Bộ trưởng Giáo dục tiếp tục nhận lỗi và hứa tiếp thu
Các Website khác - 24/11/2005
Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển.

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã rút đề án tăng học phí nhưng buổi chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển chiều nay vẫn rất căng thẳng. Những truy vấn gay gắt về chất lượng giáo dục, biên chế giáo viên, lãng phí thiết bị... đã khiến Bộ trưởng Hiển lúng túng.

Tại kỳ họp lần thứ 8, Bộ trưởng GD&ĐT nhận được 19 chất vấn liên quan đến đề án điều chỉnh học phí; ngân sách giáo dục; chương trình sách giáo khoa, thiết bị dạy học, chất lượng giáo dục; đề án đào tạo cán bộ ở nước ngoài.

Rút đề án học phí là vội vàng

Khác với những lần trước, trong 20 phút được phép đọc văn bản, Bộ trưởng Hiển đã dành tới 2/3 thời gian nói vo về riêng vấn đề học phí. Ông tỏ ra khá buồn lòng trước các thông tin phản ứng gay gắt từ nhiều phía xung quanh đề án điều chỉnh học phí của Bộ Giáo dục. " Tôi cũng là một thày giáo, tôi hiểu tâm tư, nguyện vọng và cuộc sống của các em sinh viên. Chưa bao giờ trong đầu tôi có ý nghĩ tăng học phí ĐH gấp tới 5 lần hiện nay. Mà giả dụ như tôi có ý nghĩ như vậy thì Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cũng không bao giờ cho phép", Bộ trưởng phân trần. Ông cho biết, mức học phí dự kiến nằm ở khung rộng 50.000-900.000 đồng/tháng ở đại học.

Đề cập đến mức học phí 900.000 đồng vừa gây sốc trong dư luận ông Hiển giải trình, hiện nay đã xuất hiện những mô hình đào tạo theo giáo trình quốc tế, có mời giáo viên quốc tế giảng dạy do đó mức học phí trần 900.000 đồng là để dành cho những mô hình này chứ không phải là đại trà cho tất cả các trường.

Phần thanh minh quá dài của ông Hiển khiến Chủ tịch Nguyễn Văn An phải lên tiếng: "Tôi xin nhắc Bộ trưởng Giáo dục chỉ còn 6 phút nữa".

Dường như để gác lại các vấn đề gây tranh cãi về học phí ông Hiển chốt: "Báo cáo với QH chúng tôi đã đề nghị Chính phủ giữ nguyên mức thu học phí như hiện nay". Sự rút lui của ông Hiển buộc Chủ tịch Nguyễn Văn An lên tiếng nhận định "đó là sự vội vàng". Chủ tịch cho rằng, "Bộ phải nghiên cứu tiếp, có lộ trình phù hợp. Bởi trong những ý kiến góp ý, có những ý kiến không hẳn là xác đáng".

Quy định bất hợp lý, 6 năm chưa sửa

Ngay sau khi ông Hiển kết thúc phần diễn giải, Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vy lập tức chất vấn: " Chế độ làm việc 40 giờ/tuần đối với giáo viên, tại sao chưa áp dụng?" Ông Hiển nhận lỗi nhưng đồng thời cũng đề nghị Bộ Nội vụ nên chia sẻ trách nhiệm này với bộ mình.

"Tôi chưa thấy thỏa mãn với câu trả lời với bộ trưởng. Bộ trưởng nói phụ thuộc nhiều ngành nhưng tôi thấy ngành giáo dục đã có quy định rõ về vấn đề này", đại biểu Vy đứng lên truy vấn. Nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn Chủ tịch Nguyễn Văn An cũng chất vấn: "Bộ trưởng nói đã làm việc với Bộ nội vụ từ năm 1999. 6 năm hai bên chưa trình được Chính phủ là sớm hay muộn?".

Bộ trưởng Hiển lúng túng: "Báo cáo Chủ tịch, 6 năm không phải là hoàn toàn không làm gì, nhưng giải quyết tổng thể thì đúng là từ năm 1999 chưa giải quyết được".

Đại biểu Vũ Thị Huệ đề cập đến quy định miễn học phí cho sinh viên sư phạm và cam kết tạo việc làm cho sinh viên. Trong 7 năm, nhưng vẫn chưa thực hiện. Ông Hiển trả lời cho rằng, vùng sâu, vùng xa vẫn thiếu giáo viên nhưng vì nhiều lẽ sinh viên không chịu về "Vấn đề lớn hiện nay là không có biên chế chứ không có nguồn tiền. Giải pháp hiện tới là phát triển trường ngoài công lập".

Chưa hài lòng, đại biểu Huệ tiếp tục chất vấn: "Tôi hỏi bộ trưởng là khi sinh viên nhập học, trường đã cam kết sắp xếp việc làm, nếu không thực hiện được thì có nên xem xét bỏ cam kết?".

"Bộ trưởng nói rõ là bộ trưởng có cam kết không", Chủ tịch Nguyễn Văn An tiếp lời.

"Bộ trưởng không cam kết việc đó mà khi sinh viên vào trường sư phạm có cam kết. Vấn đề hiện nay là các tỉnh chưa có biên chế. Chúng tôi xin tiếp thu và tham mưu cho Chính phủ để giải quyết tình trạng nơi thừa nơi thiếu giáo viên", ông Hiển vòng vo.

"Bộ trưởng nên có hướng dẫn cho các tỉnh. Học sinh cam kết với nhà trường, nhà trường không thực hiện, đại biểu chất vấn là phải", Chủ tịch Nguyễn Văn An nghiêm khắc.

Đề cập về vấn đề trang thiết bị không đồng bộ, gây lãng phí lớn, đại biểu Ngô Thị Minh gay gắt: "Bộ trưởng đã nhận thiếu sót nhưng chưa thấy đề cập giải pháp cụ thể. Vậy lộ trình của bộ trưởng như thế nào?"

Ông Hiển nói: "Lãng phí đại biểu nêu là ở các vùng xa khi thiết bị về chưa có phòng ốc để chứa thiết bị. Lãng phí thứ 2 là giáo viên chưa sử dụng tốt. Đây là thiếu sót của ngành. Năm 2006 chúng tôi sẽ bàn với các tỉnh để phân bổ hiệu quả hơn".

"Bộ trưởng nói như vậy, nhưng việc khắc phục tình trạng này không đơn giản. Tôi cần nghe lộ trình cụ thể, nếu giải thích như vậy, không hiểu thiết bị đắp chăn để đấy đến bao giờ. Bộ trưởng nói sẽ khắc phục nhưng tôi chưa tin", đại biểu Minh truy vấn.

Ngập ngừng giây lát, Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển nhẹ nhàng: "Tôi xin tiếp thu ý kiến đại biểu. Đại biểu cho tôi một số địa chỉ lãng phí để ngành kiểm tra".

"Bộ trưởng nên bình tĩnh!"

"Đồng chí có thấy cách chuẩn bị các dự án có quá cập rập hay không? Tôi nhớ hồi cải cách giáo dục, đồng chí nói khâu đột phá là sách giáo khoa. Lúc nãy trả lời đại biểu Lân Dũng, đồng chí lại nói là giáo viên. Vậy, khâu đột phá là gì?", giáo sư Nguyễn Ngọc Trân người có truyền thống chất vấn bộ trưởng Hiển lên tiếng.

Với giọng khúc chiết, ông Nguyễn Ngọc Trân bác bỏ từng luận điểm trong phần giải trình văn bản của ông Hiển xung quanh đề án học phí. "Đồng chí nói là tăng nguồn lực nhưng bản thân nguồn lực đồng chí quản lý trực tiếp và gián tiếp như thế nào, chưa thấy trả lời. Thứ hai là đồng chí nói tăng công bằng, nhưng công bằng thế nào khi tăng học phí có nghĩa là một bộ phận con em chúng ta không có điều kiện theo học?".

Không nêu câu hỏi trực tiếp, giáo sư Trân nhẹ nhàng: "Tôi muốn có lời khuyên với bộ trưởng. Tốt nhất đồng chí nên bình tĩnh, làm chu đáo. Nếu chỉ bằng tình cảm, nhiệt tình để sửa đổi, cải cách mà không có cơ sở cụ thể thì không ổn".

Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển lập tức phản bác: "Các dự án chúng tôi chuẩn bị với trách nhiệm rất là cao, không có chuyện dự án thiếu chu đáo. Giáo dục là vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi đầu tư nhiều công sức, không chỉ một cơ quan làm được, một người càng làm không được".

Lấy dẫn chứng về đề án học phí, ông Hiển tiếp: "Nếu không có góp ý thì chúng tôi làm sao phát hiện ra vấn đề bất cập để trình Chính phủ. Không ai tài gì một lúc nghĩ hết mọi vấn đề, phải tìm tòi lắng nghe ý kiến, đóng góp. Nếu chủ quan nghĩ việc mình làm tốt rồi, theo tôi lại phạm sai lầm lớn hơn".

Trao đổi với VnExpress ngay sau đó, ông Trân tỏ vẻ thất vọng: "Bộ trưởng nói rút đề án, Chủ tịch QH cho rằng việc rút đó là vội vàng nhưng theo tôi, nếu đề án chuẩn bị kỹ càng thấu đáo thì không thể có chuyện vội vàng rút lại đề án như thế". Ông nhìn nhận: " Nếu cứ với cung cách quản lý như thế này thì giáo dục của ta còn gặp nhiều vấn đề bất cập hơn nữa".

Trong 40 phút trả lời chất vấn trực tiếp, Bộ trưởng GD&ĐT trả lời 7 đại biểu.

Trước đó, đầu buổi chiều, Tổng thư ký Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm đọc báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri. Có 975 kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội (QH) trong kỳ họp thứ 8. Cử tri tỏ ý băn khoăn, lo lắng khi nhiều vấn đề đã được kiến nghị tại kỳ họp QH trước nhưng giải quyết chậm, hiệu quả thấp, đặc biệt là nạn tham nhũng, lãng phí, đầu tư dàn trải, buông lỏng trong quản lý đất đai. Cử tri cũng đề nghị Chính phủ có biện pháp bình ổn giá, kiểm soát chặt chẽ việc tăng giá, tăng phí, nhất là trong dịp Tết Bính Tuất.

Việt Anh

Ý kiến của bạn: