Ðại biểu Nguyễn Ðình Lộc - TP Hồ Chí Minh:
Như là hội nghị tổng kết của ngành giáo dục và đào tạo
Chất vấn hôm nay có những đổi mới về mặt phương pháp, theo hướng của đồng chí Chủ tịch QH là muốn đi vào thiết thực, những vấn đề trực tiếp, không có nói nhiều dài dòng những vấn đề ở ngoài. Nhưng qua việc chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu cho thấy, có lẽ cả hai phía đều phải tiếp tục rút kinh nghiệm. Ngồi ở dưới nghe một lúc, tôi nghĩ đây đang là hội nghị tổng kết của ngành giáo dục.
Sau khi nghe báo cáo và thảo luận, các thầy giáo và cô giáo có nêu câu hỏi để Bộ trưởng giải thích, chứ chưa phải những vấn đề ở tầm của QH. Vì vậy, tôi rất đồng ý với ý kiến của đồng chí Chủ tịch QH nói là cả hai phía đều phải chuẩn bị. Qua việc các đại biểu nêu câu hỏi cho thấy, người hỏi chưa theo dõi kỹ cho nên người ta đã trả lời rồi vẫn cứ hỏi lại, hỏi những vấn đề không cơ bản. Còn người trả lời cho thấy, hôm nay đồng chí Bộ trưởng có phần lúng túng, không đề cập những vấn đề cơ bản. Chẳng hạn như giải thích vấn đề rút việc tăng học phí là hơi đơn giản. Thật ra việc cho ra đời được dự thảo đề án ấy là cả một vấn đề rất lớn, có những nội dung rất cơ bản nhưng khi mình trả lời thì trả lời như rút đi cho nó gọn.
Như vậy, chất vấn, trả lời chất vấn không có giá trị. Và như thế, từ việc nêu câu hỏi, nêu chất vấn cho đến việc trả lời chất vấn đều phải có sự chuẩn bị rất kỹ.
Ðại biểu Phạm Ngọc Thiện - Bạc Liêu:
Chỉ đạo của ngành giáo dục - đào tạo còn lúng túng
Hoạt động chất vấn đã có sự đổi mới, cho nên, việc trả lời có trọng tâm hơn. Tôi thấy việc trả lời của Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo về cơ bản cũng được, nhưng nếu gọi là đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhiều đại biểu QH thì theo tôi chưa đáp ứng được, vì cái người ta băn khoăn nhất là vấn đề chất lượng giáo dục và xoay quanh chất lượng giáo dục thì người ta nghĩ nhiều đến việc cải tiến, đổi mới chỉ đạo của ngành giáo dục.
Qua trả lời, tôi cảm thấy Bộ trưởng lúng túng vấn đề này. Thí dụ như Bộ trưởng trả lời câu hỏi của đồng chí Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) là đã nghiên cứu cẩn thận các dự án, chương trình, nhưng như Chủ tịch QH hỏi đồng chí vừa đưa ra chương trình học phí, thế nhưng khi có nhiều ý kiến thì đồng chí rút lui ngay, chứng tỏ đồng chí chuẩn bị chưa kỹ. Hai nữa, có những việc, thí dụ như trong cơ chế thị trường, không phải Bộ trưởng lo được việc làm cho từng sinh viên khi ra trường như trước (thời bao cấp), nhưng có một điều, vậy tại sao bộ vẫn chỉ đạo các trường ký kết với sinh viên mà đã ký kết mà không thực hiện lời hứa đối với ngành giáo dục là rất không nên. Mặt khác, rất không nên để các trường ký kết với học sinh rồi lại buông học sinh ra muốn làm thế nào thì làm? Và tốt nhất là đừng ký nữa.
Thí dụ như vậy, tôi cho rằng, về mặt chỉ đạo hiện nay bộ có phần lúng túng trước đòi hỏi của nhân dân và cuộc sống, đặc biệt vẫn là vấn đề chất lượng giáo dục mà bộ vẫn còn chưa có lời giải một cách thích đáng.
Ðại biểu Hoàng Thanh Phú - Thái Nguyên:
Không nên tạo sự bức xúc cho các đại biểu
Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo trả lời còn lập cập quá, nên thành ra nhiều câu trả lời lúng túng. Bộ trưởng phải trả lời tầm cỡ và phải bình tĩnh hơn một chút. Tôi định hỏi chung quanh vấn đề sách giáo khoa. Ðây cũng là vấn đề dư luận bức xúc. Bộ trưởng trả lời tôi bằng văn bản, bảo rằng tuổi thọ sách giáo khoa được 10 năm và nếu như vậy thì tại sao có những sách giáo khoa mới làm vừa rồi, bây giờ bắt đầu phải làm lại? Trong khi đó thì tiền tiêu rất nhiều.
Còn vấn đề dụng cụ học tập, cũng là cái chương trình thực hiện ào ạt, gây lãng phí, như đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) nói là đúng. Bây giờ nhiều nơi mua dụng cụ về để đấy thôi, có nhà đâu mà học, có đủ giáo viên đâu mà hướng dẫn, lãng phí kinh phí. Theo tôi, người trả lời không nên tạo ra cho đại biểu bức xúc, tức là phải bình tĩnh, trả lời rành rọt, thì đại biểu không bức xúc, không nêu nhiều ý kiến.
|