Còm cõi gánh hàng rong
Các Website khác - 22/12/2008
 Chợ Dâu (thuộc xã Xuân Canh, Đông Anh, Hà Nội), chỉ có trên dưới trăm sạp hàng mà có đến hơn ba chục cụ bà móm mém, giọng nói run rẩy ngồi bệt bán hàng trên nền đất, giữa trời đông giá rét.
Nước mắt chảy xuôi

Cụ Giao bên những món hàng lặt vặt của mình.

Chưa phải là già nhất chợ, nhưng cụ Nguyễn Thị Giao, người làng Dâu, xã Xuân Canh năm nay cũng đã 82 tuổi. Trong cái lạnh cắt da cắt thịt, không khí của một phiên chợ quê nghèo như làm cho gian hàng của cụ nhỏ bé, mong manh và hiu hắt đến lạ thường.

Nhưng khi tiếp chuyện chúng tôi, cụ Giao vẫn cười lạc quan, dù nụ cười chỉ để lộ một chiếc răng cửa. Cụ cho biết, 3 con của cụ đã lập gia đình nhưng nghèo quá, lo thân không đủ nên cụ phải tự kiếm sống bằng gian hàng tạp phẩm ở chợ, bán mấy thếp vàng mã, mấy túi chè khô, bánh quy vụn...
 
Thu nhập mỗi buổi đi chợ của cụ chỉ trên dưới 10.000 đồng. Cụ Giao cho biết, đang cố sống đến 85 tuổi để còn được hưởng trợ cấp của Nhà nước, nhưng chẳng biết “mệnh trời” thế nào...

Ngồi đối diện với cụ Giao là cụ Hiếu, 75 tuổi, thái độ hơi e ngại và sợ sệt khi chúng tôi hỏi thăm. Cụ Hiếu không được minh mẫn, nói năng lắp bắp, câu chuyện cụ kể không được liền mạch: “Các con tôi đã lập gia đình cả, nhưng còn chưa lo nổi gia đình chúng nó... Chẳng được ai nói là Nhà nước có chính sách hỗ trợ người già, nên tôi có biết gì đâu. Mỗi lần đi chợ được vài nghìn, tôi đem về nuôi chồng bị lòa lâu nay”.

Trong số 3 cụ ngồi cùng dãy, có lẽ cụ Lưỡng, 71 tuổi là khỏe mạnh và nhanh nhẹn nhất. Cụ có 650.000 đồng tiền lương hưu hàng tháng nhưng vẫn làm việc để hỗ trợ đứa con út nghèo khó. Cụ nói: “Tôi bị huyết áp cao, đi chợ thì phải dậy sớm nên nhiều lúc cũng rất mệt. Nhưng con cái còn khó khăn quá, tôi còn sức thì phải giúp đỡ con cháu, nước mắt chảy xuôi mà”.

Ngược xuôi những gánh hàng
 
Xa xa khỏi hàng tạp hoá ở chợ Dâu là hàng rau, hàng cá, nơi những cụ già không có vốn liếng đang ngồi bán những mớ rau, con cá tự trồng, tự bắt được. Các cụ phải ngồi ở bên những lối đi, chứ không được ngồi trong lán có mái che.

Cụ Ca và cụ Vê, hai cụ cùng bán rau thơm trong khu chợ này đã rất nhiều năm. Cả hai đều cho biết, con cái còn nghèo, không có điều kiện phụng dưỡng. Hơn nữa, tiền do mình làm ra tiêu thoải mái hơn. Do vậy, dù đã ngoài 75 tuổi, các cụ vẫn vui vẻ hàng ngày gánh hàng ra chợ.

Để kiếm 10.000 đồng/ngày, cụ Vê phải đi chợ từ 3h sáng.


Chợ Dâu tan phiên buổi sáng, nhiều cụ già vội vã gánh gồng rời chợ, ngược 3 cây số lên chợ Tó bán nốt chỗ rau còn lại. Nằm ở khu vực sầm uất tại xã Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội, chợ Tó, một trong những chợ to hiếm thấy tại khu vực này nên giao thương nhộn nhịp, người ra vào tấp nập... Nhưng ở đó, các cụ chỉ được bán hàng vặt ở trên những lối đi, chốc chốc lại phải di chuyển sang bên phải một chút, bên trái một chút để tránh đường cho người qua lại.

Nơi này, cụ Hậu đang ngồi húp tô bún trưa, đám rau cỏ trước mắt đã bắt đầu quắt lại vì hanh. Nơi kia, cụ Ngố, cao chưa đến 1,3m tay xách phích nước, tay xách 2 chiếc cốc đi bán nước dạo. Con gái cụ Ngố cũng bán hàng ở chợ này, thức thời và khôn ngoan, chị khá lên rất nhanh nhưng đối lập với sạp hàng to lớn của chị, bà mẹ 86 tuổi vẫn hàng ngày phải lọm khọm tự kiếm vài nghìn để nuôi thân, đêm đến ngủ nhờ trong lán chợ. Vào sâu một chút, cả một dãy gồm 5 - 6 cụ bà đang ngồi bán trầu cau và tạp phẩm, các cụ đều đã gần hoặc hơn 70 tuổi.
 
Mẹ già còm cõi gánh hàng rong - Cảnh thường thấy ở các khu chợ nông thôn.

Ông Đặng Anh Tuấn, Phó ban Quản lý chợ Tó cho biết, người cao tuổi đăng ký kinh doanh tại chợ này không nhiều, chỉ khoảng hơn 20 cụ trong số hơn 120 sạp hàng có mái tôn và 100 sạp hàng loại có cửa. Nhưng trong số khoảng 400 sạp hàng đủ loại, gồm cả những người bán dạo thì có đến 10% là các cụ già.
 
Ông Tuấn cho biết, thường các cụ già như thế rất nghèo, buôn bán chẳng được bao nhiêu. “Chúng tôi không bao giờ thu thuế chợ của các cụ, các cụ bán hàng ngày được 5 - 7 nghìn đồng mà còn phải nộp tiền thì chắc các cụ không có lãi. Nhiều lúc các cụ cũng làm cản trở lối đi, nhưng đành phải qua loa để các cụ còn kiếm chút tiền”, ông Tuấn nói.

Tại chợ Nhổn, xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội, nhiều cụ già ở các vùng quê gần đó phải lên đây bán buôn kiếm sống. Nhiều cụ cố gắng đi làm để đỡ bí bức chân tay nhưng cũng có người con cái bỏ bê, có người con cái vỡ nợ không chăm sóc, phụng dưỡng được.

An sinh cho người già: đã thỏa mãn?

Hiện nước ta có 7,94 triệu người cao tuổi, chiếm 9,45% dân số, trong đó 3,96 triệu người trên 80 tuổi.  72,9% số người cao tuổi sống ở nông thôn.
(Nguồn: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội)
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2007/NĐ - CP về “Chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội”, trong đó  người cao tuổi từ 85 tuổi trở lên, nếu không có lương hưu hoặc không có trợ cấp bảo hiểm xã hội; thuộc diện cô đơn, gia đình nghèo, tuy có vợ hoặc chồng nhưng già yếu, không có con cháu, người thân để nương tựa..., được chính quyền địa phương xác nhận thì được hưởng trợ cấp hàng tháng 120.000 đồng.
 
Khi được hỏi về trợ cấp của Nhà nước, hầu hết những cụ già bán hàng rong ở chợ đều nói là không biết có chính sách đó. Có cụ cho biết, là mình có biết về chính sách này, nhưng làm đơn thì lại quá mệt mỏi vì thủ tục rườm rà, một người già ít học khó mà làm được.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Toản, Trưởng phòng Chính sách Xã hội, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ, TB&XH cho biết, đến giữa năm 2009, Luật Người cao tuổi sẽ ra đời, đối tượng được hưởng trợ cấp sẽ được mở rộng. Hy vọng rằng, lúc đó, những đôi vai già sẽ bớt đi gánh nặng, những cuộc mưu sinh cực nhọc, đầy trắc ẩn sẽ được xã hội sẻ chia, gánh vác.
 
Thùy Ninh - Việt Anh