Hà Nội siết chặt quản lý hè phố: Các lệnh cấm bị "vô hiệu hóa"
Các Website khác - 23/02/2009
Nhằm chỉnh trang lại mỹ quan đường phố, trật tự đô thị, an toàn giao thông, TP Hà Nội đã ban hành một loạt các lệnh cấm: Cấm bán hàng rong trên 63 tuyến phố; Cấm để xe trên vỉa hè ở 56 tuyến phố; Cấm hàng rong ở 48 di tích... Tuy nhiên, thực tế khảo sát ngày 22/2 tại nhiều tuyến phố, những lệnh cấm này gần như không có hiệu lực.
Lập điểm trông xe  ngay cạnh... biển cấm
 
Sáng 22/2, tại các tuyến phố cấm như Khương Trung, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học, Xuân Thuỷ... đủ loại xe máy, xe đạp, ô tô vẫn đỗ ngổn ngang từ vỉa hè xuống lòng đường. Nếu như những cửa hàng kinh doanh nhỏ chỉ có vài ba chiếc xe máy của khách đỗ ở vỉa hè trước cửa thì nhiều cửa hàng lớn như hiệu sách Tiền Phong trên phố Tây Sơn, phần vỉa hè trước mặt đã thành bãi trông giữ xe.
 
Tại nhiều tuyến phố cấm khác, không chỉ có các loại phương tiện giao thông chiếm dụng vỉa hè, lòng đường mà còn vô số các quán nước vỉa hè, quán ăn, cửa hàng quần áo... đều tranh thủ “trưng dụng” thêm phần diện tích “chùa” ngoài vỉa hè. Thậm chí, tại toà nhà Hanoi Towers trên phố Hai Bà Trưng, một loạt biển cấm đỗ xe của Thanh tra Sở GTVT dựng ngay trên vỉa hè cũng bị “vô hiệu hoá”. Thậm chí, người ta còn lập điểm trông giữ xe máy ngay cạnh biển cấm đỗ xe. 
 

Bất chấp biển cấm, ảnh chụp sáng 22/2 trước toà nhà Hanoi Towers.  (Ảnh: T.G)

 
Trước đó, nhằm củng cố lệnh cấm này, Ban chỉ đạo 197 TP Hà Nội khẳng định, các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quản lý vỉa hè, lòng đường sẽ phải chịu mức phạt từ 100.000 đ đến 1.000.000 đ. Theo lệnh này, kể từ sau ngày 1/7/2008, các hành vi đỗ xe, chiếm dụng hè phố, lòng đường làm nơi trông giữ, rửa xe hoặc để sản xuất, gia công hàng hoá, kinh doanh, buôn bán vật liệu xây dựng, sửa chữa ô tô... bị phạt tối đa 1 triệu đồng. Nhưng những giải pháp này cũng không ngăn được tình trạng vi phạm diễn ra tràn lan ở khắp các đường phố.
 
Chỉ có tác dụng theo đợt
 
Trong số các lệnh cấm nhằm chỉnh trang lại trật tự và mỹ quan đô thị, lệnh cấm bán hàng rong có vẻ như được thực thi nghiêm túc hơn. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là bề nổi ở một số ít tuyến phố nội đô như: Hùng Vương, Lê Hồng Phong, Tràng Thi, Lương Văn Can... Ngược lại, các tuyến phố càng xa trung tâm thành phố, càng “nhờn” lệnh cấm. Đặc biệt, tại di tích thường xuyên có du khách từ các địa phương và du khách nước ngoài đến tham quan như Văn Miếu -  Quốc Tử Giám, hàng rong vẫn tung hoành bất chấp công an phường và lực lượng trật tự thường xuyên gác chốt.
 
Phải nói rằng, chủ trương này là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của TP. Hà Nội, tuy nhiên, sau gần một năm kể từ ngày ban hành, các lệnh cấm hầu như không có tác dụng trên nhiều tuyến phố, khu vực. Thực tế cho thấy, lệnh cấm chỉ được thực thi nghiêm túc trong những ngày đầu ra quân. 
 
Giảm bớt điểm trông giữ xe trong nội thành
 
Sáng 22/2, tin từ Văn phòng UBND TP Hà Nội, lãnh đạo TP vừa giao UBND quận Hoàn Kiếm có trách nhiệm rà soát toàn bộ các điểm trông xe theo hình thức “khoán quản”, các điểm được phép đỗ, dừng xe trên địa bàn quận nhằm điều chỉnh lại quy mô, vị trí cho phù hợp. Riêng một số tuyến đường thường xảy ra ùn tắc giao thông như: Tràng Thi, Hai Bà Trưng, Hàng Trống, Nhà Thờ và khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm...
 
TP yêu cầu rà soát, giảm bớt số điểm và thu hẹp bớt diện tích hè phố trông giữ xe máy, xe đạp để tạo thông thoáng cho hè phố. Các doanh nghiệp đang tham gia mô hình “khoán quản” cũng nằm trong tầm ngắm phải rà soát, đánh giá lại năng lực. Nếu doanh nghiệp sử dụng diện tích trông giữ xe ngoài phạm vi cho phép, xếp xe không ngay ngắn, không dành lối cho người đi bộ, không xé vé hoặc thu quá giá quy định... sẽ bị xử lý theo quy định. 
 
Nguyên Đào

Theo Giadinh.net