Đầu năm, lao động ngẩn ngơ ra phố
Các Website khác - 05/02/2009
 Tại Bến xe phía Nam- Hà Nội tuy cảnh người lao động trở lại sau Tết không ở mức nhộn nhạo như các năm trước nhưng vẫn đông đúc hơn ngày thường. Tuy nhiên, ai cũng có tâm lý chung: Trở lại nhưng chưa biết làm gì.
Suy thoái kinh tế thế giới khiến nhiều liên doanh tại Việt Nam đã cắt giảm nhân công để duy trì sản xuất. Từ trước tết, hàng nghìn lao động đã và sắp mất việc làm. Đầu năm mới, một không khí ảm đạm, thưa thớt bao trùm khắp các khu công nghiệp ở Hà Nội.
 
Nỗi lo chưa biết mưu sinh bằng cách nào. (Ảnh: Q.T)
 
Sau Tết, nhà trọ “vắng như chùa bà Đanh”...
 
Mùng 10 Tết (4/2), nhiều dãy phòng trọ cho công nhân (CN) thuê vẫn vắng tanh, cửa im ỉm khoá. Khu nhà trọ cho CN thuê gần Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), hầu hết đều khoá cửa phòng.
 
Ông Tình, chủ dãy nhà trọ ở Đông Anh ngao ngán: Trước Tết, CN thuê nhà trọ đa số trả phòng về quê hết. Hiện tại, dãy phòng trọ của ông chỉ mới vài phòng có CN trở lại. Ở một số khu nhà trọ khác, phòng trống cũng còn khá nhiều. Mấy năm trước, mùng 4, mùng 5 Tết, CN đã ùn ùn kéo nhau đi làm để nhận tiền lì xì đầu năm. Năm nay, đã mùng 10 Tết nhưng nhiều công ty vẫn đóng cửa.
 
Thời buổi kinh tế khó khăn, để cân đối thu chi, nhiều công ty đã tiến hành giảm nhân công bằng nhiều cách. Công ty Nissei thông báo: Tổng số công nhân trong công ty là 3.600 người, từ tháng 10/2008 đến nay, công ty đã tiến hành 3 đợt giảm nhân công. Trước tết, các công ty đã cắt giảm công nhân nhưng sang năm 2009, tình hình không có biến chuyển theo chiều hướng khá hơn. Biết được tình hình nên rất nhiều công nhân đã về quê luôn, không quay trở lại nữa.
 
Trở lại cũng chưa biết làm gì
 
Tại Bến xe phía Nam- Hà Nội tuy cảnh người lao động trở lại sau Tết không ở mức nhộn nhạo như các năm trước nhưng vẫn đông đúc hơn ngày thường. Tuy nhiên, ai cũng có tâm lý chung: Trở lại nhưng chưa biết làm gì.
 
Chị Nguyễn Thị Phượng (quê Thái Bình) trước Tết làm cho công ty Canon, rồi mất việc. Chị về quê ăn Tết với gia đình, sau Tết trở lại Hà Nội. Chị rầu rĩ: “Ra Hà Nội làm được 4 năm, 3 lần trước đến ngày về quê ăn Tết là háo hức chuẩn bị từ mấy tháng trước. Rồi hẹn hò với mấy chị em cùng làng mua vé về chung cho vui. Không khí được về quê thật rôm rả. Năm nay thì ngược lại. Về mà thấy hoang mang vì thất nghiệp. Mọi người về lẻ tẻ chứ chẳng ai đợi được ai như năm ngoái”.
 
Cách đây gần 2 tháng, công ty cắt giảm nhân công, đột nhiên chị trở thành người thất nghiệp. Nếu cứ ở lại thì sẽ không có tiền tiêu nên được mẹ động viên, chị gom góp những đồng tiền cuối cùng đủ mua vé xe. Chị ngậm ngùi: “Về mà chẳng biết ra Tết có việc lại được không nên tôi thấy nản lắm!  Nhưng mặc kệ, cứ ra đã rồi tính sau. Việc gì cũng làm. Ở quê thì biết làm gì? Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành  phố!?”.
 

Số ít công nhân quay trở lại khu công nghiệp. (Ảnh: Q.T)

 
Cùng quê với chị Phượng,  anh Trần Trung Chiến đã về quê trước đó cả tháng do công ty ngừng hoạt động. Anh Chiến cho biết: “Suy đi tính lại, tốt hơn hết là quay lại Hà Nội kiếm việc gì đó chứ ở nhà cấy mấy sào ruộng cũng vất vả như nhau nhưng ít tiền hơn”. Do vậy mà trong khi chưa kiếm được việc mới, ăn Tết xong, anh Chiến đã mang chiếc xe máy Tàu ra kiếm chỗ nào đó hành nghề xe ôm. “Nếu thấy tình hình khả quan thì trụ lại, còn không thì ở nhà tiếp tục làm... nông dân”, anh nói với vẻ dửng dưng, bất cần nhưng đầy  chua chát. Cũng như bao người khác,  anh Chiến ra Hà Nội mấy năm nay để mong thoát khổ, thoát nghèo. Tha hương bao nhiêu năm nhưng lại trở về với hai bàn tay trắng và sắp tới chắc lại phải “con trâu đi trước...”.
 
Trong khi đứng chờ xe bus tới, vợ chồng anh Dương (quê Thanh Hoá) cho biết: “Trước tết, chúng tôi đã trả phòng trọ và quyết định về luôn, chấm dứt đời công nhân sau khi cả vợ lẫn chồng đều bị thất nghiệp. Hơn 2 năm nay, vợ chồng tôi đã phải gửi con lại quê mà việc thì bấp bênh lúc có lúc không. Nghe nói qua Tết tình hình cũng chẳng khá hơn nên chúng tôi quyết định về quê làm ruộng”.
 
Vợ chồng anh Dương (quê Nam Định) có một con gái 3 tuổi nhưng phải gửi về quê cho ông bà nuôi giúp vì chi phí gửi trẻ trên này quá cao, hai vợ chồng đi làm nhưng cũng không đủ lo cho con.  Nhưng vừa rồi, công ty của anh chị ngừng sản xuất, hai vợ chồng quyết định từ giã đời công nhân, trở về quê. Về quê được một thời gian thấy khó khăn nên vợ chồng anh ăn tết xong lại khăn gói ra Hà Nội kiếm kế sinh nhai. Chưa biết thuê trọ chỗ nào nên tạm thời vợ chồng anh phải ở nhờ nhà bà con.
 
Không chỉ chị Phượng, anh Chiến, vợ chồng anh Dương, rất nhiều công nhân khác tuy đã mất việc nhưng sau tết đã quyết định trở lại thủ đô kiếm sống cho dù... chưa biết làm gì!
 

Hết Tết, nhiều lao động nông thôn lại ra phố tìm việc. (Ảnh: Q.T)

 
“Tiến thoái lưỡng nan”
 
Gặp chúng tôi trong quán cà phê ở làng Sáp Mai, xã Võng La gần KCN Bắc Thăng Long, chị Nguyễn Thị Đông (quê Nam Định) tần ngần:“ Tuy không nằm trong diện những công nhân bị sa thải nhưng phần đông công nhân như em đều lâm vào cuộc sống rất chật vật. Lương công nhân cơ bản mỗi tháng được gần 1,2 triệu đồng, mà chỉ được hưởng 70%. Tiền nhà, tiền chợ búa ăn uống cũng đã hết quá từng đó rồi, những người chịu khó bám trụ như em thì đại đa số phải đi làm thêm bên ngoài”.
 
Chị Đông ngậm ngùi: “Chẳng ai muốn đi phụ quán cà phê, karaoke cả đâu anh ạ, nhất là đối với những người đang có công ăn việc làm là công nhân như bọn em. Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn, không làm thêm thì không có tiền. Em còn có 2 đứa em đang tuổi ăn học ở quê  nữa, chị đi làm cả năm về mà không góp vào cho bố mẹ được đồng nào giúp bố mẹ nuôi em ăn học thì có lỗi với em, với bố mẹ lắm”.
 
Chị Đông tính, mỗi tháng lương công nhân được 1 triệu đồng, trừ tiền thuê nhà, chợ búa và những thứ cần thiết chi tiêu thì tằn tiện lắm mới góp được 200 ngàn đồng để dành. Số tiền đó chỉ đủ chi trả cho những lúc cần thiết, đau ốm vặt vãnh. Bởi thế, chị mới xin đi làm phụ bán quán cà phê.
 
Cả xóm trọ của họ mỗi ngày chỉ rôm rả vào thời điểm xế chiều, vì lúc đó công nhân mới tan ca về chuẩn bị cho bữa cơm tối. Lát sau, mỗi người lại đi một ngả làm thêm, người phụ bán quán cà phê, karaoke, người rửa bát thuê...  Tình cảnh như thế, những năm trước đây chưa từng thấy.
 

Trở lại thành phố với nhiều lo âu. (Ảnh: Q.T)

 
Gặp Hậu, quê Nghệ An, công nhân của Công ty Masuo đang thẫn thờ trên đường từ KCN Bắc Thăng Long về khu trọ làng Bầu. Hậu cho biết: “Năm nay ngành ô tô đang gặp khó khăn lớn nên công ty của em chuyên sản xuất phụ tùng ô tô cũng chịu ảnh hưởng nặng. Trong đợt giáp Tết, em vừa nhận được quyết đinh thôi việc của công ty do chính sách giảm hơn 100 công nhân dịp cuối năm. Hôm nay, em trở lại công ty xem có được gọi lại không mà vẫn không thấy”.
 
Mất việc, không có tiền nên Tết rồi Hậu đành phải ở lại nhận trông xưởng kim loại để nhận 500 nghìn đồng. Đón cái Tết thui thủi một mình với một núi sắt thép, Hậu buồn rầu: “Tết không thể về quê cùng gia đình em rất buồn, nhưng vì đã mấy tháng nay không có việc làm nên chẳng tích góp được đồng nào, em đành chấp nhận ở lại trông xưởng cho ông chủ về quê ăn tết. Gọi là kiếm tiền, cho qua mấy ngày Tết, bây giờ em sẽ đi tìm việc mới”.
 
Theo Giadinh.net