Hanoinet - Đó là kết quả điều tra mới đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xung quanh vấn đề nhà ở cho người lao động. Trong đó có 1/3 số đối tượng gặp khó khăn về nhà ở phải đi ở nhờ, thuê...
Theo điều tra, hiện nay cả nước có gần 2 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Trong số này có khoảng 2/3 có nhà riêng. Tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức có nhà riêng tại các địa phương tương đối đồng đều, Đà Nẵng 76,6%, Long An, Lạng Sơn 61%. Tuy nhiên, diện tích nhà ở bình quân của các địa phương chênh lệch khá lớn. Trong đó Lạng Sơn, Thừa Thiên - Huế và Hà Nội có diện tích thấp nhất 7-7,5m2/người; trong khi đó thành phố Hồ Chí Minh 12m2/người, Long An 15m2/người. Dẫn đầu về diện tích nhà ở “rộng” là Đà Nẵng 20m2/người. Nhìn chung về chất lượng nhà ở chỉ có khoảng 55% là nhà ở kiên cố, 40% là nhà bán kiên cố, còn lại là nhà tạm.
Hiện nay có khoảng 30% số lượng cán bộ, công chức vào biên chế từ năm 1992 được phân phối nhà ở. Số người này hầu hết có số năm làm việc khá lâu, đã về hưu và chiếm tỉ lệ rất nhỏ (5-6%) so với tổng số cán bộ, công chức, viên chức hiện nay đang làm việc.
Quỹ nhà ở phân phối cho cán bộ, công chức, viên chức được xây dựng từ những năm 1960-1970 của thế kỷ trước đang ngày một xuống cấp nghiêm trọng, chưa được cải tạo, xây dựng lại.
Bên cạnh đó, một số người có nhà ở rộng rãi, đầy đủ tiện nghi thì thường là đối tượng được ưu đãi về nhà ở như phân đất để tự làm nhà theo chính sách trước đây của Nhà nước, thu nhập ngoài tiền lương hay được hưởng thừa kế.
Số còn lại chiếm 1/3 tổng số cán bộ, công chức hiện nay chưa có chỗ ở ổn định, phải ở ghép hộ, đang ở nhà bố mẹ, người thân, ở nhờ, ở nhà tạm... bên cạnh đó một số thuê nhà để ở.
Con số này tương ứng với khoảng 700 nghìn công nhân viên chức hiện sống trong điều kiện chật hẹp và không ổn định, điều kiện vệ sinh môi trường thấp kém. Đây là nhóm đối tượng vào biên chế làm việc sau năm 1992, có số năm làm việc ít.
Đối tượng gặp khó khăn về nhà ở tập trung vào các hộ gia đình trẻ ở khu vực đô thị, có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ. Đây là lực lượng lao động chủ lực giữ vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Về giá bán nhà ở, hiện nay tại các khu đô thị (tập trung phần lớn cán bộ, công chức, viên chức), nhà ở với mức giá hàng chục triệu đồng/m2. Với mức giá ấy, phần lớn nhóm đối tượng cán bộ, công chức, viên chức có thu nhập thấp nếu có tích lũy từ tiền lương trong cả đời lao động cũng không mua nổi một căn hộ chung cư có diện tích thấp nhất 30m2.
Bên cạnh nhóm cán bộ, công chức, viên chức, hiện nay cả nước có khoảng 1 triệu lao động đang làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế và chế xuất trên toàn quốc. Trong đó có khoảng 700 nghìn lao động là người ngoại tỉnh đến làm việc và có nhu cầu về nhà ở nhưng chỉ có 7-10% số lao động này được ở trong các khu nhà xây dựng từ nguồn vốn ngân sách hoặc từ doanh nghiệp. Còn lại trên 90% lao động có nhu cầu thuê nhà ở phải tự thu xếp thuê nhà trọ từ các hộ dân tự xây dựng lân cận khu công nghiệp. Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhà công nhân thuê được các hộ dân xung quanh khu công nghiệp xây dựng tạm trên đất vườn, đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng chiếm tới 50%. Trong đó, những căn nhà này được xây thành dãy, tường gạch, lợp mái tôn và phi brôximăng, thậm chí cả mái và tường đều ngăn bằng phên lá; hầu như không có khu vệ sinh riêng, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, đường cấp điện không an toàn. Diện tích mỗi phòng chỉ rộng 12-14m2 cho từ 3-4 công nhân trọ... |
Về giá nhà ở, theo quy định thì giá thuê nhà ở xã hội ở các khu vực đô thị, nhà chung cư thấp nhất là 12.000 đồng/m2/tháng và cao nhất là 28.000đồng/m2/tháng với tiêu chuẩn căn hộ chung cư thuộc quỹ nhà ở xã hội 30 - 60m2 thì chi phí thuê căn hộ chung cư từ 360.000 đồng đến 1.680.000 đồng/tháng... vì vậy, công nhân viên chức thực sự gặp khó khăn, khó có thể thuê được nhà ở xã hội.
Cũng theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cần phải khẳng định quyền có chỗ ở và quyền sở hữu đối với nhà ở là một quyền cơ bản của con người.
Nhà là điều kiện đầu tiên để phát triển nguồn lực con người, một yếu tố hết sức quan trọng để phát triển sản xuất. Việc chăm lo, cải thiện chỗ ở cho công nhân viên chức - lao động thu nhập thấp, nhất là công nhân lao động trong các khu công nghiệp cần phải xác định rõ trách nhiệm Nhà nước, chủ doanh nghiệp và của người lao động.
Chính sách nhà ở hướng tới rút ngắn độ chênh lệch quá lớn về chỗ ở giữa các đối tượng. Nhà nước tạo điều kiện cho công nhân viên chức - lao động cải thiện chỗ ở thông qua các chính sách về đất ở, chính sách tài chính, chính sách đầu tư, chính sách phát triển hạ tầng và các chính sách ưu đãi khác...