Hiện nay các mặt hàng như than, xi-măng, sắt, thép, phân bón, xăng, dầu... là những mặt hàng được coi là tương đối "nhạy cảm" với thị trường. Chỉ cần một mặt hàng tăng giá là lập tức các sản phẩm khác cũng có những lý do này, lý do khác để điều chỉnh giá theo, một phần bởi các mặt hàng này sử dụng khá nhiều điện để sản xuất ra sản phẩm, mặt khác đây là những mặt hàng lâu nay vẫn được coi là sản phẩm xương sống của nền kinh tế quốc dân. Cũng như ngành điện, giá các mặt hàng than, xi-măng, khi tăng, thậm chí giảm đều phải chịu sự điều tiết của Nhà nước, tùy thuộc vào thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, khi giá sắt thép trên thị trường đang tăng; giá xi-măng sau gần 10 năm không điều chỉnh giá, nay đang chịu sức ép tăng giá rất lớn; giá phân bón cũng trong tình trạng tương tự.
Việc ngành điện điều chỉnh giá là cần thiết, tuy nhiên điều chỉnh như thế nào để vừa bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành điện, cũng như không tác động tiêu cực đến các lĩnh vực nhạy cảm khác. Theo tôi, ngành điện có thể điều chỉnh giá, tăng giá điện sử dụng ở những giờ cao điểm, ở các lĩnh vực hoạt động giải trí, văn hóa, thể thao, nhà hàng khách sạn...; có phương án giá hợp lý, nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng điện trong giờ thấp điểm, và điều chỉnh giá theo một lộ trình phù hợp một số mặt hàng "nhạy cảm" như than, xi-măng, sắt, thép, phân bón... cũng là góp phần ổn định thị trường trong nước.
|