Công nghiệp tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững
Các Website khác - 09/01/2006
Công nghiệp chế biến TPHCM chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu ngành công nghiệp TP: Năm 2000 chiếm 79,7% năm 2005 tăng lên 84,9%. Trong ảnh: Chế biến xúc xích tại Công ty Vissan Ảnh: H.THÚY
Năm 2005 tỉ trọng hàng công nghiệp chiếm 76% trong kim ngạch xuất khẩu VN. Đến năm 2010, tỉ trọng này sẽ được nâng lên 80%

Cuối tuần rồi, tại TPHCM, Bộ Công nghiệp đã tổ chức hội nghị đánh giá lại tình hình phát triển công nghiệp 2001-2005 và định hướng kế hoạch 2006-2010. Theo đánh giá của Bộ Công nghiệp, thời gian qua, ngành công nghiệp cả nước đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững. Vì vậy, ngành công nghiệp trong thời gian tới phải phát triển theo một cơ cấu mới.

Tháo gỡ cơ chế, cải cách thủ tục hành chính

Tại hội nghị, Bộ trưởng Hoàng Trung Hải đã chỉ ra khá rõ những tồn tại của ngành công nghiệp. Đến thời điểm này, quản lý Nhà nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của doanh nghiệp (DN). Công nghiệp tuy có tốc độ tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững. Giá trị gia tăng trong công nghiệp đạt thấp, bình quân trong 5 năm qua chỉ đạt 10,3% mỗi năm. Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, năng suất lao động thấp, hàm lượng tri thức trong sản phẩm thấp, chưa có thương hiệu... Trong khi đó, các dự án đầu tư mới triển khai rất chậm, số dự án thực hiện đúng tiến độ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Đổi mới công nghệ mới chỉ đạt bình quân 10% mỗi năm. Trong khi các nước xung quanh, tốc độ này là 20% - 30%. Công tác quy hoạch chậm, rất lúng túng, ngay cả cơ quan bộ. Đến khi có quy hoạch rồi thì quản lý sau quy hoạch kém.

Ông Hoàng Trung Hải đã đưa ra thí dụ: Khi còn là DN Nhà nước, mỗi năm, nhựa Bình Minh kiếm lãi vài tỉ đồng là quá khó. Sau khi cổ phần hóa, lãi mỗi năm của DN này hơn 20 tỉ đồng lại dễ thực hiện hơn. Vì vậy, theo ông Hoàng Trung Hải, tháo gỡ cơ chế, cải cách thủ tục hành chính sẽ là những vấn đề được Bộ Công nghiệp tập trung trong thời gian tới.

Lấy xuất khẩu làm mục tiêu phát triển công nghiệp

Bộ trưởng Hoàng Trung Hải đã khẳng định, công nghiệp VN đã qua thời kỳ sản xuất thay thế hàng nhập khẩu.

Theo định hướng kế hoạch 5 năm 2006-2010, lấy xuất khẩu làm mục tiêu phát triển công nghiệp và là thước đo khả năng hội nhập chủ động vào khu vực và quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, ông Bùi Xuân Khu, đã cụ thể hóa định hướng này. Nhóm ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh khi hội nhập được xác định là chế biến nông lâm thủy sản, dệt may, da giày, lắp ráp cơ điện tử, đóng tàu. Cụ thể hơn, đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của hàng dệt may phấn đấu đạt 9 - 10 tỉ USD. Nhưng mặt hàng này phải tăng dần sản phẩm có giá trị cao, hàng thời trang, tăng dần tỉ lệ nội địa hóa trong hàng xuất khẩu.

Nhóm ngành được xác định có vai trò quan trọng, tăng khả năng độc lập, tự chủ của nền kinh tế sẽ được tập trung đầu tư là: điện, dầu khí, than, hóa chất cơ bản, khai khoáng, cơ khí. Mục tiêu của nhóm ngành này đến năm 2010 là: sản lượng điện sản xuất tăng bình quân 15% - 17% mỗi năm. Đáp ứng được khoảng 30% - 35% nhu cầu xăng dầu và 20% - 30% nhu cầu chất dẻo. Ngành than tăng sản lượng than sạch lên 40 triệu tấn, ngành thép phải cân đối được 50% phôi cho cán thép xây dựng. Ngành hóa chất phải đáp ứng 100% nhu cầu phân lân, NPK, khoảng 70% - 80% nhu cầu phân đạm. Ngành cơ khí phải nâng tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm lên 60%, đáp ứng được 50% nhu cầu chế tạo thiết bị cho nền kinh tế.

Nhóm ngành được xác định có tiềm năng phát triển trong tương lai gồm: sản xuất linh kiện điện tử, phần mềm, hóa dược, hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa, cơ khí chế tạo, nhóm sản phẩm từ công nghệ mới.

Trong đó, chỉ tiêu đến năm 2010, tỉ trọng hàng công nghiệp trong kim ngạch xuất khẩu phải được nâng từ 76% trong năm 2005 lên 80% trong 2010, tương đương 47-50 tỉ USD.

Dũng Tuấn