![]() |
Kho bãi số 33 Nguyễn Hữu Thoại đã biến mất, thay vào đó là 6 căn nhà lầu |
Trong 5 kho bãi được thanh tra, ngoại trừ kho 371 đang bị tranh chấp, còn lại 4 nơi khác đều đã bị những người có trách nhiệm “phù phép” thành những khu dân cư có giá ở quận Bình Thạnh, TP HCM.
Sáng 31/8, đoàn thanh tra các kho bãi TP HCM đã đi khảo sát thực địa 5 kho bãi bị chiếm dụng nằm trên địa bàn quận Bình Thạnh, gồm: Kho 299 Bùi Hữu Nghĩa, 371 Nơ Trang Long, 33 Nguyễn Hữu Thoại, 552 và 555 Bình Quới.
Dù đã được báo cáo trước về sự “thay da, đổi thịt” của kho bãi 552 Bình Quới, song các thành viên trong đoàn thanh tra đều ngỡ ngàng trước quy mô của khu nhà ở được xây dựng trên khu đất trước đây là nhà kho. Kho bãi này vốn được Công ty Dịch vụ ăn uống quận Bình Thạnh thuê của Công ty Kho bãi TP, đến năm 1991 chiếm giữ làm tài sản của mình. Sau đó, được UBND quận Bình Thạnh “bật đèn xanh”, Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà quận Bình Thạnh "xẻ thịt" khu đất bằng cách phân lô hơn 20 nền bán cho người có nhu cầu xây nhà ở.
Hiện trên kho bãi này có hơn 20 căn nhà xây kiên cố, chưa kể một số nền đất trống. Khi được hỏi giá nhà, đất tại đây, một người dân nói: “Giá cao lắm, mấy anh mua không nổi đâu!”. Chỉ tay về phía một nền đất trống cỏ mọc um tùm, có diện tích khoảng 50 m2, anh nói tiếp: “Đã có mấy người tới trả nền đất này 150 lượng vàng mà chủ nhà còn chưa muốn bán”.
Trong khi giá đất ở quận Bình Thạnh có giá như vậy thì một khu đất rộng gần 1.500 m2 tại số 371 Nơ Trang Long nằm trong số kho bãi bị sử dụng lãng phí. Do bị tranh chấp, cả khu đất này đang bị bỏ hoang từ nhiều năm qua, trong khi theo giới kinh doanh địa ốc ở quận Bình Thạnh, hiện giá thị trường khu đất này không dưới 20 tỉ đồng, còn nếu cho thuê làm kho thì mỗi tháng cũng thu hàng chục triệu đồng.
Còn kho bãi 555 Bình Quới (diện tích gần 3.000 m2) trước đây được Công ty Kho bãi cho Công ty Thương nghiệp Tổng hợp quận Bình Thạnh thuê từ năm 1991. Cũng như kho 552 đối diện bên kia đường, kho 555 bị chiếm rồi sau đó được UBND quận Bình Thạnh giao cho Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà quận Bình Thạnh cải tạo thành khu nhà ở. Tuy nhiên, thay vì làm nhà ở, kho bãi bị biến khu thương mại cao cấp với đầy đủ nhà hàng, khách sạn... Đoàn thanh tra đếm được có 14 căn nhà 1 trệt, 3 lầu. Một chủ hộ tại đây nhìn đoàn thanh tra bằng ánh mắt dò xét rồi cho biết toàn bộ số nhà ở tại đây đều có giấy tờ hợp lệ. Một thành viên trong đoàn thanh tra hỏi: “Ai cấp phép xây dựng cho các căn nhà tại đây?” – “Mấy anh cứ hỏi “ông” quận Bình Thạnh sẽ rõ!”, một người dân nói.
Cũng tại quận Bình Thạnh, người ta không còn nhận ra kho bãi số 33 Nguyễn Hữu Thoại (gần 1.200 m2), bởi thay vào đó là 6 căn nhà lầu. Còn kho 299 Bùi Hữu Nghĩa (305 m2) trở thành cây xăng.
Một cán bộ Công ty Kho bãi thành phố cho biết đã nhiều lần đơn vị đề nghị UBND quận Bình Thạnh xác minh việc sử dụng một số kho bãi nằm trên địa bàn quận đã bị biến thành nhà ở, nhưng họ chỉ nhận được... sự im lặng từ lãnh đạo địa phương. “Lần này thì khác, chúng tôi sẽ truy tới cùng để làm rõ ai đã ký quyết định cho kho bãi thành nhà ở, ai cấp giấy chủ quyền nhà ở, ai cấp giấy phép xây dựng, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước ra sao? Từ đó trách nhiệm sẽ được làm sáng tỏ”- một cán bộ Thanh tra TPHCM nhấn mạnh. Theo cán bộ này, đoàn thanh tra đã yêu cầu UBND quận Bình Thạnh nhanh chóng báo cáo, cung cấp nguồn gốc, hồ sơ pháp lý và quá trình quản lý sử dụng kho bãi trên để làm rõ. Nếu UBND quận Bình Thạnh tiếp tục im lặng thì sẽ báo cáo UBND TPHCM xử lý.
(Theo Người Lao Động)
▪ Chân dung ông chủ kho báu (03/09/2005)
▪ Đề nghị truy tố 2 bị can (01/09/2005)
▪ Bắt tạm giam chủ nhiệm HTX Vận tải Mê Kông (01/09/2005)
▪ Tỉ phú cao su (01/09/2005)
▪ Chỉ có 30 ô tô mua vé tháng đậu xe tại khu trung tâm (02/09/2005)
▪ Khánh thành Công viên Thanh niên Gia Định (02/09/2005)
▪ Người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay vốn làm ăn (02/09/2005)
▪ Lượng khách ở bến xe, bến phà tăng đột biến (03/09/2005)
▪ Xe điên gây 4 vụ tai nạn (03/09/2005)
▪ Thiết kế đô thị “rượt” theo nhà (04/09/2005)