Phiên toà dư luận
Các Website khác - 19/12/2005

SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
Phiên toà dư luận

Lê Thanh Phong

Vụ việc liên quan đến đội tuyển U.23 Việt Nam tại SEA Games 23 được gọi là "nghi án bán độ". Chưa kể là nghi án, mà ngay cả vụ án được khởi tố và tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự, thì cũng không thể chắc chắn tất cả các cầu thủ đã "bị" hoặc "được" Cơ quan điều tra triệu tập đều tham gia bán độ.

Một trong những nguyên tắc văn minh của pháp luật là không ai được xem là có tội khi toà án chưa kết luận bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Trước những hiện tượng xã hội và những hành vi của con người, dư luận có quyền đấu tranh, phê phán, nhưng không có quyền quy tội hoặc lăng nhục.

Những ngày qua, nhiều cầu thủ đã bị dư luận luận tội, kết tội. Nếu có người tay đã nhúng chàm phải gánh chịu thì đã đành, người ngoài cuộc lại phải chịu hình phạt dư luận. Hình phạt đáng sợ nhất là hình phạt về tinh thần. Không chỉ các cầu thủ, mà những người thân trong gia đình và bạn bè của họ cũng phải chịu đựng như vậy. Họ không có cơ hội để tự vệ bằng sự trình bày, giải thích. Trong cuộc sống, đã có nhiều vụ án kết thúc, người phạm tội chịu hình phạt, nhưng họ đau khổ vì hình phạt của dư luận gấp nhiều lần so với hình phạt của pháp luật. Bởi bản án của pháp luật thì chỉ một người tuyên và chỉ tuyên một lần, còn bản án dư luận thì vô số kể và dai dẳng.

Từ thực tế này mà suy, một trong những cầu thủ bị nghi oan, bị dư luận kết tội oan thì phiên toà dư luận đã "xét xử" oan sai mà không ai chịu trách nhiệm, không thể bồi thường. Công bằng mà nói, có nhiều phiên toà dư luận đưa ra những kết luận chính xác và công minh hơn bản án của hội đồng xét xử. Trong những trường hợp như vậy, phiên toà dư luận đã an ủi, chia sẻ những nỗi đau khổ của người bị oan sai. Thậm chí, cũng không ít trường hợp, dư luận tạo nên sức mạnh của chính nghĩa, làm thay đổi bản án, lôi người có tội ra ánh sáng, trả lại sự trong sạch cho người bị hàm oan.

Thông tin, dư luận là rất cần thiết và quan trọng, vì phục vụ cho đời sống tinh thần của toàn xã hội. Và quan trọng hơn, khi thông tin đó liên quan trực tiếp đến sinh mệnh vật chất và tinh thần của con người. Vì vậy, khi "mở "ra một phiên toà dư luận hãy hướng đến một nguyên tắc, nếu không đủ chứng cứ để kết luận về hành vi phạm tội, thì hãy thận trọng trong đánh giá, chứ đừng quy kết. Nguyên tắc này được áp dụng trong hoạt động tố tụng, khoa học và đầy tính nhân văn. Nếu áp dụng trong phiên toà dư luận, người bị phán xét sẽ thấy mình được đối xử công bằng và tôn trọng. Trong trường hợp họ có tội thật sự, họ cũng sẽ hướng thiện để làm người tốt, bởi vì họ thấy cuộc sống còn có nhiều điều để hy vọng.