Làm sao tránh rối loạn thị trường?
Ông Nguyễn Ðăng Vang, Viện trưởng Viện Chăn nuôi dự báo, tình hình thị trường, nhất là những tháng áp Tết sẽ có những rối loạn nhất định do thiếu hụt thực phẩm. Hiện nay, giá cả các loại thực phẩm đã tăng khá cao. Nếu tình hình thịt gia cầm không thể tiêu thị được như hiện nay thì các loại thịt bò, thịt trâu cũng không thể đủ cung cấp, phải tính phương án nhập khẩu nhưng không ai dám chắc chất lượng có bảo đảm.
Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều nhà chăn nuôi đã đưa ra thị trường thỏ, cừu, dê nhưng đó chưa được coi là giải pháp bù đắp thực phẩm do người dân chưa có thói quen sử dụng, khó chế biến. Vì vậy, để có lối mở cho người chăn nuôi cũng như cân bằng thị trường, vấn đề cần phải tính toán hiện nay là đưa số gia cầm sạch ra thị trường tiêu thụ.
Theo số liệu của Viện chăn nuôi thì hiện số gia cầm bị bệnh chiếm tỷ lệ chưa phải quá lớn, khoảng 0,5% tổng đàn gia cầm cả nước. Như vậy, 99,5% còn lại đang đứng trước tình cảnh khó khăn là người tiêu dùng không dám ăn, còn người chăn nuôi khốn đốn, bỏ cho gia cầm đói, chết. Ông Vang cũng cho biết, tình trạng này một phần do chúng ta tuyên truyền chưa đúng mực, khiến nhiều người không đầy đủ thông tin, chỉ sợ một cách mơ hồ.
Cùng chung quan điểm này, Giáo sư Ðoàn Trọng Ðạt, Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam đề nghị chúng ta nên điều chỉnh và định hướng dư luận trong việc tiêu thụ gia cầm và ông đưa ra giải pháp là nên giết mổ số gia cầm sạch ở những địa phương có nguồn gốc an toàn, bảo đảm vệ sinh và cung cấp ra thị trường một cách bình thường.
Bảo vệ đàn gia cầm hiện nay như thế nào?
Tại cuộc họp, có ý kiến cho rằng sắp tới chỉ nên nuôi gia cầm tập trung ở những địa bàn xa đô thị, xa dân cư, có hệ thống bảo vệ và kiểm soát giết mổ đi kèm cũng như nghiêm cấm việc nuôi gia cầm nhỏ lẻ, thả rông ở hộ gia đình. Số liệu thống kê cho thấy, trước đây cả nước có tám triệu hộ chăn nuôi thì chỉ có 35% số hộ nuôi nhốt, còn lại 65% nuôi thả rông, hết sức nguy hiểm.
Tuy nhiên, đại đa số ý kiến phản đối hướng xóa bỏ gia cầm nuôi nhỏ lẻ và cho rằng nuôi tại các gia đình không chỉ là thói quen mà còn là sự mưu sinh, là thu nhập hằng ngày của các hộ gia đình. Có điều nuôi phải bảo đảm kỹ thuật, vệ sinh chuồng trại thường xuyên và phải có sự kiểm soát dịch của lực lượng thú y.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam đề xuất gia cầm tại các hộ gia đình cần phải được khoanh nuôi trong khuôn viên vườn, không được thả rông, nếu khi có dịch bệnh thì phải báo ngay cho cơ quan thú y biết để xử lý. Ngoài ra, vệ sinh phòng dịch cần được chú trọng, nếu như khâu này làm tốt thì có thể khống chế được dịch và đặc biệt là không tốn kém. Người dân có thể cách ngày rắc vôi bột để diệt trùng. Các ý kiến còn kiến nghị Nhà nước cần phải có đầu tư kinh phí để xã hội hóa công tác chăn nuôi, thú y. Có thể hỗ trợ cho người chăn nuôi về chuồng trại, cách vệ sinh chăn nuôi, còn cán bộ thú y cần được quan tâm hơn để tăng cường năng lực.
Ông Vũ Tuyên Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết những ý kiến đóng góp này trong thời điểm hiện nay là rất quan trọng và sẽ được chuyển tới Chính phủ để có những quyết sách kịp thời và phù hợp trong thời gian tới.
|