Bi hài chuyện sinh con thứ 3
Các Website khác - 20/12/2008

Không chỉ những gia đình muốn có con trai để "nối dõi tông đường" mà ngay cả những gia đình đã "có nếp có tẻ" cũng không ngại sinh thêm đứa nữa.

Mấy năm gần đây, làng tôi rộ lên "phong trào" sinh con thứ 3. Vợ chồng anh Trọng, chị Vân lấy nhau đã ngót 20 năm, có 2 con gái, trong đó con gái lớn của họ năm nay đã học lớp 11. Song mỗi lần họp họ hay hội hè đình đám trong làng, anh Trọng vẫn luôn bị mọi người trêu chọc và chế giễu là "không biết đẻ". Những lời nói vui tưởng chừng đã "xưa như trái đất" nhưng với anh Trọng, nó đeo bám vào tâm trí anh khiến anh luôn cảm thấy uất ức. Năm ngoái, khu đất nhà anh được vào diện quy hoạch khu đô thị, số tiền đền bù lên đến hơn 1 tỷ đồng. Anh Trọng dùng tiền đó xây một ngôi nhà 4 tầng đầy đủ tiện nghi, vợ anh cũng thôi làm ruộng mà trở về bán hàng tạp hóa.

Ảnh minh họa

Nhà cao cửa rộng, con cái học giỏi, chăm ngoan, vậy mà cứ nghĩ đến cảnh không có thằng con trai nối dõi, anh lại không sao bình tâm được. Sau khi rủ nhau đi xem bói, vợ chồng anh quyết định tổ chức… cưới lại để sinh thêm một thằng cu. Đám cưới diễn ra, họ hàng hai bên hưởng ứng nhiệt tình. Nhưng đúng lúc đón dâu thì đứa con gái lớn của anh Trọng đi học về. Nhìn thấy cảnh bố mẹ mặc đồ cưới và đón rước như thật, nó òa lên khóc rồi chạy sang nhà hàng xóm. Người nhà hỏi han và dỗ dành mãi, cô bé mới thốt ra mấy câu: "Cháu đã lớn rồi, con nào mà chẳng là con, chúng cháu đâu có lỗi gì. Vả lại, bố mẹ cháu có ly hôn đâu mà phải tổ chức cưới lại".

Nhà chị Dung lại khác. Chị Dung và anh Tuấn lấy nhau đã hơn chục năm, có 2 con gái. Nhưng ngặt nỗi, anh Tuấn là con trưởng cũng đồng thời là con trai duy nhất trong gia đình. Sức ép về việc sinh con trai tác động đến anh rất lớn. Biết vợ là người yếu đuối, sức khỏe có hạn nhưng anh Tuấn vẫn giục vợ phải sinh thêm đứa thứ 3. Chị Dung thực tình không muốn, bởi anh chị đều làm ruộng, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, sinh thêm con tức là gánh nặng lo toan của anh chị càng lớn.

Thấy chị Dung chần chừ, mẹ chồng chị không ít lần bóng gió xa xôi rằng, nếu chị không có con trai thì chồng chị sẽ đi lấy vợ khác. Thế là cực chẳng đã, chị sinh thêm đứa thứ 3. May mắn làm sao, đó là một cậu quý tử. Vui thì vui thật, nhưng do điều kiện sống khó khăn, cậu quý tử nhà chị Dung đã 5 tuổi mà người vẫn còi cọc như suy dinh dưỡng. Đã thế, do được chiều chuộng nên cậu bé nói bậy suốt ngày, ai trêu chọc là cậu vớ được đồ đạc gì cũng ném thẳng vào mặt khách… Người làng thấy vậy không khỏi tỏ ra ngán ngẩm.

Một chuyện không kém phần ly kỳ nữa là chuyện nhà anh Tân. Anh Tân là con nhà giàu, bản thân anh lại là chủ một xưởng mộc nên kinh tế gia đình anh rất dồi dào. Vậy mà không hiểu sao, vợ anh sinh đến đứa con thứ 4 vẫn là… con gái. Từ ngày lấy vợ, anh Tân không khiến vợ làm bất cứ việc gì ngoài việc… đẻ. Bốn đứa con gái của anh, mỗi đứa cách nhau đúng một tuổi. Vậy mà như thế vẫn chưa xong. Với quyết tâm sinh bằng được cậu con trai, anh tuyên bố với mọi người trong làng rằng anh sẽ cho vợ đẻ… hết trứng thì thôi. 

Vợ anh sau đó sinh liền tù tì thêm 3 đứa nữa, nhưng vẫn là gái. Không chùn bước, năm 2006, vợ chồng anh Tân sinh tiếp đứa thứ 8, đó là một cậu con trai. Thế là mọi sự chiều chuộng, chăm bẵm, anh chị đều dồn vào cậu út, bỏ mặc 7 cô chị lít nhít muốn học hành, ăn uống ra sao thì ra. Kết quả là, 2 cô chị đầu do không được quan tâm, lại mải chơi nên học đúp mấy năm liền, cuối cùng bỏ học, chỉ ở nhà bế em…

Có con trai để nối dõi tông đường - quan điểm nghiệt ngã ấy đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người dân, nhất là những vùng nông thôn còn lạc hậu khiến nhiều phụ nữ rơi vào hòan cảnh rất đáng thương. Thực tế chứng minh rằng, có con trai mà không biết cách dạy dỗ thì bi kịch đưa đến cho các gia đình còn lớn hơn rất nhiều. Song không phải cặp vợ chồng nào cũng nhận ra được điều đó.

                                                                                                                            Theo Kinh Tế Đô Thị