Thông tin thịt lợn nhiễm độc chất Clenbuterol: Đừng ham thịt lợn nạc
Các Website khác - 23/02/2009
 Tối 21/2, chương trình thời sự Đài THVN đưa tin về tình trạng 46 người ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc bị ngộ độc do ăn lòng lợn nhiễm hormone tăng trưởng Clenbuterol vào ngày 19/2.
Thông tin này lại khiến người tiêu dùng Việt Nam hoang mang vì thực tế, thịt lợn nhiễm Clenbuterol đã từng được phát hiện ở nước ta cách đây vài năm.

Từng xuất hiện ở phía Nam

Năm 2005, sau khi phát hiện 4/5 mẫu thức ăn tại một trường mầm non ở tỉnh Bình Thuận có chứa dược chất Dexamethasone (Dexa), Chi cục Thú y TP HCM đã mở rộng kiểm tra và phát hiện  một số mẫu thịt lợn bày bán trên thị trường có chất Clenbuterol- độc chất giúp tăng trọng gia súc, nhưng rất nguy hiểm đối với sức khoẻ con người. Tiếp đó, một đợt khảo sát tại 6 quận, huyện trên địa bàn TP HCM do Chi cục Thú y thành phố này  thực hiện, trong 500 mẫu thịt lợn được bày bán tại các chợ và thịt ở các lò mổ vừa giết xong có đến 30% mẫu dương tính với  Clenbuterol.

Sang năm 2006, trong một cuộc hội thảo về hormone tăng trưởng do Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam và Hiệp hội thức ăn chăn nuôi tổ chức, Cục Chăn nuôi  (Bộ NN&PTNT) đã  công bố kết quả kiểm tra (từ 20/6 - 3/11/2006), cơ quan chức năng đã phát hiện 47/428 mẫu dương tính với Clenbuterol (chiếm gần 11%).

Theo đại diện của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện cơ quan này đang thực hiện các hoạt động kiểm tra trên diện rộng về tồn dư chất Clenbuterol trong thức ăn chăn nuôi. 

Rất nguy hiểm với sức khoẻ con người

Theo tài liệu của Cục Chăn nuôi, Clenbuterol được Bộ NN&PTNT xếp trong danh mục 18 loại chất cấm nghiêm ngặt, không được sử dụng trong chăn nuôi từ năm 2002. Trên thế giới, hormone siêu tăng trưởng này cũng bị cấm sử dụng trong chăn nuôi.

BS Huỳnh Hữu Thọ, Chi cục Thú y TP HCM cho rằng: Nếu  trước đây, nuôi một con lợn 5 tháng mới được 1 tạ thì khi sử dụng hormone tăng trưởng Clenbuterol (dạng bột trộn vào thức ăn), chỉ cần chưa đầy 3 tháng lợn đã có thể xuất chuồng. Chất Clenbuterol thường được sử dụng trước khi lợn xuất chuồng khoảng vài tuần. Tuy nhiên, hậu quả của thịt lợn có ăn Clenbuterol đối với sức khoẻ con người là rất nguy hiểm.
 

Nên mua thịt ở cửa hàng quen. (Ảnh chỉ có tính minh họa)


Th.s Phạm Thị Kim Phượng, Giám đốc Trung tâm  dịch vụ phân tích thí nghiệm (Số 2 Nguyễn Văn Thủ, TP HCM) cho biết: Trong một mẫu thức ăn dạng bột được người nông dân trộn với thức ăn chăn nuôi mà trung tâm này xét nghiệm vào năm 2005 cho thấy có đến 141,2mg/kg chất Clenbuterol. Theo Th.s Phượng, Clenbuterol là chất rất dễ tồn dư trong thịt và thường tạo thành triệu chứng trúng độc cấp tính và mãn tính. Nếu dùng số lượng lớn, nhịp tim sẽ đập mạnh và hệ thần kinh bị hưng phấn. Sau một thời gian dài  ăn phải thịt lợn nhiễm độc Clenbuterol, người tiêu dùng sẽ có thể bị rối loạn nhịp tim, tổn thương tế bào cơ tim, run cơ và  đặc biệt nguy hiểm với người bị cao huyết áp vì Clenbuterol có thể gây choáng váng và tăng huyết áp.

Không nên ham thịt quá nạc

Cũng theo Ths Phạm Thị Kim Phượng, Clenbuterol là loại chất kích thích tuyến thượng thận, điều tiết sinh trưởng động vật, thúc đẩy quá trình phát triển cơ bắp và tác dụng phân giải lipid. Những con lợn được trộn thức ăn có chứa Clenbuterol sẽ có tỷ lệ thịt nạc nhiều hơn thịt mỡ. BS Huỳnh Hữu Thọ cũng cho rằng, sau khi sử dụng Clenbuterol, thịt lợn tăng trọng rất nhanh, xương vai và xương đùi rút nhỏ lại, bắp thịt tứ chi nổi lên và trở thành lợn siêu nạc, rất ít mỡ, thịt đỏ au.

Vì vậy, khi nhìn thấy miếng thịt có sắc đỏ khác thường, lớp nạc dính xuống da, bắp vai, bắp đùi có lượng thịt phát triển bất thường, có nhiều cục nạc u lên thì người tiêu dùng nên cẩn trọng. Không nên quá ham thịt siêu nạc mà mua lầm thịt nhiễm độc.
 
Cách chọn thịt lợn ngon

Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, thịt lợn tươi, ngon có tiêu chuẩn: màng ngoài khô, không bị nhớt, mùi và màu sắc bình thường, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra. Các thớ thịt đều. Nếu thịt sử dụng nhiều chất kích thích tăng trọng thường tích nhiều nước, thịt có độ săn chắc kém. Nếu thịt ướp hàn the hoặc urê khi sờ vào sẽ có cảm giác cứng hơn và không còn độ dẻo dính của thịt tươi.
 
Theo Giadinh.net