Chọn cách làm dâu
Các Website khác - 20/12/2008
 Hơn một trăm “cô dâu” nội được tập trung cho... bốn “chú rể” Hàn Quốc săm soi. Vụ môi giới hôn nhân trái phép mới được công an bắt quả tang sáng ngày 18/12, trong một căn nhà cho thuê tại phường Phú Trung, Tp HCM. Nỗi niềm làm dâu xứ Hàn ra sao?
 
Đã có nhiều nhân chứng bày tỏ nỗi đoạn trường, đặng giúp chị em toan cất bước biết “cành thấp cành cao” mà lựa chọn. Nhưng rồi vẫn tái diễn tình trạng không ít người bất chấp tủi hổ, chọn lấy chồng “chui”.
 

Hơn một trăm cô dâu "hụt" ngỡ ngàng khi lực lượng chức năng ập vào kiểm tra. Ảnh T.G.

Một thống kê chưa đầy đủ công bố có khoảng 15.000 - 17.000 cô dâu Việt đang sinh sống tại Hàn Quốc. Còn từ phía “ao ta”, dù muốn hay không, cũng phải mặc nhiên thừa nhận một thực tế là ngày càng có thêm nhiều cô gái “quyết” dứt áo ra đi lấy chồng nước ngoài. Lý do chủ yếu là vì theo đuổi mục đích kinh tế, muốn thay đổi cuộc sống.

“Bi kịch” mở đầu cho các bi kịch làm dâu xứ người là thiếu thông tin. Phía “nhà trai” chẳng có gì để nói, có chăng là sự cảm thấy không thỏa đáng về số tiền “lót tay” vài chục ngàn USD cho công ty môi giới. Nhưng từ phía “nàng dâu” thì đầy rẫy bất cập. Mở đầu là những ảo tưởng về chú rể, già “hóa” trẻ, nông dân “biến” ra kỹ sư, thu nhập thấp thành cao... Kế đến, sang xứ người, thì không hiểu phong tục tập quán, luật pháp, không rành cả những giao tiếp thông thường, ứng xử cần thiết. Khi xảy ra mâu thuẫn, nhẹ thì không biết nơi tư vấn, nặng thì các cô dâu cũng chẳng biết cách tìm đến ai để bảo vệ mình, đến nỗi cùng đường nhảy lầu tự tử. Ngay như vụ việc vừa xảy ra cũng là bằng chứng hiển hiện về thiếu hiểu biết. Trong khi có không hiếm những trung tâm có danh chính được lập để hỗ trợ chị em xuất giá, thì nhiều “phận liễu” vẫn nhắm mắt đưa chân vào những đường dây “đen”.

Thiếu là vậy. Nhưng nói đi cũng phải “tấu” lại, nhiều trung tâm được các hội phụ nữ địa phương lập ra còn khó cả về nhân lực và kinh phí, chưa cạnh tranh được với các công ty môi giới mọc lên ồ ạt như nấm sau mưa. Chưa kể trình độ cán bộ tư vấn cũng còn mù mờ luật pháp, văn hóa, đời sống xã hội các nước “nhà trai”. Bởi vậy, sự thiệt thòi luôn thuộc về các “cô dâu” ngay cả khi chưa bước ra khỏi cửa.

Bản chất của những cuộc hôn nhân chóng vánh kiểu này là yếu tố may - rủi rất rõ. Khoảng 50 % số cô gái Việt lấy chồng Hàn có cuộc sống không ổn định, gặp khó khăn về kinh tế, bị chồng hắt hủi và gặp nhiều bất hạnh. Nhưng cũng có khoảng ngần ấy người có cuộc sống chấp nhận được. Vậy nên duyên cũng tùy phận. Trong khi đợi chờ những dự án hỗ trợ nhằm cung cấp hành trang, tri thức đầy đủ, bảo vệ quyền lợi ngay tại xứ người, nên chăng các nàng dâu hãy chọn cách làm dâu, để không chỉ ấm êm hạnh phúc riêng tư, mà gìn giữ danh chung của “má hồng” nước Việt.