Chiến dịch sách giáo khoa sạch
Các Website khác - 24/12/2005

SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
Chiến dịch sách giáo khoa sạch

Lưu Quang

Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) vừa phát động một chiến dịch nghe khá lạ tai: Chiến dịch sách giáo khoa sạch. Cụ thể là trong việc biên soạn 2 bộ SGK lớp 5, lớp 10 dự kiến sẽ phát hành vào giữa năm tới, NXB này - cơ quan xuất bản lớn nhất (và duy nhất được phép làm SGK ở nước ta), hạ quyết tâm không để xảy ra sai sót. Trong cuộc sống nói chung, khi người ta quyết tâm làm tốt một cái gì đó thì là việc đáng hoan nghênh, đáng biểu dương lắm chứ. Tuy nhiên, cái sự "quyết tâm không sai sót" trong làm sách giáo khoa lại có nhiều điều đáng phải bàn, đáng phải suy ngẫm lắm.

Thời nào cũng vậy, từ "tứ thư, ngũ kinh" ngày xưa đến SGK - sách dùng để giảng dạy trong nhà trường ngày nay - bao giờ cũng là "khuôn vàng thước ngọc". "Nói như SGK" - nghĩa là nói đúng tuyệt đối, đúng 100%. SGK đồng nghĩa với hoàn hảo, với chân lý, như viên ngọc không tì vết. Vậy mà trong SGK lại có sai sót, sai sót lại nhiều và đa dạng (từ "lỗi chính trị, nội dung, học thuật cho đến đính chính, biên tập" như thừa nhận của chính NXBGD) thì quả thực là chuyện lạ. Lạ đến không hiểu nổi!

Bởi quy trình làm SGK rất chặt chẽ. Bộ GD&ĐT thì có hẳn một hội đồng tổ chức biên soạn và thẩm định SGK, với sự tham dự của hàng chục vị học vấn đầy mình. Còn kinh phí để làm sách cũng không hề thiếu, mà thậm chí còn dồi dào nữa. Vậy mà cái sự lạ đó lại có thực. Gần đây ai trong chúng ta hẳn cũng hơn một lần phải nghe về những sai sót trong SGK. Môn nào cũng có cái sai (từ văn học, lịch sử, cho tới vật lý, hoá học...), cấp học, lớp học nào cũng sai (từ lớp 5, lớp 9 cho tới giáo trình đại học), sai rồi lại sửa, sửa xong lại sai... Đến mức mà Bộ GD&ĐT phải đưa nội dung cải tiến việc viết SGK vào chương trình hành động của ngành, còn NXBGD thì phải phát động hẳn một chiến dịch làm SGK sạch như đã nói ở trên!

Vì sao SGK lại sai nhiều đến thế? Phải chăng vì người ta quá mải mê chạy theo số lượng? Ngày trước số đầu sách cho mỗi lớp học rất hạn chế, nay thì môn nào cũng dăm bảy quyển, sách cơ bản chưa đủ, còn đua nhau thêm các loại sách nâng cao, chuyên sâu, tham khảo... Ngày trước mỗi quyển SGK dùng cả chục năm, nay sách cứ thay xoành xoạch (có những loại cứ dùng một lần rồi lại bỏ). Và đằng sau số lượng đó là đồng tiền.

Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, một đại biểu cho rằng, chỉ cần 100 tỉ đồng là đủ làm lại hoàn chỉnh toàn bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12, thì NXBGD mỗi năm tiêu tới 1.000 tỉ đồng cho việc in ấn, xuất bản SGK. Thật đáng buồn khi những khía cạnh tiêu cực của nền kinh tế thị trường đã lũng đoạn một lĩnh vực lẽ ra rất cần lương tâm và trách nhiệm là làm SGK.

Nếu chưa có thay đổi trong tư duy, trong cách nhìn nhận và cách làm SGK, nếu vẫn coi SGK là con "bò sữa" ai cũng tha hồ vắt, thì dù có phát động một hay đến mấy chiến dịch, SGK cũng chưa thể nào sạch được!