Xây nhà máy nước BOO Thủ Đức Dân tiếp tục khát nước sạch
Các Website khác - 23/02/2009

Trong khi 17.800 hộ dân tại huyện Nhà Bè, Bình Chánh hàng chục ngàn hộ dân khác tại quận 7, Thủ Đức… khổ sở vì thiếu nước sạch, thì dự án xây nhà máy nước BOO Thủ Đức chậm trễ do nhà thầu và chủ đầu tư lo kiện nhau.

Việc cấp nước của những người dân vẫn chưa có gì hứa hẹn. Ảnh: A.Q

Dân dài cổ chờ nước…

Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Nguyễn Văn Tiến bức xúc, đến nay chỉ có 4.163 hộ dân ở thị trấn Nhà Bè được gắn đồng hồ nước, chiếm chưa tới 25% số hộ trong huyện. Để có nước sạch sử dụng, người dân phải chen nhau, xếp hàng chờ mua nước từ 13h đến đêm, nhưng đôi khi cũng không có nước. Định mức cũng eo hẹp, 17 lít/người/ngày. Các hộ không may mắn đành mua nước từ trạm, bồn chứa do xe bồn chở đến, giá từ 18.000 – 20.000đồng/200 lít. Người dân tại khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức xếp hàng chờ mua nước máy tại một điểm đổi nước trên đường số 3.

Tình trạng thiếu nước, theo dự báo, sẽ tiếp tục diễn ra dù nguồn cung cấp nước sạch cho thành phố là hai nhà máy Tân Hiệp và Thủ Đức đã chạy hết công suất (hơn một triệu m3/ngày). Nhiều dự án cấp nước khác như hệ thống cấp nước sông Sài Gòn giai đoạn 2, công suất 300.000 m3/ngày; dự án mở rộng nhà máy nước Thủ Đức giai đoạn IV với công suất bổ sung 300.000m3/ngày đang được tổng công ty Cấp nước Sài Gòn kêu gọi đầu tư.

… Nhà thầu, chủ đầu tư kiện nhau

Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước BOO Thủ Đức có tổng vốn đầu tư 1.547 tỉ đồng, khởi công ngày 30.9.2005, dự kiến tháng 8.2007 hoàn thành, phát 300.000m3/ngày. Chủ đầu tư thuê tập đoàn CDM International Inc – Hoa Kỳ làm tư vấn, quản lý dự án và giám sát thi công. Nhà thầu thi công cũng là nhà thiết kế: tập đoàn Hyundai Mobis (nay là Hyundai Rostem – Hàn Quốc).

Công trình này được chia thành hai gói, xây dựng nhà máy nước (chiếm khối lượng 55% công trình) và đường ống dẫn nước dài 25,7km đi từ Thủ Đức băng ngầm qua sông Sài Gòn đến Nhà Bè. Đường ống chính này có đường kính 2m, nên mặt bằng đất cần giải toả là 8m bề ngang. Hiện nay tiến độ thi công của đường ống này vẫn còn 7km chưa hoàn thành, do vướng giải phóng mặt bằng. Trong giai đoạn 1 thi công, đoạn đường ống quan trọng từ nhà máy đến cầu Rạch Chiếc để cho nhà máy nước vận hành, thử tải theo đúng tiến độ vào tháng 8.2007 lại không thể thực hiện do “vướng” một hộ dân, gây thiệt hại mỗi ngày hàng trăm triệu đồng.

Dự án càng chậm chễ hơn khi cuối năm 2008, nhà thầu Hyundai Rostem – Hàn Quốc bị công ty cổ phần BOO nước Thủ Đức (TDW) cắt hợp đồng, tịch thu hơn 5,7 triệu USD bảo lãnh hợp đồng, và bị loại bỏ dù đã thực hiện được 91% tiến độ của toàn công trình.

Lý do để TDW đơn phương chấm dứt hợp đồng là: do Hyundai không tuân thủ việc gia hạn bảo lãnh thực hiện hợp đồng tại ngân hàng, không nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, bỏ công trường, trì hoãn tiến độ. Còn công ty Hyundai cho rằng, chính TDW đã vi phạm một số nghĩa vụ trong việc thực hiện hợp đồng. Theo hợp đồng, nhà đầu tư phải bàn giao mặt bằng đúng tiến độ cho nhà thầu vào ngày 5.11.2005 (chậm nhất là 60 ngày sau khi ký hợp đồng); nếu không thực hiện đúng, nhà thầu sẽ toàn quyền chấm dứt hợp đồng. Cho đến tháng 8.2008, vẫn còn nhiều trở ngại cho mặt bằng thi công như: trụ điện, thùng điện cao thế, nhà dân… Hyundai cũng cho rằng, trong quá trình thi công, các nhà thầu phụ đề nghị giao mặt bằng, nhưng vẫn chưa được đáp ứng. Những văn bản Hyundai Rotem đề nghị được hỗ trợ về việc này, lại không được TDW phúc đáp. Do vậy, việc TDW quy lỗi cho nhà thầu là không công bằng.

Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã chỉ đạo UBND TP.HCM kiểm tra, xem xét giải quyết khiếu nại của công ty Hyundai Rotem và giải quyết phù hợp với quy định pháp luật; báo cáo kết quả lên Thủ tướng.

Điều đáng quan tâm là, dự án chỉ còn 9% công việc nữa là có thể hoàn thành, hàng trăm ngàn dân có nước sạch để sử dụng. Nhưng vì những lý do khác nhau, nhà thầu và nhà đầu tư lại lo “kiện nhau”.

Theo SGTT