Theo báo cáo, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, trong thế kỷ 21, nhiệt độ thế giới có thể tăng thêm 50C, tương đương với sự thay đổi nhiệt độ từ thời kỳ băng hà, thời kỳ phần lớn châu Âu và Bắc Mỹ còn nằm dưới lớp băng dầy 1km. Trong khi đó, ngưỡng biến đổi khí hậu nguy hiểm là tăng thêm 20C. Nếu vượt qua ngưỡng 2 độ này, kết quả phát triển con người sẽ bị đẩy lùi trên quy mô lớn, các thảm họa sinh thái không thể đảo ngược sẽ xảy ra.
Tại Việt Nam, tình trạng Trái đất ấm dần lên, có thể làm 40.000 km2 các đồng bằng ven biển chìm sâu dưới nước. Trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng 0,70C, mực nước biển dâng 20 cm. Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thiên tai bão lụt hạn hán đã diễn ra khốc liệt hơn trước. Gần đây, Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo, Việt Nam sẽ là 1 trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng nhất vì tình trạng biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao.
Riêng việc nước biển dâng cao có thể khiến 22 triệu người Việt Nam mất nhà. Một phần lớn diện tích của đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ngập lụt do nước biển dâng. Nguyên nhân của biến đổi khí hậu ở Việt Nam do khí nhà kính từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất, chất thải...

|
Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới thường bị nước "ngâm" khi mưa lũ về. (Ảnh: Xuân Hoài) |
Trong tình hình này, để một cuộc sống an toàn cần có sự chuẩn bị để đối diện với thảm hoạ, kể cả những mối nguy hại không thể kiểm soát. Điều này đòi hỏi phải có sự nỗ lực to lớn của các cấp chính quyền, các tổ chức tự nguyện và bản thân cộng đồng dân cư. Nâng cao nhận thức về rủi ro, thiết lập các kế hoạch sẵn sàng, như vậy dân chúng mới có thể sinh sống an toàn.
Bà Bernadia Tjandradewi, Tổ chức Citynet cho rằng: Với Việt Nam, Chính phủ cần tìm các biện pháp thích nghi cho người nghèo và những người cận nghèo, những người chịu tác động nhiều nhất. Nhờ đó, sẽ giúp người dân vừa thích ứng với điều kiện biến đổi, vừa bảo vệ tài sản và đảm bảo cho sinh kế.
Về khả năng thích nghi biến đổi khí hậu dựa trên yếu tố cộng đồng, GS Rajib Shaw (Đại học Kyoto, Nhật Bản) đề cập những phương pháp giúp Việt Nam củng cố khả năng phát triển bền vững: Tăng cường và củng cố một “nền văn hóa có tâm thế đối phó với khủng hoảng”; tăng cường nhận thức của cộng đồng về mối hiểm họa; kêu gọi sự tham gia của cộng đồng và bồi dưỡng thêm sức mạnh nghiên cứu thông qua các học viện chuyên ngành; tăng cường khả năng tích lũy hữu hình và vô hình về vật chất, công nghệ và tài sản kinh tế để sử dụng như đầu ra cho các dự án đối phó với cuộc khủng hoảng...
Theo Giadinh.net