Chính phủ hứa sẽ làm hết sức mình trong chống tham nhũng
Các Website khác - 26/11/2005
Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Anh Tuấn

Chống tham nhũng, Chính phủ nói quyết tâm là chưa đủ? Lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng có dám tuyên thệ trước khi nhận chức không? Thành tích tăng trưởng GDP 8,4% có phải là thành tích ảo? Đó là những chất vấn trực tiếp dành cho Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên trả lời QH sáng nay.

30 phút đọc văn bản trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dường như chưa làm thỏa mãn nhiều đại biểu QH. Ngay sau khi Phó thủ tướng khép lại phần thuyết trình bằng câu nhã nhặn: "Xin sẵn sàng lắng nghe các ý kiến tiếp của các đại biểu QH", đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn đã là người đầu tiên lên tiếng: "Phó thủ tướng hãy cho biết quyết tâm và lộ trình của Chính phủ, đặc biệt với vai trò Tổng tư lệnh của Thủ tướng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng?"

Tái khẳng định, quan liêu, tham nhũng là một nguy cơ, Phó Thủ tướng đã nêu quyết tâm của Chính phủ trong việc đấu tranh ngăn chặn tệ nạn này bằng một loạt giải pháp như: hoàn chỉnh cơ chế, cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu..." Chúng ta đã có những kết quả nhất định ở nhiều địa phương, đơn vị cụ thể. Nhưng nhìn chung, tham nhũng chưa bị đẩy lùi và còn rất nghiêm trọng. Hầu như trên lĩnh vực nào cũng có", Phó thủ tướng nhìn nhận. Ông cam kết: "Chính phủ sẽ làm hết chức trách, hết sức của mình trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng".

Đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn.

Sau hơn 15 phút tập trung lắng nghe, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn đã đứng lên tiếp lời: "Tôi hoan nghênh những điều Phó thủ tướng vừa nói, những điều đó đã được thể hiện ở rất nhiều nghị quyết nhưng tại sao tham nhũng vẫn nghiêm trọng? Chính phủ có né tránh không?" Vị đại biểu 75 tuổi, từng nổi tiếng trong QH về những câu hỏi quyết liệt đã thẳng thắn: " Phó thủ tướng nói làm hết mình, nhưng tôi cho vẫn chưa đủ "đô". Tôi đề nghị Phó thủ tướng trình bày một lộ trình cụ thể?"

Trầm giọng nhưng khá cương quyết, Phó thủ tướng nói gọn: "Chính phủ không né tránh việc gì. Đại biểu Ngoạn hỏi tôi có né tránh không, tôi khẳng định là không".

Phía dưới đại biểu Ngoạn chăm chú ghi chép.

Trước khi nhận chức người đứng đầu có dám tuyên thệ?

Với chất giọng trầm ấm, đầy khúc triết của nhà sử học, đại biểu Dương Trung Quốc lên tiếng: "Thêm một lần nữa tại diễn đàn này chúng ta ghi nhận quyết tâm của Chính phủ, nhưng theo tôi quyết tâm thôi chưa đủ. Vì nó liên quan đến lòng tin của nhân dân với các bộ trưởng. Khi mà các lời hứa được cho rằng, lặp đi lặp lại thì cử tri cũng lo ngại quyết tâm này cũng lặp lại như lời hứa". Ông đặt câu hỏi thẳng: "Nếu tôi đề nghị Chính phủ, các quan chức khi nhận nhiệm vụ phải tuyên thệ trước nhân dân thì Phó thủ tướng có đồng ý không?"

Bất ngờ với chất vấn nặng về tính đề nghị này, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thành thực: "Tôi chưa suy nghĩ về điều này, nếu QH quyết định thì chúng tôi sẽ làm".

Khác với nhiều ý kiến liên tục nêu về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra tiêu cực, đai biểu Đặng Thị Phượng lại đưa ra một vấn đề khác đó là Thủ trưởng không được quyết định người phó nhưng lại phải chịu trách nhiệm về tất cả những việc làm của họ và nhân viên của mình. Với giọng nói tha thiết bà hỏi: "Tới đây Chính phủ có giao quyền cho thủ trưởng được quyết định người phó hay không?"

Thừa nhận thực trạng mà bà Phượng nêu lên là một thực tế, tuy nhiên Phó thủ tướng cho rằng, việc để xảy ra tiêu cực còn có lý do từ phía người đứng đầu đã không làm hết trách nhiệm được giao. Ông chất vấn ngược: "Đã có trường hợp nào phát hiện ra cấp phó của mình tiêu cực, cấp trưởng báo cáo lên cấp trên mà không được giải quyết chưa?".

Phía dưới, đại biểu Phượng cười nhẹ không trả lời. Phó thủ tướng xuống giọng như lời tự sự: "Chống tham nhũng cần nhiều giải pháp chứ không phải chỉ có việc đòi quyền quyết định người cấp phó".

Không có bệnh thành tích trong số liệu tăng trưởng 8,4%

Băn khoăn về sự khác nhau giữa số liệu tăng trưởng GDP 8,4% mà Tổng cục thống kê công bố với số liệu của một số tổ chức quốc tế, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết hỏi thẳng: "Trong khi dịch cúm, rồi tình hình bão lụt vừa qua được dự báo là ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng tại sao chúng ta vẫn có thể đạt được chỉ tiêu tăng trưởng cao đến vậy? Liệu đây có phải là con số ảo chạy theo bệnh thành tích?".

Dẫn giải về sự khác nhau về thời điểm tính GDP của Tổng cục Thống kê và các tổ chức Quốc tế khác, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời dứt khoát: "8,4% là con số thật, dựa trên giá trị tăng thêm của cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ". Ông nhấn mạnh: "Đây là nỗ lực chung không thể chối bỏ của tất cả các bộ, ngành. Không có chuyện bệnh thành tích ở đây. Nếu cần cung cấp số liệu cụ thể từng lĩnh vực, tôi xin sẵn sàng".

Trên ghế chủ tịch đoàn, Chủ tịch Nguyễn Văn An cười tươi tắn. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết trầm ngâm im lặng.

Liên hệ với phần trả lời của Bộ trưởng Mai Ái Trực hôm qua, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân nêu vấn đề về mối quan hệ giữa các bộ, liên ngành trong chính phủ. "Ngay tại diễn đàn này, hôm qua đã 2-3 lần Bộ trưởng Tài nguyên chuyển vấn đề chất vấn cho Bộ trưởng Tài chính. Tại sao mối quan hệ phối hợp giữa các ngành trong Chính phủ lại kém như vậy".

Bình tĩnh trước câu hỏi nặng về nhận định của đại biểu Trân, Phó thủ tướng nhẹ nhàng nói: "Tôi đồng ý là có những việc này việc kia sự phối hợp giữa các bộ là chưa tốt, cám ơn anh Trân đã góp ý nhưng nói quan hệ kém là không đúng! Tới đây Chính phủ sẽ tiếp thu để xác định rõ những việc cần phối hợp và cơ chế phối hợp".

Phần trả lời của Phó thủ tướng kéo dài gần 1 giờ 45 phút với 6 đại biểu chất vấn trực tiếp. Đại biểu Nguyễn Công Kích và Đặng Như Lợi bấm nút xin được chất vấn nhưng hết giờ.

* Ý kiến của bạn?

Phạm Hiếu