Tình huống hiểm nguy từ thiên nhiên hay từ chính con người gây ra có thể đến với bất cứ ai, cả người lớn và trẻ nhỏ. Đối mặt với tình huống hiểm nguy, trẻ có thể mang tâm trạng lo âu, sự sợ hãi hoặc thậm chí lâm vào tình trạng stress; đặc biệt là khi chúng thấy người lớn hoảng sợ hay bị quá kích động. Bình tĩnh là yếu tố hết sức quan trọng trong những tình huống bất ngờ. Mà để bình tĩnh được thì đương nhiên phải có sự chuẩn bị trước về tâm lý cũng như được “dợt” trước những tình huống tương tự. Đó là những điều có thể chuẩn bị trước cho trẻ.
Trẻ thường sợ gì? Chúng sợ thấy ai đó bị thương hay bị giết; sợ bị bỏ lại một mình; sợ mất liên lạc với cha mẹ, người thân; sợ “rơi” vào giữa sự nguy hiểm như cháy, lụt, v.v…
Điều trước tiên cần cho trẻ biết là muốn đối phó với những tình huống nguy hiểm cần phải có một sức khỏe tốt và do vậy cần có sự rèn luyện thể lực một cách thường xuyên, đều đặn.
Cần giải thích cho trẻ biết rằng tai họa là một cái gì đó xảy ra đưa đến những hậu quả có thể là con người bị thương; điện – nước – điện thoại bị cắt; nhà cửa bị mất. Người lớn phải luôn sẵn sàng đối mặt với tai họa, và trẻ con cũng vậy. Để làm gì? Để biết cách vượt qua nó, biết cách thu xếp để cuộc sống trở về bình thường.
Những tai họa có thể kể đến là động đất, lụt, cháy, bão, tràn hóa chất, xe cộ bị hư hỏng, máy bay bị rớt v.v… Nhưng tất cả đều có cách để vượt qua.
Trẻ cần biết những gì:
- Những thông tin chính về gia đình: tên họ của trẻ, của những người trong gia đình; địa chỉ nhà, số điện thoại của cha mẹ, của gia đình; nơi mà những người trong gia đình có thể gặp nhau. Cần có một cuốn sổ ghi lại những thông tin này và yêu cầu trẻ luôn giữ bên mình. Có thể khuyến khích trẻ nhớ những thông tin này bằng cách thưởng cho trẻ nếu chúng nhắc lại được một cách chính xác.
- Hướng dẫn trẻ cách gọi đến tất cả các loại điện thoại (di động, cố định, các số khẩn cấp như cấp cứu, lực lượng phản ứng nhanh…). Càng tốt hơn nữa nếu cho trẻ “diễn” thử, đặt trẻ vào tình huống bị cách ly khỏi gia đình, xem chúng sẽ liên lạc với người thân như thế nào.
- Cho trẻ biết về vai trò của những người xung quanh: trong những tình huống nguy hiểm, rất nhiều người – kể cả những người không quen biết đều có thể giúp chúng. Cần giải thích với trẻ rằng bình thường chúng có thể không trò chuyện với những người xung quanh ở nơi công cộng, nhưng khi có tai họa xảy ra chúng vẫn có thể yêu cầu sự giúp đỡ từ những người không quen biết đó và phần lớn họ sẽ sẵn sàng, và tất nhiên chúng cũng nên như vậy – giúp đỡ người gặp khó khăn khi có thể.
- Cần dạy trẻ cách thoát ra khỏi vùng có nguy hiểm và biện pháp đề phòng nguy hiểm ngay trong nhà. Chẳng hạn: khi có động đất thì chạy ra khỏi tòa nhà cao tầng hoặc nếu không chạy được thì trốn vào góc nhà nơi có cột nhà; hay diêm quẹt hay bật lửa là để cho người lớn sử dụng chứ không phải đồ chơi của trẻ em vì nó có thể gây cháy...
|