Chung quanh chuyện cung - cầu
Các Website khác - 19/12/2005
Sôi động tàu xe dịp Tết.
Trong khi bài toán vận chuyển hành khách dịp Tết dường như đã giải quyết được cơ bản về mặt lượng, thì về mặt chất vẫn chưa có đáp số cuối cùng.
Trước đây, do cung không đủ cầu, ngành vận tải phải tổ chức "chiến dịch" vận chuyển phục vụ Tết. Chuyển sang cơ chế thị trường, với sự phát triển của các doanh nghiệp (DN) thuộc nhiều thành phần kinh tế, khả năng cân đối cung - cầu về số lượng cơ bản được đáp ứng, tuy nhiên chưa đồng bộ. Riêng về chất lượng vận tải hành khách còn không ít chuyện phải bàn...

Thừa và thiếu

Nhìn toàn cục, mặc dù số lượng khách đi lại trong dịp Tết tăng cao (trên dưới 10%, thậm chí hơn 20% so với ngày thường), nhưng khả năng huy động phương tiện cũng khá lớn, nhất là vận tải ô-tô, hàng không.

Về vận tải ô-tô, ngoài hơn 20 nghìn xe khách chạy tuyến, có thể huy động hàng trăm xe buýt nội đô đưa ra chạy đường dài, hàng nghìn xe chạy theo phương thức "hợp đồng" tham gia chạy tuyến. Ðó là chưa kể đến hàng vạn xe chở người của các cơ quan, đơn vị, DN khác khi cần đều có thể tham gia vận chuyển khách.

Tuy nhiên, khi huy động nhiều xe vào tuyến vận chuyển khách, vấn đề quản lý chất lượng phương tiện và người lái, quản lý trật tự, giá cả thị trường vận tải ô-tô trở nên không đơn giản. Ðối với hàng không, chưa kể khả năng thuê thêm máy bay, việc điều chỉnh các tuyến bay cũng có thể huy động thêm nhiều phương tiện phục vụ Tết. Trong vòng một tháng trước và sau Tết, tần suất các tuyến bay nội địa tăng 50% là điều có thể thực hiện được, song việc thực hiện bay đúng giờ gặp không ít khó khăn.

Riêng vận tải đường sắt bị giới hạn bởi khổ đường ray và cơ sở vật chất kỹ thuật, trên tuyến quan trọng nhất nối hai đầu đất nước, mặc dù bỏ hết tàu hàng thay bằng tàu khách, vẫn không đáp ứng nhu cầu. Ở đây, cầu vượt cung, cho nên khâu mua vé tàu Tết, nhất là ở đầu TP Hồ Chí Minh, năm nào cũng "nóng"...

Chuyện thừa thiếu còn do một số nguyên nhân khác như: luồng khách lệch chiều (trước Tết khách tập trung từ nam ra bắc, từ các đô thị lớn và khu công nghiệp tỏa về nông thôn, sau Tết thì ngược lại); khả năng thanh toán và tâm lý của khách (thí dụ: không ít người già, phụ nữ, trẻ em đi ô-tô bị say, đi máy bay không đủ tiền, chỉ muốn đi tàu đường sắt an toàn hơn); do phong tục và cách bố trí nghỉ Tết, lượng khách dồn vào một số ngày cao điểm trước và sau Tết, chưa kể đến nhiều khách còn chọn ngày, chọn giờ, chọn lái xe quen để xuất hành. Cho nên, trên không ít tuyến vận chuyển, phương tiện lúc chở không hết khách và khi thì chạy không là chuyện bình thường.

Nếu xét trên bình diện cả nước, tuyến vận tải đường sắt bắc - nam đang là nơi cộng hưởng tất cả các yếu tố thừa thiếu nói trên và chưa có khả năng khắc phục triệt để trong dăm năm tới, ngoài việc cải tiến tốt hơn nữa khâu tổ chức bán vé...

Những lưu ý về chất lượng

Cục phó Ðường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Thanh:
Những điều đáng lưu ý nhất trong vận tải khách ô-tô dịp Tết: Các tuyến đông khách nhất đồng thời lệch chiều nhất là từ TP Hồ Chí Minh đi miền Tây, ra bắc và một số tỉnh miền trung; tuyến Hà Nội đi Nghệ An, Thanh Hóa cũng trong trạng thái tương tự nhưng nhẹ hơn. Hai hiện tượng cần tập trung ngăn chặn là xe "dù" tranh thủ hoạt động và tình trạng lèn khách, ép giá (không thực hiện đúng giá DN đăng ký tại cơ quan quản lý giá của địa phương).

Lực lượng quản lý nhà nước phải tạo môi trường thông thoáng thu hút xe "tăng cường" vào tuyến vận chuyển, điều hành tốt và cải tiến thủ tục để xe quay vòng nhanh; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trên đường. Các DN hết sức chú trọng quản lý kỹ thuật phương tiện và lái, phụ xe; khoán nhưng không gây sức ép quá căng thẳng cho lái xe; với xe chạy đường dài, phải bố trí đủ người lái thay phiên...

Bà Phùng Lý Hà, Phó Trưởng ga Hà Nội:

Ga Hà Nội đã triển khai bán vé tàu Tết Bính Tuất trên tất cả các tuyến phục vụ khách đi tàu từ ngày 2-12-2005. Riêng tuyến bắc - nam, năm nay ga Hà Nội được phân công bán 15% tổng số vé phục vụ Tết, giảm bớt áp lực lượng khách đến ga Sài Gòn mua vé. Khách đi tàu từ TP Hồ Chí Minh có thể nhờ người thân ở Hà Nội mua giúp vé, gửi vào. Ðến ngày 16-12, ga Hà Nội đã bán được hơn 5.900 vé. Ðể phục vụ khách đi tàu trong dịp Tết, ga Hà Nội đã mở thêm cửa bán vé, tăng nhân viên bán vé, phục vụ... Ở ga Hà Nội, do khách đi tàu tập trung đi vào thời gian một tuần trước Tết Âm lịch, tuy lượng khách đi tàu từ ga Hà Nội sau Tết Âm lịch đông, không tập trung mà rải ra từ mùng 3 Tết đến 16, đây cũng là điều kiện thuận lợi để ga Hà Nội phục vụ khách đi tàu được tốt hơn.

Nếu như khả năng cung-cầu về lượng (khách và phương tiện) đã bộc lộ và không còn ẩn số đáng kể, thì khả năng "cung" về chất chưa thể có đáp số cuối cùng. Phải chăng, do "cầu" của khách về chất lượng dịch vụ không quá khắt khe và khó định lượng, cho nên dễ dẫn đến tình trạng bị buông lỏng hoặc coi nhẹ?

Về vấn đề này, Thứ trưởng Giao thông - Vận tải (GTVT) Phạm Thế Minh cho biết: Ngày 14-11, Bộ GTVT đã có chỉ thị với ba nội dung chính: "Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đáp ứng nhu cầu đi lại với chất lượng phục vụ ngày càng cao; thực hiện bình ổn, chống tăng giá cước tùy tiện; nghiêm cấm vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm, thức ăn chăn nuôi trên các phương tiện vận chuyển khách công cộng".

Ðầu tháng 12, trong cuộc họp đánh giá công tác chuẩn bị vận chuyển khách Tết của Bộ GTVT với các đơn vị liên quan, ba nội dung nói trên được rà soát kỹ hơn, xác định trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước, bến xe và DN vận tải. Trong đó chú trọng công tác an toàn giao thông, trật tự bến xe và nhà ga, kiểm tra chất lượng người lái và kỹ thuật phương tiện. Tập trung phòng và chống phóng nhanh vượt ẩu, tranh cướp khách, lèn khách, bán khách, tăng giá tùy tiện, vận chuyển gia cầm và vật liệu cháy nổ. Tạm thời dừng thi công các công trình đường bộ trong dịp Tết. Các địa phương quan tâm đáp ứng nhu cầu đi lại và bảo đảm an toàn các tuyến vận chuyển đi vùng sâu, vùng cao, vùng xa. Ðối với DN, vận chuyển Tết cũng là "mùa" làm ăn và là cơ hội quảng bá thương hiệu tốt nhất, tránh thiên về chạy theo lợi nhuận mà sao nhãng việc bảo đảm an toàn và nâng cao chất lượng dịch vụ có ý nghĩa thu hút khách lâu dài...

Còn đối với hành khách? Trừ một số tuyến vận tải đường bộ ở khu vực đồng bằng nhiều DN vận tải ô-tô tham gia, khách đã có điều kiện để lựa chọn thương hiệu, còn nhìn chung là "có gì dùng nấy".

Tuy vậy, với ý thức chủ động, khách cũng có điều kiện nhất định góp phần nâng cao chất lượng vận chuyển. Phối hợp nỗ lực của quản lý nhà nước và DN, khách nên vào các bến xe mua vé để không tiếp tay cho "xe dù", "cò vé" và bảo đảm việc quản lý giá cước. Trong trường hợp buộc phải đón xe dọc đường, cần phải thỏa thuận giá trước khi đi. Dọc đường, nếu thấy lái xe và phụ xe có biểu hiện ép giá, lèn khách, vận chuyển gia cầm hoặc vật liệu cháy nổ... cần gọi điện cho cảnh sát giao thông hoặc báo với trạm thu phí để thông tin và xử lý kịp thời (Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho các trạm thu phí truyền đạt ngay ý kiến phản ánh của khách trên xe đi qua trạm).

Nói một cách khác, đã có nhiều quy định về bảo đảm an toàn và chất lượng dịch vụ, nhưng kết quả cuối cùng còn phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp của các lực lượng chức năng quản lý nhà nước, DN và thái độ tích cực của khách đi tàu, xe...

QUANG TUẤN