Bạn đọc Minh Tư (Hà Tây): Lo ngại nhất là sự xuất hiện của nhiều hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm "thời vụ" chỉ hoạt động vào thời điểm giáp Tết. Phần lớn các hộ này thiếu hiểu biết về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), cũng như thiếu các phương tiện cần thiết bảo đảm VSATTP.
Ở những vùng nông thôn, do chưa có cơ chế quản lý nghiêm ngặt, việc kinh doanh các loại thực phẩm tươi sống và các thực phẩm chế biến còn khá tùy tiện. Người kinh doanh dường như được thỏa sức buôn bán bất cứ thứ gì, từ con bò ốm, lợn chết đến các thực phẩm thiếu độ an toàn.
Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lợi dụng nhu cầu tiêu dùng lớn của xã hội trà trộn lẫn với hàng thật, rất khó phát hiện. Tuy nhiều vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, đã được xử lý, nhưng chúng vẫn "trăm phương nghìn kế" tồn tại và có mặt ở khắp nơi. Những mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn làm giả rất nguy hiểm vì chúng ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người dùng.
CTV Nguyễn Cảnh: Hiện nay, trên thị trường có không ít mặt hàng thực phẩm, đề can, tem nhãn, bao bì giả, gây lo ngại với người tiêu dùng. Có vụ sử dụng rượu giả, thực phẩm giả gây ngộ độc. Ðáng quan tâm là tình trạng sử dụng hóa chất tùy tiện để chế biến thực phẩm như cho a-xít clo-hy-đríc vào nước mắm để chống thối. Hàng thực phẩm giả còn được biểu hiện dưới dạng sử dụng đường hóa học, phẩm mầu công nghiệp để sản xuất rượu, nước giải khát, bánh kẹo. Có cơ sở sản xuất còn dùng tạp chất trộn vào hàng hóa, nhằm tăng thêm trọng lượng hàng như sử dụng đường, muối ăn trộn vào mì chính hoặc loại bột ngọt gia công rẻ tiền đóng trong bao bì giả nhãn hiệu có tiếng để lừa người tiêu dùng.
Ðáng lưu ý là, hiện có nhiều loại đề can, tem nhãn, bao bì làm giả vi phạm sở hữu công nghiệp, được đưa từ nước ngoài vào đang lộng hành nhiều nơi trong cả nước, như tem dán trên các loại trái cây, nhãn mác bánh kẹo, quần áo, giày dép, bao bì bột giặt, bột ngọt, đề can xe đạp, xe máy.
Ðể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe của nhân dân, đề nghị cơ quan hữu trách tăng cường giám sát, kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịp giáp Tết này.
Bạn đọc Trần Thiện (Hà Nội): Ðã từ lâu nay, dư luận cho rằng nhiều loại trái cây của nước ngoài nhập vào Việt Nam có hình thức hấp dẫn, ngon mắt và để được rất lâu, không bị hỏng thối là do chúng được ngâm tẩm những loại hóa chất hoặc quá liều lượng hoặc trong danh mục cấm sử dụng. Vì thế, trong thực tế đã có không ít vụ ngộ độc xảy ra đối với người tiêu dùng khi ăn các loại trái cây này. Nhẹ thì bị nôn mửa, đau bụng, nhức đầu, mẩn ngứa; nặng thì bị hôn mê, thậm chí có trường hợp chết người. Chưa kể các trường hợp bị độc chất từ thuốc bảo quản trái cây tích tụ ở phủ tạng người lâu ngày mới phát ra các bệnh khác. Báo chí đã nhiều lần cảnh báo vấn đề này, nhưng xem ra các cơ quan chức năng vẫn chưa làm đến nơi, đến chốn, vì thế tâm lý "ngại" ăn trái cây vẫn đang xảy ra.
Cho đến nay, không ít người dân vẫn chưa biết cơ quan nào có chức năng kiểm tra, xử lý trường hợp sử dụng hóa chất độc bảo quản trái cây, hoặc loại trái cây không bảo đảm an toàn đưa từ nước ngoài vào. Cán bộ ngành bảo vệ thực vật cho rằng họ chỉ quản lý ở góc độ sản xuất và xử lý các vụ vi phạm thuốc BVTV trên rau còn đối với trái cây tiêu thụ trên thị trường, thuộc trách nhiệm Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong thực tế, cục này chưa phát hiện được vụ sai phạm nào liên quan sử dụng hóa chất bảo quản trái cây, nhưng các vụ ngộ độc vẫn xảy ra.
|