Bà Rịa - Vũng Tàu: Những di tích có nguy cơ biến mất
Các Website khác - 29/09/2005
Biển Vũng Tàu.
Đầu năm 2006,  sẽ có một lễ hội Festival biển lớn nhất từ trước đến nay ở thành phố Vũng Tàu. Du lịch là thế mạnh của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và đóng vai trò rất quan trọng trong lễ hội. Nhưng thật bất ngờ, sau khi kiểm tra, người ta mới phát hiện một số di tích đã gần như bị mất tích.
Các trận địa pháo cổ trên hai ngọn núi Nhỏ và núi Lớn thuộc thành Phước Thắng, Thuyền Úc (thời Pháp gọi Cap Saint Jacques, tức Vũng Tàu ngày nay) rất nổi tiếng, chẳng những người Việt Nam mà cả người phương Tây cũng biết đến và rất quan tâm.

Thành Phước Thắng được thành lập từ cuối đời Gia Long (1802 - 1819) để bảo vệ đường thuỷ từ kinh thành Huế vào Gia Định, có pháo đài với nhiều khẩu đại bác do ba đội binh lính canh giữ ở ba trận địa. Lịch sử còn ghi ngày 10-2-1859, thực dân Pháp dùng đại bác từ tàu chiến bắn vào pháo đài và tổ chức nhiều đợt tấn công vào thành Phước Thắng hòng chiếm Thuyền Úc (Vũng Tàu).

Quân ta do thống chế Trần Đồng chỉ huy, đã chống trả rất anh dũng. Dù có hỏa lực mạnh nhưng một ngày sau quân Pháp mới chiếm được thành Phước Thắng. Thành Phước Thắng có ba trận địa pháo cổ, trong đó trận địa pháo cổ Cầu Đá nằm ở vị trí trung tâm, đóng vài trò chỉ huy, quan trọng nhất, nhưng nay đã gần như bị xóa sổ.

Trận địa có bốn khẩu pháo cách nhau 18 mét, bố trí theo hình cánh cung, nòng hướng ra biển Bãi Trước (mặt tiền thành phố Vũng Tàu) và đều được đặt trên mâm pháo quay tròn 360 độ, có thể nâng cao, hạ thấp tầm bắn nhờ hệ thống chuyển động bằng bánh răng cưa.

Các bệ pháo rộng 6 m, nòng pháo dài 5,5 m, sử dụng đạn cỡ 240 mm. Trận địa pháo trên cùng với hai trận địa khác ở hai trận địa núi Lớn và mũi Nghinh Phong (núi Nhỏ) được coi là bộ sưu tập trận địa pháo cổ lớn nhất Đông Dương, có giá trị trong đời sống kinh tế, xã hội và phát triển du lịch.

10 năm trước, các trận địa pháo cổ trên đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận xếp hạng di tích Quốc gia, nhưng giờ đây cả bốn khẩu pháo đều bị nhà cửa xây đè lên trên hoặc nằm mắc kẹt giữa các công trình dân dụng. Khẩu thứ nhất bị kẹt giữa hai ngôi nhà mới xây, phần mâm và hệ thống bánh răng cưa thành móng đỡ công trình phụ trợ.

Khẩu thứ hai nằm trong nhà kho của chùa Sơn Bửu, một phần bị bê tông cốt thép phủ kin. Khẩu thứ ba bị tòa nhà bốn tầng “ngồi” lên trên và khẩu còn lại bị tường xây đè lên, một nửa nằm ngoài, một nửa nằm trong nhà bếp của Tịnh xá Ngọc Bích.

Toàn bộ hệ thống hầm hào và kho chứa đạn của trận địa pháo dài hàng chục mét đã bị xây bít lại, xây dựng các công trình thờ tự, biệt thự, nhà kho, nhà tắm...lên trên. Giờ đây, khách muốn tham quan phải chui luồn và cũng chỉ được xem từng bộ phận, khó có thể được xem toàn bộ trận địa pháo này.

Di tích thứ hai ở thành phố Vũng Tàu bị xâm hại là một di tích đặc biệt: ngôi nhà số 86, đường Phan Chu Trinh của viên Quan Tư người Pháp - Fierre Chaffre, nguyên Giám đốc đèn Hải Đăng trên núi Nhỏ. Là người có cảm tình với cách mạng Việt Nam từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nên sau khi được giải ngũ, ông đã không trở về Pháp mà ở lại, tình nguyện giúp đỡ cách mạng Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông từng giúp chiến sĩ biệt động của thị đội Vũng Tàu bám trụ, theo dõi, giết chết tên ác ôn Hương quản làng Thắng Tam và giúp lực lượng vũ trang Thị đội đánh sập đèn Hải Đăng (nơi được coi là dẫn tàu chiến Pháp vào Nam bộ) và nuôi dấu cán bộ, giúp nhiều lương thực, thực phẩm cho cách mạng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhà của ông tiếp tục trở thành cơ sở nuôi dấu cán bộ cách mạng và từng là văn phòng Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh. Khi ông chết (năm 1959), con ông đã bán ngôi nhà này.

Năm 1980, Ủy ban nhân dân Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo đã mua lại ngôi nhà và khuôn viên 4.000 m2 này và năm 1992, di tích đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Tuy nhiên, di tích đã chuyển qua nhiều chủ quản lý và bị Công ty Hưng Thịnh (thuộc Ban Tài chính Tỉnh ủy) thế chấp tại ngân hàng để vay tiền. Khi Công ty Hưng Thịnh giải thể, Ngân hàng đã xiết nợ ngôi nhà này, cho thuê làm kho chứa hàng và nếu không sớm giải quyết bằng cách nào đó, di tích sẽ bị phát mãi.

Cũng như Đà Lạt, Vũng Tàu có những dinh thự cổ xây dựng cách đây hơn 100 năm, từ thời thuộc Pháp, trong đó 22 dinh thự dành cho sĩ quan (còn gọi là P.O). Đây là những ngôi nhà mang dấu tích lịch sử về kiến trúc Pháp, minh chứng cho một đô thị cổ xưa đẹp, thoáng mát, trang nghiêm và thanh tịnh. Song, trong xu hướng đô thị hóa hiện nay, các dinh thự này đang có nguy cơ bị xóa sổ.

Thực tế, mấy năm trước đây đã có hai dinh thự tại khu du lịch Lam Sơn (bãi Trước - Vũng Tàu) bị đập phá để xây dựng cao ốc Petro Towers, 11 tầng.

Mới đây, một dinh thự nữa ở ngay trên đường trung tâm thành phố - đường Trần Hưng Đạo - cũng suýt nữa bị đập phá xây lại. Số P.O còn lại đang bị xuống cấp, bị các công trình xây dựng mới lấn át và có thể bị biến mất bất cứ lúc nào.

Thật đau xót khi nhìn những di tích trên đang bị biến mất dần. Về lịch sử, đã có người viết: “ Nếu ta dùng súng lục bắn vào lịch sử thì lịch sử sẽ bắn trả ta bằng đại bác” hoặc “Tôi mở cánh cửa sau của lịch sử cho con đường phía trước sáng tươi hơn”.

Ở đây, những di tích lịch sử đang bị mai một dần, không biết lịch sử sẽ bắn lại ta bằng gì, chỉ biết rằng thế hệ trẻ mai sau sẽ khó có thể tìm thấy, chứng kiến những di tích đó và học được gì ở cha ông ta. Đó là chưa kể đến giá trị du lịch cấp thời trong Festival biển 2006 tới đây. Cả Hội Khoa học Lịch sử và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang cất lời kêu cứu khẩn cấp.

Theo Theo TTXVN - SGGP