Đem khách bỏ chợ
Tháng tám vừa qua, anh Nguyễn Văn Long - nhân viên kinh doanh tại một công ty nước ngoài ở quận 1, TP Hồ Chí Minh - đưa vợ và con đi du lịch nước ngoài. Trước khi đi, anh Long đã tham khảo nhiều chương trình tour ở các công ty du lịch và chọn chương trình Malaysia - Singapore của một công ty du lịch khá lớn đang được quảng cáo rầm rộ. Sang đến Malaysia, đoàn của anh Long gồm 14 người được một hướng dẫn viên bản xứ đi kèm. Buổi sáng ngày đầu tiên, sau khi tham quan một vòng các danh lam thắng cảnh ở thủ đô Kuala Lumpur, cả đoàn thấm mệt, chưa kịp ăn uống gì đã bị hướng dẫn viên đưa đến một cửa hàng lưu niệm ở trung tâm thành phố. Sang ngày thứ hai, “kịch bản” mua sắm lặp lại thay vì trực chỉ đường lên cao nguyên Genting, lái xe của đoàn lại ngoặt sang một hướng khác để đến... cửa hàng bánh kẹo. Vợ anh Long và một số người lớn tuổi say xe không muốn xuống xe cũng bị hướng dẫn viên này viện đủ mọi lý do để ép xuống bằng được. Đến ngày thứ ba, từ Genting xuống Malacca, cả đoàn anh Long lại bị hướng dẫn viên cò cưa đưa đến một điểm mua sắm khác. Lần này, theo lời anh hướng dẫn thì đây là một điểm bán quần áo đẹp và rẻ nhất nhì trong khu vực, song khi cả đoàn bước vào mới té ngửa vì chỉ là một xưởng sản xuất các loại quần áo may bằng loại vải truyền thống của người Malaysia, giá được “hét” cao gấp hai lần so với hàng cùng loại trong siêu thị. Khi đến Malacca, cả đoàn tiếp tục bị đưa đi “hành xác” ở hai điểm mua sắm khác trước khi qua Singapore. Tính trong bảy ngày đi du lịch, anh Long và đoàn đã phải đến 11 điểm mua sắm!
Chị Hồng Trang mới đây mua tour đi du lịch Trung Quốc về kể lại còn khủng khiếp hơn. Hôm đó là ngày thứ tư trong chương trình tour tám ngày cả đoàn chị Trang từ Tô Châu về Bắc Kinh. Khi xe ghé vào một cửa hàng bán vòng cẩm thạch, nhiều khách do di chuyển nhiều quá mệt nên không xuống xe đã khiến hướng dẫn viên bản xứ nổi nóng, bỏ đoàn nhảy taxi chạy mất. Hướng dẫn viên phía Việt Nam lại mới đi lần đầu nên cả đoàn phải dừng lại ở một quán ăn bên đường gần 4 tiếng đồng hồ, sau đó phía đối tác mới điều hướng dẫn viên khác đến “ứng cứu”. Kể lại chuyện này, chị Trang vẫn còn ấm ức: “Cả đoàn chúng tôi phần lớn là đàn ông con trai nên họ đâu có thích mua sắm, trong khi ngay từ ngày đầu tiên đặt chân đến Trung Quốc, hướng dẫn viên đã dồn khách vào các cửa hàng, từ đó số người phản đối mua sắm cứ tăng dần và điều này đã làm anh hướng dẫn viên kia “trả thù” bằng cách đem khách bỏ chợ”.
Cần công khai chương trình tour
Giải thích việc các công ty du lịch đưa quá nhiều các điểm mua sắm vào chương trình tour, giám đốc một công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh cho biết hầu hết công ty hiện nay đều đưa ra chiến lược cạnh tranh về giá để thu hút khách. Một số đối tác bên Thái-lan chào giá 80 USD/người (chưa kể vé máy bay khứ hồi) cho những tour đi Thái-lan năm ngày, nhiều đối tác Việt Nam đề nghị giảm giá còn 70 USD/người mà họ vẫn chấp nhận. Để bù vào khoản chênh lệch này, các đối tác Thái-lan đã tìm cách “chặt” hầu bao du khách bằng cách đưa nhiều điểm mua sắm vào chương trình tour. “Khách cứ đến điểm mua sắm là phía các công ty du lịch có tiền, còn khách mua nhiều hay ít là phần hoa hồng cho hướng dẫn viên” - giám đốc công ty du lịch này nói.
Các đại diện công ty du lịch đều thừa nhận việc đua nhau cạnh tranh nhau về giá sẽ dẫn đến chất lượng dịch vụ giảm, song đến nay có rất ít công ty công khai khẳng định trong chương trình tour của họ sẽ không có mua sắm. Một số công ty lớn như Bến Thành Tourist, Saigontourist, Fiditourist... làm hai loại giá khác nhau cho cùng một điểm đến, gồm loại giá tour có mua sắm và tour không có mua sắm, trong đó chênh lệch giữa hai loại giá khoảng 50-70 USD/người. Bà Tạ Thị Cẩm Vinh - trưởng phòng du lịch nước ngoài của Bến Thành Tourist - cho biết không ít khách du lịch Việt Nam khi đi chọn tour nước ngoài chỉ chú ý đến giá mà không tham khảo chất lượng dịch vụ. “Hiện chúng tôi chỉ thông báo khi gặp trực tiếp khách hàng đến chọn tour. Khách chọn chương trình tour nào, chúng tôi sẽ cho khách biết cụ thể chi tiết từng dịch vụ mà họ sẽ được hưởng, đồng thời cam kết thực hiện đúng như vậy” - bà Vinh cho biết.
Bà Vinh ủng hộ việc các công ty du lịch công khai chương trình tour bởi khách hàng hiện rất cần được biết trước chương trình đi, tránh xảy ra những chuyến du lịch “hành xác” mà khách vẫn thường gặp khi đi du lịch nước ngoài.
|