Xử sai phải "thành tâm" xin lỗi dân!
Các Website khác - 26/11/2005

(VietNamNet) - Án oan sai vẫn là câu hỏi hóc búa cho Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu căn dặn: "Người làm oan, cơ quan làm oan cho dân phải công khai xin lỗi, thành tâm xin lỗi và kiên quyết sửa chữa, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho người bị oan".

Soạn: AM 631420 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện đang báo cáo về những cố gắng của ngành toà án.

Không có khuyết điểm nào?!

Nói về việc giải quyết án oan sai, kéo dài, Chánh án Nguyễn Văn Hiện cho biết, TANDTC đã "tổ chức nghiên cứu toàn bộ án để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó đặc biệt chú trọng và tập trung giải quyết các đơn khiếu nại, búc xúc kéo dài".

Chánh án Hiện còn nói rõ thêm: "Trong quá trình công tác, lãnh đạo ngành Toà án nhân dân luôn xác định và đề cao tinh thần trách nhiệm".

Theo Chánh án, án oan sai, kéo dài do có một số vụ án rất phức tạp, xảy ra đã lâu, bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật từ trước năm 2000, quan điểm giải quyết vụ án có khác nhau và Toà án các cấp đã căn cứ vào các tài liệu do đương sự xuất trình và tài liệu điều tra, xác minh thu thập được vào thời điểm trước đây để giải quyết vụ án.

Các trường hợp còn lại một số đang được tiếp tục thương lượng, một số là đơn mới yêu cầu, một số trường hợp người bị oan đưa ra mức bồi thường quá lớn, không có căn cứ pháp luật nên hai bên không thống nhất được mức bồi thường và người bị oan làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Với những trường hợp không thống nhất được mức bồi thường, ông Hiện cho rằng: "Chủ yếu là do người bị oan nhận thức không đầy đủ về luật nên đã đưa ra các khoản, mức bồi thường không phù hợp vời các quy định, thậm chí có trường hợp thiếu tinh thần hợp tác, không cung cấp đầy đủ các chứng cứ hợp pháp...".

"Nhìn chung, thời gian qua các Toà án đã quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết số 388; việc bồi thường thiệt hại và khôi phục danh dự cho người bị kết án oan được thực hiện kịp thời, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Nghị quyết số 388, thể hiện ý thức cầu thị, thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với những sai sót của mình...

Qua hơn hai năm thực hiện Nghị quyết số 388, chưa phát hiện được trường hợp nào có biểu hiện né tránh sợ trách nhiệm...

Đối với trường hợp thiếu bản lĩnh nghề nghiệp, "chùn tay" bỏ lọt tội phạm hoặc sợ trách nhiệm mà xác định không đúng, không đầy đủ các khoản, mức bồi thường cho người bị oan, TANDTC quy định trước hết lãnh đạo đơn vị đó phải chịu trách nhiệm về mặt quản lý; Thẩm phán giải quyết vụ việc cũng phải bị xem xét trách nhiệm theo quy định của Pháp lệnh cán bộ, công chức và còn bị xem xét về tư cách Thẩm phán và có thể bị cách chức hoặc không được bổ nhiệm lại khi hết nhiệm kỳ Thẩm phán...".Chánh án Nguyễn Văn Hiện rành rọt "giới thiệu" về kỷ luật làm việc của ngành mình.

Án oan sai thường xảy ra ở toà án tỉnh!

ĐB Đàm Như Lập (Cà Mau): Có một điều là xét xử sai thường từ tòa cấp tỉnh trở lên. Vậy xin Chánh án cho biết có bao nhiêu vụ oan sai ở những cấp này? Và xin hỏi, có khuất tất nào đằng sau các vụ án dân sự không?

Chánh án Nguyễn Văn Hiện: TANDTC đã xác định tập trung công tác giám đốc thẩm và tái thẩm. Đối với một số vụ án, tòa có bộ phận chuyên môn ghi lại vụ án. Đối với các vụ án của nhiệm kỳ trước, trong số rất nhiều vụ đề nghị giám đốc thẩm và tái thẩm, có khoảng trên dưới 10.000 đơn đề nghị, trong đó có hàng trăm có bức xúc. Chúng tôi đã chỉ đạo tập trung giải quyết vấn đề này và đã tăng người, làm thêm ngoài giờ.

Tuy nhiên, chất lượng giải quyết còn có một số vụ việc rất phức tạp, nên TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an đã thu thập thêm chứng cứ, có tình tiết làm thay đổi nội dung vụ án, TANDTC đã thực hiện theo chỉ đạo xem xét lại vụ án.

Đối với một số cán bộ liên quan đến việc xét xử oan sai, đã chỉ ra để xem xét trách nhiệm của Thẩm phán. Nhưng cái khó là hàng năm phải giải quyết hàng trăm vụ án, nên khó không xảy ra sai sót. Chánh án TANDTC kỳ này đã đề nghị xem xét lại các vụ việc đó. Nếu do trình độ thì không tái nhiệm. Còn nếu cố ý thì xét lại trách nhiệm, có biện pháp kỷ luật.

Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái): Đề nghị Bộ trưởng đánh giá rõ hơn chất lượng xét xử. Số lượng bản án bị sửa không phải nhỏ. Có nguyên nhân tiêu cực không? Trách nhiệm của Chánh án TAND tối cao trong thiếu kiểm tra xét xử?

Chánh án Nguyễn Văn Hiện: Tỷ lệ các vụ án bị sửa có giảm so với trước nhưng vẫn cao. Chúng tôi sẽ cố gắng giảm từng bước.

Sai sót trong hoạt động xét xử có những nguyên nhân sau: Đầu tiên là con người. Ở nước ta, sau năm 1975, công tác đào tạo người làm công tác xét xử mới có. Nhiều người làm công tác xét xử chưa được đào tạo chính quy, bài bản nhưng đó là sự cố gắng rất cao của tòa án. Trình độ đào tạo là một nguyên nhân dẫn tới sai sót.

Ngoài ra, còn một số trường hợp do thiếu tinh thần trách nhiệm thậm chí vi phạm pháp luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Những người vi phạm pháp luật đã đáng trách, những người tiến hành tố tụng vi phạm pháp luật còn đáng trách hơn.

Trường hợp án bị hủy, sửa, tòa án các cấp phải xem xét năng lực của từng thẩm phán. Có những thẩm phán không được bổ nhiệm khi hết nhiệm kỳ vì số án bị hủy cao hơn mức bình thường.

Án tồn nhiều - do luật dễ dãi (?)

ĐB Nguyễn Đức Được (Lạng Sơn): Về các vụ án kéo dài xét xử, đề nghị giám đốc đốc thẩm, tái thẩm ngày càng nhiều. Đề nghị cho biết, Chánh án đã chỉ đạo giải quyết được bao nhiêu vụ trong nhiệm kỳ của mình?

Chánh án Nguyễn Văn Hiện: Đã giải quyết rất nhiều, còn bao nhiêu thì không thể nói ngay được. Nhưng biết là không ít. Chúng tôi cho rằng, đơn yêu cầu giám đốc thẩm và tái thẩm sẽ tiếp tục tồn tại. Hết loại này lại có loại khác, chưa có dấu hiệu giảm.

Theo quy định thì trách nhiệm giải quyết thuộc về TANDTC và VKSNDTC. Và chúng tôi đã chủ động xem xét các đơn có dấu hiệu oan sai trước. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tổ chức tốt công tác tiếp dân, gải thích cho người dân hiểu rõ, đâu là đúng, đâu là chưa đúng.

Nhưng dù có cố gắng đi đâu chăng nữa, thì đơn đề nghị giám đốc thẩm và tái thẩm sẽ không giảm trong tình hình hịên nay.

Trong quá trình xây dựng luật tố tụng, cần tham khảo nước ngoài, bởi ở một số nước, trong đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, người đề nghị phải ghi rõ, cặn kẽ trong đơn và phải đáp ứng rất nhiều điều kiện khác. Đồng thời, phải chịu án phí rất cao (có thể lên đến 30-40%), nếu đúng thì trả lại số tiền đó cho người đề nghị.

Còn hiện nay, ở ta, đơn xin giám đốc thẩm, tái thẩm hịên nay lại đơn giản hơn đơn xin kháng cáo.

Để dân tin

Xong phần chất vấn của Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yểu xin có đôi lời kết luận: Tình trạng oan sai còn nhiều. Vấn đề ngành toà án cần tập trung nhất là xây dựng đạo đức nghề nghiệp, đạo đức của người thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên.

Vấn đề thứ hai là thực hiện nghị quyết 388 của Ủy ban thường vụ QH về bồi thường thiệt hại cho những người bị oan do những người trong cơ quan tố tụng gây ra. Việc ban hành nghị quyết 388 là rất đúng, kịp thời, hợp lòng dân. Việc ban hành một là để giải quyết những trường hợp oan.

Người làm oan, cơ quan làm oan cho dân phải công khai xin lỗi, thành tâm xin lỗi và kiên quyết sửa chữa, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho người bị oan. Làm như vậy dân sẽ tin cơ quan pháp luật.

Về vấn đề bồi thường, cơ quan có người làm sai thì phải chủ động gặp gỡ để thỏa thuận với người bị oan về mức bồi thường tất nhiên là theo các quy định của nhà nước và kiên trì trong việc thỏa thuận. Trong trường hợp thỏa thuận không được thì người bị oan có quyền khởi kiện ra tòa án dân sự. Có nhiều trường hợp giải quyết nhanh, gọn, tốt và người bị oan người ta thông cảm, nhưng có không ít trường hợp kéo dài. Cơ chế còn là vấn đề đang tiếp tục nghiên cứu nhưng với tinh thần cơ quan đã có cán bộ làm oan cho công dân rất thành tâm rất kiên trì.

  • Nhóm PV Chính trị Xã hội