Cầu nối bị đứt gãy
Các Website khác - 06/06/2006

SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
Cầu nối bị đứt gãy

PGS-TS Chu Hảo

Những bài học không thể nào quên rút ra từ sự cố cơn bão Chanchu còn phải được tiếp tục phân tích một cách thấu đáo. Bài học trước tiên đương nhiên là về công tác dự báo khí tượng thuỷ văn. Vẫn biết dự báo khí tượng thuỷ văn là một công việc hết sức khó khăn! Tuy nhiên, công bằng mà nói thì Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương (DBKTTVTƯ) đã mắc một số sai sót nghiêm trọng.

Một là, đã tự mình dự báo sai, lại "làm ngơ" trước những cảnh báo đáng tin cậy của tất cả các cơ quan khí tượng trong vùng và trên thế giới. Hai là, vẫn tiếp tục thực hiện những quy định bất cập, chẳng hạn như: Chỉ thông báo diễn biến các cơn bão trước 24 giờ (trong khi các trung tâm dự báo khí tượng mạnh trong vùng và trên thế giới đã có khả năng dự báo khá chính xác trước khoảng một tuần!); chỉ chú trọng thông báo diễn biến các cơn bão cho các vùng đất liền và ven bờ, chưa quan tâm đến các hoạt động (chủ yếu là đánh bắt cá) xa bờ biển Việt Nam hàng nghìn cây số, v.v...

Bài học thứ hai là bài học về sự liên kết lỏng lẻo và sự phối hợp không đồng bộ của cả hệ thống. Trong phiên họp ngày 31.5, Thủ tướng Chính phủ đã nhận định một cách rất chính xác rằng: "Hậu quả nặng nề của cơn bão số 1 là từ lỗi của cả hệ thống". Rõ ràng là ngành dự báo giữ quan niệm lạc hậu là chỉ chú trọng đảm bảo an toàn đất liền và ven biển, chưa quan tâm đến đánh bắt hải sản xa bờ.

Ngành thuỷ sản triển khai chương trình quốc gia về đánh bắt xa bờ, nhưng lại không chú ý tới công tác phòng tránh thiên tai cho ngư dân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chậm trễ trong việc đưa Dự án "Hiện đại hoá thông tin quản lý nghề cá trên biển" vào danh mục các dự án đàm phán kêu gọi ODA. Các địa phương quản lý tàu thuyền một cách hết sức lỏng lẻo và tắc trách, không biết ngư dân đánh bắt xa bờ đang ở đâu và có bao nhiêu tàu thuyền đã ra khơi? Công tác tìm kiếm cứu hộ dù hết sức cố gắng, nhưng kém hiệu quả...

Bài học thứ ba liên quan đến những người làm khoa học và công nghệ. Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với ý kiến cho rằng, cách ra quyết định trong cơn bão Chanchu vừa qua chứng tỏ cái cầu nối giữa thông tin và tri thức đã bị đứt gãy. Cầu nối ấy chính là sự nghiên cứu một cách nghiêm túc, bài bản về khoa học khí quyển. Chẳng những khoa học khí quyển, mà còn nhiều bộ môn khoa học cơ bản khác đã không được chú trọng thích đáng.

Trên thực tế, chỉ những nghiên cứu ứng dụng vụn vặt, nhưng có hiệu quả tính được ra bằng tiền là đang được khuyến khích, còn những nghiên cứu cơ bản thì từ lâu đã dần dần bị bỏ rơi. Về việc này, các nhà khoa học có uy tín ở trong và ngoài nước đã nhiều lần cảnh báo, nhưng cũng ít được lắng nghe... Bài học này chắc còn phải trả giá đắt trong nhiều năm nữa!