chỉ đạo khảo sát cụ thể, nhất là với các điểm trường vùng sâu, vùng xa.

Tóm lại, theo nhận xét của tôi thì cách trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo chưa triệt để, chưa sát thực tế.

PHAN VĂN NGỌ
(30/2/2 Khu B đường Mậu Thân,
quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)

Câu hỏi chất vấn chưa thỏa mãn tâm tư nguyện vọng cử tri

Tại trụ sở UBND phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP Ðà Nẵng hơn 30 cán bộ về hưu và người dân đến theo dõi qua truyền hình cuộc trả lời chất vấn của các bộ trưởng.

Cử tri Lê Xuân Hiền, trung tá về hưu, ở tổ 47, phường Vĩnh Trung, cho biết: Qua thực tế và được nghe các đại biểu Quốc hội chất vấn cho thấy việc này dân rất đồng tình. Ðối với Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, vấn đề học thêm, dạy thêm đang tràn lan trên cả nước, nhưng không thấy bộ trưởng đưa ra giải pháp gì. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng chưa đề cập vấn đề này. Ðề án tăng học phí thì phải có phương án từng bước, nếu tăng học phí thì phải triệt để bỏ các khoản thu không hợp lý như quỹ phụ thu, quỹ học sinh. Mong muốn Bộ Giáo dục và Ðào tạo, các Sở Giáo dục và Ðào tạo nâng cao trách nhiệm, phối kết hợp các bộ, ban ngành để làm cho chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao, tốt hơn nữa.

Cử tri Trần Kim Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, phường Vĩnh Trung: Ngành giáo dục có đổi mới, cải cách nhiều lần, nhưng hiệu quả chưa đạt theo mong muốn của cử tri, người dân. Tôi không đồng tình với đề án tăng học phí, vì tăng học phí thì người nghèo không thể đến trường, không thể được học. Như gia đình tôi có bốn đứa con, chỉ mong làm sao học hết cấp 3, nếu còn có điều kiện thì cho học tiếp trung cấp, cao đẳng mà thôi. Với đồng lương hưu như hai vợ chồng tôi thì làm sao đáp ứng yêu cầu theo đuổi học tập và hoài bão của các cháu được?

Qua cuộc chất vấn với Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, tôi thấy nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội chưa sâu, chưa chuyển tải được tâm tư, nguyện vọng thiết thực của người dân, cử tri. Qua mấy kỳ họp, chất vấn rồi, nhưng ngành giáo dục còn chưa thực hiện tốt những vấn đề đang nổi cộm, bức xúc mà nhân dân đang ngóng chờ. Mong, những gì mà bộ trưởng đã hứa và nói với Quốc hội, cử tri, thì nên thực hiện tốt.

ÐỨC NGHĨA ghi

Chúng tôi mong con em không phải đi học thêm

Là cha mẹ của các cháu đang học phổ thông, chúng tôi rất bức xúc trước việc con em mình phải đi học thêm ở trường. Con tôi mới học lớp 5, song cháu gần như phải đi học cả ngày, tối cháu vẫn phải đi học thêm ở nhà thầy các môn toán, văn, tiếng Việt... Cặp sách của các cháu hôm nào cũng đầy ắp, nên khá nặng. Là cha mẹ, chúng tôi mong muốn Bộ Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo các trường phổ thông nên giảm học thêm, chỉ học các môn chính trong giờ học với chất lượng dạy được nâng lên, đồng thời tăng thêm các môn thể dục, ngoại ngữ theo kiểu chơi mà học, nhằm tăng thể lực, nâng cao sự hiểu biết về nhân cách, giới tính, giúp các cháu phát triển toàn diện ngay từ khi còn nhỏ.

Ngoài ra, việc đóng học phí cũng đang làm nhiều gia đình, nhất là các gia đình nông thôn không muốn cho con đi học. Bởi vì nhiều gia đình chưa thể có đủ tiền đóng học phí chứ chưa nói đến đóng tiền học thêm. Và như vậy, sự phân cách giàu nghèo, nông thôn và thành thị sẽ tăng lên trong khi chúng ta rất muốn rút ngắn khoảng cách này lại.

NGUYỄN VĂN HÙNG
(54/17 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm,
TP Hồ Chí Minh)

Cần đưa ra các giải pháp đồng bộ

Qua phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Minh Hiển, chúng tôi thấy còn băn khoăn. Bộ trưởng nêu lý do điều chỉnh học phí là để các nhà trường có thêm nguồn lực tài chính, có điều kiện nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm thu nhập thỏa đáng cho giáo viên, cải thiện điều kiện dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo số liệu trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục đã tăng từ 15.609 tỷ đồng năm 2001 lên 41.630 tỷ đồng năm 2005. Ðó là chưa kể đến nguồn đầu tư từ nguồn vốn vay nước ngoài và đóng góp của người dân hằng năm đều tăng. Nhưng, tại sao chất lượng giáo dục vẫn thấp so với yêu cầu? Có phải vì thiếu đầu tư hay còn do những nguyên nhân khác? Theo chúng tôi, trước khi đưa ra đề án điều chỉnh mức học phí, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần xem xét, đưa ra được các giải pháp để sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn đầu tư hiện có.

Qua ý kiến chất vấn của các đại biểu QH Vũ Thị Huệ, Ngô Thị Minh và phần trả lời của Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo, dễ dàng nhận thấy đang có sự lãng phí lớn trong ngành giáo dục-đào tạo. Mỗi năm, Nhà nước đầu tư một nguồn ngân sách khá lớn cho việc đào tạo sinh viên các trường sư phạm vì không thu học phí. Nhưng hiện nay, vẫn còn số lượng lớn sinh viên sư phạm sau khi ra trường không có việc làm, hoặc làm việc ở những ngành khác trong khi ngành giáo dục vẫn "kêu" thiếu giáo viên. Nghịch lý thừa - thiếu này tồn tại đã nhiều năm, tại sao Bộ Giáo dục và Ðào tạo vẫn chưa có được các giải pháp điều chỉnh? Việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục cũng vậy. Không ít nơi trang thiết bị hiện đại, trị giá hàng chục triệu đồng phải "đắp chiếu" vì không có phòng thí nghiệm... Bộ trưởng trả lời còn chung chung, chúng tôi thấy còn chưa rõ.

Hiện nay, đang có xu hướng mở ra nhiều loại hình đào tạo ở bậc đại học: chính quy, chính quy không tập trung, tại chức, tự học có hướng dẫn, đào tạo từ xa... Việc xã hội hóa giáo dục là cần thiết, nhưng cần phải có chính sách quản lý tốt. Nếu chương trình học của các hình thức đào tạo này giống nhau, chất lượng tương đương, thì tại sao có sự chênh lệch về "đầu vào"? Trong khi các cơ quan tuyển dụng cán bộ đều yêu cầu tốt nghiệp đại học hệ chính quy, vậy thì hàng trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học các hệ đào tạo khác làm gì? Ðây cũng là một sự lãng phí lớn. Bộ Giáo dục và Ðào tạo có biện pháp gì để khắc phục tình trạng này? Theo chúng tôi, điều chỉnh học phí chỉ mới là một giải pháp. Cần có thêm các giải pháp đồng bộ, một chiến lược tổng thể về giáo dục các bậc học, dựa trên tình hình thực tế nước ta, có sự góp ý kiến của toàn xã hội. Nếu thấy những việc làm vừa qua là thiếu sót, khuyết điểm, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần dũng cảm nhận trách nhiệm và nghiêm túc sửa chữa.

Lê Hồng Vân
(Khu tập thể 34, phố Trần Phú,
quận Ba Ðình, Hà Nội)

Hoan nghênh đổi mới cách hỏi và trả lời chất vấn

Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng.
Theo dõi buổi chiều chất vấn đầu tiên của kỳ họp này, trước hết tôi rất tán thành sự đổi mới trong cách điều hành của Chủ tịch QH Nguyễn Văn An về cách hỏi và trả lời chất vấn. Trong hai vị bộ trưởng trả lời đầu tiên là Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Minh Hiển và Bộ trưởng LÐ-TB và XH Nguyễn Thị Hằng, tôi nhận thấy đều đề cập nhiều vấn đề lớn liên quan đến mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, được nhiều người rất quan tâm.

Riêng lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội thì tôi thấy, công tác thương binh trong nhiều năm qua đã được Ðảng và Nhà nước giải quyết tương đối thỏa đáng, còn hai vấn đề lao động và chính sách xã hội hiện tại còn nhiều việc phải làm, thậm chí gây bức xúc từ nhiều năm nay, nhưng không thấy nhiều đại biểu QH quan tâm chất vấn. Thí dụ như vấn đề lao động hiện nay ở nông thôn, lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn, chế độ đóng bảo hiểm trong các doanh nghiệp tư nhân... đều là những vấn đề lớn, nhưng chưa được đề cập và giải quyết một cách thỏa đáng.

Cách trả lời của các bộ trưởng đều mạch lạc, ngắn gọn chứng tỏ người đứng đầu các bộ đều nắm rất chắc những vấn đề của ngành mình đang được xã hội quan tâm. Nhưng, qua nghe cách trả lời, chúng tôi vẫn không thấy hoàn toàn thỏa mãn. Nên chăng, mỗi vị bộ trưởng cần chọn một hoặc hai vấn đề bức xúc nhất hiện nay của ngành mình để trình với QH và có biện pháp, lộ trình giải quyết cụ thể dứt điểm để kỳ họp sau giải quyết những vấn đề khác, chứ chỉ nêu tiếp thu, nghiên cứu và hứa sửa chữa để rồi lần sau lại nêu lên những vấn đề cũ, thì hiệu quả của trả lời chất vấn không cao.

LÊ THỊ ĐỊNH
(Số 10, tổ 9, phố Hai Bà Trưng,
TP Thái Bình, Thái Bình)