Chúng tôi rất nhất trí phương hướng, chủ trương về đổi mới và chỉnh đốn Ðảng trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng.
Ðiều băn khoăn là, tại sao phần lớn các tổ chức đảng được công nhận danh hiệu trong sạch, vững mạnh, nhưng nhìn chung công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra và tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống... vẫn còn diễn ra nghiêm trọng?
Trong những vụ vi phạm kỷ luật, pháp luật, nhiều trường hợp nghiêm trọng, thủ phạm là cán bộ có chức quyền và phần lớn là đảng viên. Ðiều đó làm giảm sút lòng tin trong nhân dân, gây nhiều cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng... Ðảng viên đã suy thoái về đạo đức, lối sống, thì sẽ không thể làm gương cho mọi người, càng không dám tự phê bình và phê bình. Phải nhìn thẳng vào sự thật là, sinh hoạt Ðảng nhiều nơi chưa hiệu quả, thiếu sức chiến đấu, không ít đảng viên còn ngại va chạm, bỏ qua những khuyết điểm của người khác. Trong công tác lựa chọn cán bộ, Ðảng ta luôn coi trọng cả đức và tài, nhưng đức vẫn là gốc, có tài mà thiếu đạo đức, thì nhiều khi gây hại lớn. Nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật về đạo đức, lối sống không phải là họ thiếu hiểu biết, thậm chí có người còn dùng hiểu biết để vi phạm một cách khôn khéo, tinh vi; để che đậy và bào chữa cho sai phạm của mình.
Ðể thật sự thấm nhuần tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và những biểu hiện tiêu cực trong Ðảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiền phong, gương mẫu, chúng tôi xin kiến nghị mấy việc sau:
Phải chọn được, chọn đúng những người có đạo đức trong sáng, hiển nhiên là phải đủ cả năng lực, giao đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo và quản lý chủ chốt ở các cấp, các ngành. Người cán bộ chủ chốt nêu gương tốt về đạo đức, lối sống có tác dụng rất lớn trong việc giáo dục, quản lý đội ngũ đảng viên và những người dưới quyền, có tác dụng xây dựng, chỉnh đốn Ðảng tốt nhất, để giữ gìn kỷ luật nghiêm minh, đấu tranh ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực.
Trong công tác phát triển Ðảng, cần chú ý xem xét kỹ động cơ người xin vào Ðảng, tránh kết nạp những người cơ hội, muốn gia nhập Ðảng để cầu danh lợi, những người đó sau này, nếu đảm nhiệm những chức trách quan trọng, sẽ gây tổn hại cho Ðảng.
Ngoài những lớp luấn luyện, đào tạo dài hạn, cần định kỳ hằng năm hay hai năm một lần, nhất thiết mỗi cán bộ, đảng viên phải tham dự một đợt sinh hoạt chính trị ngắn ngày. Cuối đợt phải có kiểm điểm cá nhân, tự phê bình và phê bình về đạo đức, lối sống, kết hợp việc lấy ý kiến của cán bộ, nhân viên trong cơ quan, đơn vị, của nhân dân nơi cư trú, bằng những hình thức thích hợp và hết sức tránh cách làm hình thức.
Nên đặt số điện thoại "nóng" ở các cơ quan lãnh đạo, để mọi người có thể phản ánh, trước hết là những vấn đề có liên quan đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên. Cử người có tín nhiệm phụ trách theo dõi nắm thông tin để báo cáo lãnh đạo cơ quan, bảo đảm giữ bí mật cho người cung cấp thông tin, coi đây là hình thức thu thập rộng rãi ý kiến nhân dân, thể hiện sự tôn trọng vai trò giám sát của quần chúng.
Không ít người thường định kiến về một số thiếu sót trong các kỳ chỉnh huấn trước đây, việc này cần rút kinh nghiệm để bổ khuyết, chứ không nên bỏ cách làm này. Nó có tác dụng trong việc tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, tư cách lối sống, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực, giúp cho việc quản lý cán bộ, đảng viên được tốt hơn.
Cần có quy chế để hằng tuần, hằng tháng, cán bộ phải dành thời gian thâm nhập cơ sở, gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, tâm tư của đảng viên, người dân bình thường. Từ đó, cải tiến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cũng như hiểu rõ hơn về phẩm chất, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong các dịp chuẩn bị đại hội, chuẩn bị bầu cử..., ta thường lấy ý kiến qua phiếu thăm dò, qua các hội nghị, nhưng cũng chỉ thu thập được ý kiến của một số đại diện được chọn cử, có khi những ý kiến đó chưa phản ánh đầy đủ, hoặc chưa phản ánh đúng thực chất. Vì vậy, cần tìm cách làm mới sao cho hiệu quả hơn.
Cần kiện toàn các cơ quan tham mưu giúp cấp ủy các cấp trong công tác xây dựng Ðảng. Cán bộ làm công tác này phải công tâm, có phương pháp tốt, khắc phục bệnh quan liêu, giấy tờ, hình thức, bệnh thành tích, tình trạng hữu khuynh, kiên quyết không để những người kém đạo đức giữ các vị trí chủ chốt ở các cấp, các ngành.
VŨ PHÁI (56, Cầu Ðất, TP Hải Phòng)
Ðổi mới nội dung và phương thức quản lý văn hóa
Ðối với lĩnh vực văn hóa, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội Ðảng lần thứ X đã đề ra tư tưởng chỉ đạo hết sức quan trọng là: "Ðổi mới nội dung và phương thức quản lý của Nhà nước về văn hóa. Xây dựng cơ chế, chính sách, chế tài ổn định, phù hợp, đáp ứng nhu cầu mới của sự phát triển văn hóa thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế". Tư tưởng này tạo cơ sở giúp chúng ta giải quyết được ít nhất ba điểm mấu chốt và cơ bản sau:
Một là, tránh được sự lạc hậu và tụt hậu cho cơ quan quản lý đối với hoạt động văn hóa, vốn là một bộ phận trọng yếu trong lĩnh vực đời sống tinh thần rất nhạy cảm, năng động và không ngừng phát triển.
Hai là, giữ gìn và phát huy được mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong xu thế hội nhập quốc tế.
Ba là, thúc đẩy các hoạt động văn hóa phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Về nội dung thứ nhất, chúng ta biết rằng, phương thức quan trọng quản lý các hoạt động văn hóa là hệ thống văn bản luật và hệ thống cơ chế, chính sách. Các hoạt động văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng và biến đổi theo nhu cầu đời sống văn hóa xã hội, do đó thường hình thành xu hướng "vượt" khỏi tầm quản lý của các cơ quan chức năng. Nắm bắt được đặc điểm này, trong những năm qua, chúng ta tăng cường bám sát thực tiễn, hướng mọi hoạt động về cơ sở, đổi mới và từng bước hoàn thiện phương thức quản lý văn hóa. Chính phủ đã phê duyệt các đề án có tính chiến lược, như Ðề án chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010; Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin cơ sở và Quy hoạch phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa, thông tin đến năm 2010. Ðó là những bước đi đón đầu của công tác quản lý hoạt động văn hóa và đời sống văn hóa xã hội của đất nước.
Về nội dung thứ hai, trong thời kỳ chủ động hội nhập kinh tế thế giới, mở rộng giao lưu văn hóa hiện nay, phải xây dựng được nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Song, xây dựng như thế nào và bằng cách nào, thì lại là vấn đề đáng bàn bạc. Bởi vì, bên cạnh mặt thuận lợi là cơ bản, chúng ta còn phải đối mặt với những khó khăn gay gắt đến từ bên ngoài và một phần từ bên trong. Bên ngoài là những tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường như khuynh hướng "thương mại hóa", chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng thực dụng. Không ít xuất bản phẩm kém chất lượng, in nối bản lậu; một vài tờ báo đăng tải tin, bài tiêu cực nhiều hơn tích cực; tình trạng băng, đĩa lậu bày bán tràn lan; một số ca sĩ, diễn viên "chạy sô" trên sân khấu; các vụ việc về "đạo chích" trong sáng tác văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh. Thêm nữa, quá trình hội nhập và toàn cầu hóa đe dọa sự tồn vong đối với văn hóa bản địa của các nước đang phát triển và kém phát triển... Nguyên nhân bên trong cũng không phải là ít. Nước ta vốn là một nước nông nghiệp, thói quen làm ăn và sinh hoạt của nền sản xuất nhỏ ăn sâu trong con người. Có thể thấy rõ như tác phong làm việc chậm chạp, độ liên kết lỏng lẻo; mặt bằng dân trí chưa cao; tính gia trưởng và đầu óc địa vị, cục bộ còn rơi rớt trong không ít cá nhân, đơn vị, địa phương... Những điều đó ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Theo chúng tôi, để thực hiện mục tiêu này, trước hết phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức và năng lực công tác, "vừa hồng, vừa chuyên", có bản lĩnh vững vàng, có khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật và công nghệ cao, đủ sức gánh vác nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước; đồng thời có chiến lược khơi dậy tiềm năng hoạt động văn hóa trong các tầng lớp nhân dân, tạo ra sức đề kháng cao với các loại văn hóa phản động, đồi trụy, trái với thuần phong, mỹ tục dân tộc.
Về nội dung thứ ba, để thích hợp sự phát triển của thời kỳ mới, đòi hỏi chủ thể quản lý phải đổi mới nội dung và phương thức quản lý cho phù hợp. Ðiều này bước đầu chúng ta đã làm. Cũng cần phải nói tới một đặc điểm nữa là các hoạt động văn hóa thường phát triển từ tự phát lên có tổ chức. Nếu hoạt động tự phát thì sự phát triển sẽ rất mờ nhạt và dễ bị lợi dụng, lạm dụng, nhưng khi được tổ chức thì sẽ đem lại hiệu quả to lớn gấp nhiều lần. Mặt khác, việc tổ chức nếu theo một khuôn mẫu nhất định sẽ làm cho hoạt động văn hóa đó diễn ra đều đều theo từng chu kỳ, đơn điệu và tẻ nhạt. Như thế cần phải đổi mới cách thức tổ chức, cũng chính là tạo thêm sức sống cho hoạt động văn hóa. Cùng với việc hình thành hệ thống văn bản luật mang tính ổn định, cần xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách nhằm xử lý linh hoạt các vấn đề phát sinh mà văn bản luật không thể điều chỉnh một cách chi tiết.
Nhưng, cái mà chúng ta còn bị hạn chế là tư tưởng do dự, ngần ngại đổi mới về nội dung và phương thức quản lý văn hóa, vẫn còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và công chức nhà nước. Vì thế, quan trọng là việc nhận thức rõ và đề cao trách nhiệm, xác định quyết tâm sẵn sàng đổi mới của đội ngũ cán bộ, đảng viên và công chức nhà nước.
LÊ TIẾN DŨNG (Bộ Văn hóa - Thông tin)
Bắt đầu từ hôm nay, báo Nhân Dân mở Diễn đàn "Ý kiến về Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng". Ðể nhiều người được đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng, chúng tôi chỉ có thể đăng mỗi tác giả một ý kiến. Tất cả các ý kiến tham gia, chúng tôi đều sẽ chuyển tới Văn phòng T.Ư Ðảng.
|
|