Người ta thấy ông giúp đỡ những bà mẹ sinh con không có bảo hiểm, những thanh niên đau ốm không tìm được nơi chữa bệnh..., ông có mặt trong những buổi sinh hoạt, những lễ kỷ niệm, trong các đám giỗ của người Việt...
Trong khoảng 20.000 người Việt sinh sống tại Ba Lan, ngoài những khó khăn thường nhật của cuộc mưu sinh trên đất khách, cộng đồng người Công giáo Việt Nam còn gặp không ít khó khăn trong đời sống tâm linh.
Năm 1996, cuộc gặp gỡ tình cờ giữa cha Edward Osiecki với một người Công giáo Việt Nam trên Sân vận động Mười năm đã mang đến những thay đổi lớn: Cha Edward Osiecki được biết tại Ba Lan, có hàng trăm tín đồ Công giáo Việt Nam. Hiểu rõ những khó khăn của cộng đồng người nước ngoài khi đến với Ba Lan, cha Edward Osiecki thấy cần tập hợp họ lại để giúp đỡ trong cuộc sống cũng như giúp họ thực hiện nghĩa vụ của một con chiên kính Chúa.
Lúc đầu, cha tập hợp được khoảng 30 người, con số dần tăng lên đáng kể. Với sự giúp dỡ của cha, hơn 300 người Công giáo Việt Nam tại Ba Lan được giám mục địa phận Warszawa - Praga Kazimierz Romaniuk công nhận. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi ở một đất nước đại đa số người dân theo Thiên Chúa giáo như Ba Lan, việc công nhận này có giá trị như một văn bản đối với cơ quan nhà nước, đặc biệt có giá trị về mặt tình cảm của người Ba Lan với người Công giáo Việt nói riêng và cộng đồng người Việt nói chung.
Cha Edward Osiecki đã tốt nghiệp trường dòng với danh hiệu Linh mục từ năm 1973. Sau một thời gian làm việc tại Ba Lan, cha đã xin đến làm việc tại đất nước Papua New Guine. Đến năm 1994, sau 10 năm sống ở nước ngoài, cha Edward Osiecki trở về Ba Lan.
"Giúp người gặp khó khăn, tôi không phân biệt là người nước nào, có xu hướng chính trị và tôn giáo gì", cha luôn nói thế.
Khởi đầu bằng cuộc gặp gỡ với một người Công giáo Việt Nam, cha Edward Osiecki dần có quan hệ với nhiều tổ chức, cá nhân người Việt, tình cảm giữa cha với cộng đồng người Việt càng trở nên gắn bó khi ông khám phá ra nhiều đức tính tốt đẹp của những người Việt. Từ những bà mẹ sinh con không có bảo hiểm, một người nào đó ốm đau chưa tìm được nơi chạy chữa cho đến những người không có giấy tờ bị giam giữ cần được động viên thăm hỏi hay cần giúp đỡ để làm thủ tục xin giấy tờ..., bất kỳ trường hợp người Việt nào gặp khó khăn đều được cha tận tình giúp đỡ.
Khi được hỏi về những việc đã làm, vị Linh mục trả lời: "Những việc đã qua chẳng có gì ấn tượng và đặc biệt cả, những việc đang đến mới là quan trọng. Tôi luôn chờ những cú điện thoại nói là cần cha tới, thế là tôi lên đường".
Ngay cả đối với chính quyền hay báo giới, Linh mục Osiecki cũng không quản ngại thời gian và công sức để lên tiếng bênh vực cộng đồng người Việt. Theo sáng kiến của cha, tháng 9-2005, "Trung tâm người di tản" đã ra đời, đóng trụ sở tại phố Ostrobramska, nơi đây có các phòng tư vấn về pháp luật, dạy tiếng Ba Lan, có phòng giới thiệu văn hóa Việt Nam, văn hóa Trung Quốc... nhằm giúp dỡ những ngoại kiều cũng như để người Ba Lan hiểu thêm về ngoại kiều, trong đó có Việt Nam.
Là một Linh mục Thiên Chúa giáo, nhưng cha rất tích cực ủng hộ việc cộng đồng người Việt xây chùa tại Ba Lan, bởi cha luôn quan niệm: Người tốt không chỉ là người đi nhà thờ, người tốt có cả những người theo đạo Phật và những tôn giáo khác. Cha Osiecki rất mừng khi đầu năm 2005, một ngôi chùa Việt Nam đã được xây dựng tại thủ đô Warsaw.
Bỏ rất nhiều công sức trong giúp đỡ người Việt, đổi lại Linh mục Osiecki được nhận những gì? Ông luôn là khách mời trân trọng trong những buổi sinh hoạt của cộng đồng người Việt, trong những ngày lễ, trong đám cưới, thậm chí, cả... đám giỗ hay những buổi liên hoan nho nhỏ!
|