Về buôn Ma Dương, thị trấn Ayun Pa (huyện Ayun Pa), chúng tôi đến thăm nhà Kpă Tiêm, dân tộc Gia Rai, một tín hữu Tin lành thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền nam) - người mà chúng tôi đã có dịp gặp tại "Hội nghị biểu dương những điển hình sản xuất giỏi, tham gia công tác xã hội tốt trong đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo" do UBMTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai tổ chức cách đây không lâu.
... Khi xây dựng gia đình, ra ở riêng, tài sản của vợ chồng Kpă Tiêm chỉ có một túp lều dột nát và một cái xoong để nấu ăn. Ðược HTX cấp 900 m2 ruộng, nhưng công cụ sản xuất tối thiểu như cuốc, rựa cũng phải đi mượn bà con, chòm xóm. Những năm mất mùa, ông bà phải làm thêm đủ nghề vậy mà cái đói, cái nghèo nào có chịu buông! Thế rồi, được cán bộ Mặt trận động viên và sau đó Hội Nông dân thị trấn hướng dẫn, tạo điều kiện, ông được vay vốn từ ngân hàng mua thêm đất và công cụ sản xuất, đồng thời mạnh dạn nhận nuôi rẽ hai con bò sinh sản. Từ số vốn ban đầu cộng với bản tính cần cù chịu khó, đến bây giờ, gia đình ông có đàn bò tám con, sáu sào ruộng nước hai vụ, hai sào lúa rẫy... trừ chi phí, thu nhập bình quân hằng năm với số tiền hơn 30 triệu đồng.
Người dân thôn bốn, xã H'Neng (huyện Ðác Ðoa) thường nhắc đến gia đình ông Nguyễn Bốn, không chỉ là một gia đình theo đạo Phật, tính tình hiền lành, hay giúp đỡ người nghèo khó, mà còn coi gia đình ông như một mẫu hình, một tấm gương không cam chịu đói nghèo, biết cách làm giàu bằng ý chí và nghị lực. Ðược vay 2,5 triệu đồng từ ngân hàng phục vụ người nghèo, ông liền sang nhượng một lô đất 1,8 ha gần suối và dành 300 m2 trồng rau xanh. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và chịu khó đi xa để tìm đầu ra cho sản phẩm. Ðến nay, gia đình ông đã có lưng vốn kha khá: 1,8 ha cà-phê, 100 gốc tiêu, cộng với nguồn thu từ kinh tế vườn và chăn nuôi, hằng năm thu nhập hơn 60 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí.
Gia đình ông Trần Văn Hạnh, theo đạo Thiên chúa, là Câu chánh họ đạo Châu Khê và là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã ÐácYa (Ðác Ðoa). Nhờ biết tiếp thụ và áp dụng các tiến bộ KH-KT vào sản xuất, cuộc sống gia đình ông từ nghèo đói quanh năm, nay đã có của ăn của để thu nhập bình quân hằng năm hơn 50 triệu đồng. Bản thân ông và gia đình tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương, Mặt trận và các đoàn thể vận động bà con giáo dân trong họ Ðạo chấp hành các chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Gia đình ông là một trong những gia đình đạt tiêu chuẩn "Gia đình văn hóa"; bản thân ông được bà con tín nhiệm bình chọn là điển hình tiêu biểu trong phong trào "Thi đua lao động sản xuất kinh doanh giỏi và tham gia công tác xã hội tốt trong đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo"...
Còn rất nhiều những người như vậy ở Gia Lai.
Theo như đánh giá của ông Trương Ðình Ba, Trưởng ban phong trào của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thì đó chỉ là những tấm gương tiêu biểu, những điển hình tiên tiến trong số hàng nghìn gia đình đồng bào theo các tôn giáo, chí thú làm ăn cải thiện, nâng cao đời sống gia đình và góp sức mình trong các phong trào chung của toàn xã hội hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Ông Trần Thanh Hùng, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai cho biết: Xuất phát từ quan điểm tín ngưỡng và tôn giáo là nhu cầu chính đáng của đồng bào theo đạo, những năm qua, cùng với việc động viên bà con tích cực lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, các cấp chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đã tạo mọi điều kiện để bà con được tham gia các hoạt động tôn giáo đúng pháp luật.
Từ năm 2002 đến nay, tỉnh Gia Lai đã đầu tư kinh phí trùng tu, sửa chữa và xây dựng hơn 20 công trình gồm nhà thờ, chùa, nhà ở cho các chức sắc và các công trình thờ tự khác, nâng tổng số nơi thờ tự hiện có trong toàn tỉnh lên 123 cơ sở; đã tạo điều kiện cho 87 trường hợp con em giáo dân đi học các trường tôn giáo; chấp thuận và tạo điều kiện cho Viện Thánh kinh thần học và Ban đại diện Tin lành tỉnh mở lớp bồi dưỡng thần học cho 46 học viên thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền nam) và năm trường hợp khác trúng tuyển được đi học tại Viện Thánh kinh thần học ở TP Hồ Chí Minh; xem xét về mặt tư cách pháp nhân để đề nghị tấn phong thọ giới chức sắc tôn giáo và thuyên chuyển cho 20 trường hợp; tổ chức thành công Ðại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam tỉnh lần thứ nhất...
Ngoài ra, Ban Tôn giáo tỉnh còn phối hợp các tôn giáo tổ chức các cuộc lễ, hội nghị cho các họ đạo Cao Ðài; tạo điều kiện và cho phép 29 chi hội Tin lành, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền nam) tổ chức hội đồng, bầu ban Chấp sự và đi vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Mục sư Siu Ykim, Ủy viên Ban trị sự Tổng liên hội, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền nam) khẳng định: “Ở Gia Lai, những người theo đạo tin lành thuộc Hội thánh tin lành Việt Nam (miền nam), luôn nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện của chính quyền các cấp trong việc tổ chức các hoạt động theo quy định của pháp luật. Trong các dịp lễ, hội... chính quyền còn tham gia công tác bảo vệ, bảo đảm an ninh, trật tự để bà con vui đón lễ.
Về phía Ban Trị sự, chúng tôi cũng thường xuyên giáo dục bà con tín hữu luôn nâng cao cảnh giác, không nghe theo những luận điệu tuyên truyền của các phần tử phản động, lợi dụng tôn giáo để kích động xúi giục bà con bỏ đạo Tin lành truyền thống để theo cái gọi là "Tin lành Dega" phản động, đi ngược lại lợi ích của đất nước của dân tộc; đi ngược lại Hiến chương của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền nam) đã nêu là "Sống phúc âm, phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc".
|