Trong những thắng lợi to lớn và toàn diện của sự nghiệp Ðổi mới Ðất nước dưới sự lãnh đạo của Ðảng ta gần hai thập kỷ qua, không thể không kể đến những thắng lợi của sự nghiệp ấy về tư duy lý luận, đường lối và chính sách tôn giáo.
Kể từ khi có Nghị quyết 24/NQ/TƯ ngày 16-10-1990 của Bộ Chính trị (khóa VI) về "Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới", lần đầu tiên trong lịch sử Ðảng ta, vấn đề tôn giáo được nhìn nhận, xem xét với tư duy mới, nhận thức mới. Không chỉ có những luận điểm có "tính đột phá" trong nhận thức, Ðảng và Nhà nước ta còn có hàng loạt chính sách đổi mới về tôn giáo, góp phần quyết định tạo ra sự ổn định và có nhiều điểm sáng trong đời sống ở nước ta, giải quyết tốt hơn mối quan hệ Ðạo - Ðời.
Tuy nhiên để tiếp tục sự nghiệp đổi mới, trong khuôn khổ toàn dân góp ý Văn kiện Ðại hội X (Dự thảo), chúng tôi xin có thêm một số ý kiến sau:
Ðể tiếp tục đổi mới tư duy về tôn giáo và công tác tôn giáo, phải chăng trước mắt chúng ta đề cập những vấn đề dưới đây?
Thứ nhất, chúng ta đã thừa nhận tôn giáo còn là một thực tại xã hội, thậm chí nó có thể đồng hành lâu dài với dân tộc và với Chủ nghĩa Xã hội. Tư duy lý luận của chúng ta phải tiến thêm một bước quan trọng khác, một luận đề có tính "đột phá" khác là, để tôn giáo - "thực thể xã hội" ấy có thể thích ứng với Chủ nghĩa Xã hội (phải tạo cho nó khả năng tham gia tích cực hơn vào một số lĩnh vực xã hội thích hợp, đóng góp vào việc xây dựng phát triển đất nước và thỏa mãn nhu cầu của đời sống tôn giáo.
Tiền đề lý luận khách quan là: trong bối cảnh Toàn cầu hóa, hiện đại hóa, mọi tôn giáo đều có khuynh hướng trở thành "tôn giáo xã hội", thích ứng và hội nhập xã hội ngày càng cao.
Vì những lý do lịch sử và thói quen trong tư duy chính trị, ở Việt Nam, nói chung các tổ chức tôn giáo, dù đã có tư cách pháp nhân (hiện đã có 15 tổ chức tôn giáo thuộc 6 tôn giáo lớn) vẫn chưa thật sự được coi như những "tổ chức xã hội" thông thường về mặt dân sự, và chưa thật hòa nhập vào các lĩnh vực hoạt động như giáo dục, y tế, từ thiện, kinh tế... với tư cách một chủ thể pháp nhân. Mức độ được tham gia hiện nay của các tôn giáo là vẫn còn khiêm tốn. Ðiều này khiến Luật pháp về Tôn giáo ở Việt Nam còn có những điểm khác với thông lệ quốc tế.
Ðây là vấn đề cấp thiết, cần có sự nghiên cứu đầy đủ, toàn diện hơn.
Nhưng dù sao Nhà nước cần tính đến khả năng "nới rộng" hơn một cách thích hợp.
Dĩ nhiên, từng bước một. Chẳng hạn, tới đây các tổ chức tôn giáo có thể tham gia mở trường phổ thông dân lập ở các cấp thấp, bệnh viện tư (loại chữa trị các bệnh đặc biệt)... Lẽ dĩ nhiên mọi hoạt động này đều trong khuôn khổ Luật pháp Nhà nước.
Dù điều này là phức tạp, nhiều trở lực xã hội và tâm lý, nhưng đây là con đường hiệu nghiệm để chứng tỏ Ðảng và Nhà nước ta thực sự tạo cho tôn giáo một đời sống xã hội bình thường, tôn giáo là việc tư nhân và các tổ chức tôn giáo phải được xem là "các tổ chức xã hội đặc biệt" như những hiệp hội... theo lối nhìn của nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới.
Thứ hai, trong bối cảnh hiện nay, tôn giáo nước ta đã và đang có những biến đổi, những tác động sâu sắc, mới mẻ trên mọi phương diện.
Muốn tiếp tục đổi mới tư duy về vấn đề tôn giáo phải thích ứng hơn nữa với điều này. Cần khắc phục lối nhìn tôn giáo "kiểu thế kỷ 19 đầu 20" trong đó thường đồng nhất tôn giáo và chính trị. Tư duy về tôn giáo hiện nay cần mở rộng hơn, hướng đến những phương diện nhân văn, văn hóa và tâm linh của con người ("Sự trở lại của tâm thức tôn giáo". Hơn thế nữa, còn phải thấy được những loại hình tôn giáo mới chưa từng có: những "tôn giáo cá thể", "tôn giáo của những niềm tin song song"... Những hiện tượng mới này ít nhiều phản ánh sự đòi hỏi của yêu cầu dân chủ hóa trên bình diện toàn cầu, trong đó có lĩnh vực tôn giáo.
Với các tôn giáo lớn đã trở thành truyền thống, chúng ta cũng cần nghiên cứu các khuynh hướng thần học mới tiến bộ, khai thác những mặt tích cực của nó, đồng thời hạn chế đi đến loại bỏ xu hướng lợi dụng tôn giáo vào các mưu đồ chính trị thù địch: khuyến khích xu hướng Thế tục hóa đi liền với sự cảnh giác trước xu thế Giải thế tục như đã nói trên.
Thứ ba, giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước và các giáo hội.
Trong những năm qua chúng ta có rất nhiều thành tựu về vấn đề này do chỗ Ðảng ta trên nền tảng Tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm chắc đặc điểm dân tộc, yếu tố dân tộc của cách mạng Việt Nam, tránh được phần lớn những sai lầm, thiếu sót về vấn đề tôn giáo trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Ðặc biệt từ 1990 đến nay, lần đầu tiên Ðảng ta đã chuyển nhận thức công tác tôn giáo từ phạm trù nội chính, qua phạm trù công tác dân vận, tạo nên một cục diện mới, được đồng bào các tôn giáo (xuất hiện cụm từ "đồng bào có đạo") đón nhận, tạo nên bầu không khí phấn khởi, thuận lợi hơn cho quan hệ Nhà nước với các tổ chức tôn giáo.
Hiện nay, vấn đề then chốt để tiếp tục đổi mới về tôn giáo là phải đặt mối quan hệ này trong vấn đề nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bình thường hóa và pháp trị. Càng làm tốt điều này đời sống tôn giáo càng ổn định vững chắc và xây đắp hơn đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo. Cần tiếp tục hoàn thiện luật pháp tôn giáo, triển khai có hiệu quả hơn đường lối chính sách đổi mới của Ðảng, Nhà nước ta nhằm tạo ra sự thông thoáng, cởi gỡ những ách tắc của công tác tôn giáo và trong các quan hệ quốc tế.
Giáo sư, Tiến sĩ ÐỖ QUANG HƯNG Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo
|