Công tác dân số, gia đình và trẻ em trong chiến lược con người
Các Website khác - 21/12/2005
Nguồn lực con người, tiềm năng và năng lực sáng tạo của con người là yếu tố quyết định sự phồn thịnh và phát triển của một đất nước. Ðảng ta coi con người - trước hết là tiềm năng, sức mạnh trí tuệ, tinh thần và đạo đức - là nhân tố quyết định sự phát triển, là vốn quý nhất của chúng ta trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Sự nghiệp dân số, gia đình và trẻ em là khởi nguồn của quá trình chăm lo, phát triển nhân tố con người gây dựng nguồn nhân lực ngay từ trong bào thai, từ trong môi trường gia đình; hình thành nhân cách từ tuổi ấu thơ, chuẩn bị hành trang về thể chất, trí tuệ và tinh thần cho việc khơi dậy và phát huy năng lực tiềm ẩn của con người; là nền móng cho sự tiếp nhận các giá trị văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ; cơ sở cho việc chiếm lĩnh nền kinh tế tri thức để tạo ra nguồn nhân lực ở trình độ phát triển ngày càng cao, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới.

Trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc điều chỉnh các yếu tố của dân số trong phát triển kinh tế - xã hội về quy mô, cơ cấu dân số, phân bố dân cư và có những định hướng cho việc nâng cao chất lượng dân số.

Việc thực hiện các chiến lược dân số đến năm 2000 và 2001-2010 đều hướng đến mục tiêu phục vụ cho chiến lược phát triển con người và nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Ở nước ta với quy mô dân số lớn hiện nay hơn 83 triệu người và tỷ lệ tăng dân số còn cao (năm 2005 ở mức 1,35%) dân số trẻ, tiềm năng sinh sản lớn thì việc tiếp tục điều chỉnh quy mô dân số theo mục tiêu KHHGÐ còn là vấn đề có tính chiến lược lâu dài để đạt quy mô dân số hợp lý phù hợp với điều kiện kiểm soát của nền kinh tế - xã hội. Mặt khác cũng cần xem xét đến các hệ quả của chương trình KHHGÐ, tính quy luật của xã hội như già hóa dân số, vấn đề di dân tự do, đô thị hóa ngày càng gia tăng... đòi hỏi sự phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nghiên cứu ảnh hưởng của chất lượng dân số đến phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam cho thấy, vấn đề nâng cao chất lượng dân số và phát triển nguồn nhân lực đang gặp phải những khó khăn, thách thức khi chuyển sang giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quá trình đô thị hóa và mức sống cư dân đô thị thấp hơn nhiều nước trong khu vực; Các chỉ báo cơ bản về tử vong trẻ em sơ sinh và tuổi thọ bình quân chỉ ở mức trung bình so với các nước Ðông-Nam Á; Trình độ học vấn giữa nam và nữ, thành thị và nông thôn chênh lệch đáng kể; Phân bố dân cư và lực lượng lao động còn nhiều bất hợp lý so với nhu cầu và tiềm năng phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các vùng lãnh thổ, các khu vực kinh tế; Cơ cấu và chất lượng lao động chuyển dịch còn chậm, còn nhiều hạn chế trong định hướng nghề nghiệp và tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp; Tỷ lệ thất nghiệp hữu hình cũng như vô hình ở thành thị và tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn còn cao...

Sức ép về việc làm và mặt trái của nền kinh tế thị trường đang làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu nâng cao chất lượng dân số và phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.

Công tác dân số gắn liền với công tác gia đình và chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Cả ba lĩnh vực này là một khối thống nhất đang được triển khai đồng bộ các chiến lược và chương trình hành động quốc gia ngắn hạn, dài hạn, với những thành tựu quan trọng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, chuẩn bị những điều kiện cơ bản, đồng hành cùng văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển, là những lĩnh vực quan trọng trong chiến lược con người.

Gia đình thúc đẩy sự phát triển của xã hội thông qua việc thực hiện chức năng tái sản xuất ra con người, duy trì nòi giống, cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội và tái sản xuất ra sức lao động thông qua việc nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho các thành viên. Chính gia đình là tổ chức xã hội đầu tiên có khả năng nhất trong việc chăm lo cho sự phát triển của mỗi con người cả về thể chất, trí tuệ, tình cảm tâm lý. Sự tác động của gia đình đối với sự hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách và năng lực con người được diễn ra ngay từ khi đứa trẻ còn là bào thai và trong suốt quá trình sinh trưởng, cho đến khi trở thành người lớn có khả năng tự chủ hoàn toàn.

Vai trò của gia đình ngày càng được khẳng định, đề cao trong chức năng giáo dục, xã hội hóa trẻ em. Tâm lý thụ động, phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường, các tổ chức xã hội, thậm chí cho người giúp việc hay trông trẻ sẽ dần được khắc phục.

Cùng với việc giảm mức sinh, giảm quy mô gia đình, chất lượng của đứa con sẽ là vấn đề được quan tâm hàng đầu của các gia đình trong thời gian tới. Trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở thành phố sẽ được tạo những điều kiện tốt nhất cho việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục và phát triển cả về thể chất và tinh thần. Các bậc cha mẹ từ kỳ vọng về kinh tế đối với con cái sẽ chuyển sang kỳ vọng về tinh thần với mong muốn con cái được phát triển và hoàn thiện.

Tuy nhiên, sự phân tầng xã hội và phân hóa giàu nghèo dưới tác động của kinh tế thị trường, tác động của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế sẽ dẫn đến những biến đổi rất đa dạng của gia đình làm nảy sinh nhiều vấn đề mới liên quan đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tình trạng ly hôn gia tăng, nhịp độ cuộc sống căng thẳng làm cho vợ chồng ít thời gian quan tâm đến con cái. Trong khi một số nhóm trẻ em có được những điều kiện vật chất và tinh thần tốt từ phía gia đình để phát triển thì những nhóm trẻ em khác lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi, thiếu sự quan tâm chăm sóc, giáo dục của gia đình, vì điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn phải bỏ học, lao động sớm, bị lạm dụng hoặc sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Chức năng chăm sóc, xã hội hóa trẻ em sẽ bị thách thức. Gia đình là thành trì phòng chống tệ nạn xã hội, nhưng cũng có thể là môi trường làm nảy sinh tệ nạn xã hội, nếu không quan tâm xây dựng, củng cố, ổn định và phát triển gia đình.

Trong khi đó, nhiều cấp ủy đảng ở cơ sở chưa đặt vấn đề xây dựng gia đình là nhiệm vụ quan trọng; do vậy còn thiếu sự quan tâm chỉ đạo, chưa tạo cơ hội cho gia đình làm tròn bổn phận với xã hội và trách nhiệm bảo vệ chăm sóc và giáo dục con em mình.

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em xác định: "Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, tương lai của đất nước, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, cần đặc biệt ưu tiên bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".

Nghị quyết ÐH Ðảng toàn quốc lần thứ IX cũng chỉ rõ: "Chính sách chăm sóc và bảo vệ trẻ em tập trung vào việc thực hiện quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh, phát triển hài hòa về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức; trẻ em mồ côi, bị khuyết tật, sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cơ hội học tập và vui chơi".

Công tác dân số, gia đình và trẻ em đang đặt ra trước tất cả cán bộ, đảng viên của ngành dân số, gia đình và trẻ em với quyết tâm và trách nhiệm nặng nề, sự quan tâm của toàn xã hội vào sự nghiệp trồng người, dành những điều kiện tốt nhất cho trẻ em, chuẩn bị nền móng cho mọi tiềm năng và năng lực sáng tạo của con người phát triển.

Gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGÐ; Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Năm 2004, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc phê duyệt chiến lược gia đình Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010. Những chiến lược phát triển trẻ thơ, chiến lược bảo vệ trẻ em đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 đang được xây dựng.

Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển con người trong thời gian tới, các thành tố phát triển bền vững được đặc biệt chú ý: Một là tăng cường năng lực và sức khỏe để con người tham gia vào cuộc sống và các hoạt động sáng tạo, có năng suất cao; Hai là cơ hội tiếp nhận sự công bằng xã hội do tăng trưởng kinh tế mang lại; Ba là bảo đảm tính bền vững trong phát triển, không tác động tiêu cực đến thế hệ tương lai và môi trường tự nhiên, môi trường xã hội; Bốn là cơ hội tham gia vào sự phát triển, quyết định các quy trình tác động tới cuộc sống bản thân của chính con người, là sự phát triển bởi con người.

Với những nỗ lực to lớn của sự nghiệp DS,GÐ&TE, những tố chất con người cần thiết ngày càng được vun đắp, tạo tiền đề quan trọng để cùng với văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ bồi đắp tiềm năng con người. Ðó là một chu trình nối tiếp, đan xen và bổ trợ lẫn nhau, tác động đến đối tượng con người, khơi dậy, phát huy và hun đúc nên năng lực sáng tạo của con người.

Bộ trưởng LÊ THỊ THU