|
"Nên quy định 50 miligam/100ml máu tương ứng với bao nhiêu lít bia, rượu để lái xe biết lựa mà uống vì không phải ai cũng xác định được các thông số kỹ thuật này", ĐB Trịnh TiếnLong (Bắc Kạn) nêu ý kiến trong phiên thảo luận chiều 28/5 về Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi.
Nồng độ cồn quy ra... lítbia, rượu
Một trong những điểm gây phản ứng nhiều nhất trong ý kiến các nam ĐBQH là điều khoản nghiêm cấm đi xe ô tô, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn hoặc chất kích thích mà pháp luật cấm sử dụng.
Hoặc, điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100ml máu, hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.
"Mặc dù trên 50% vụ tai nạn có nguyên nhân từ rượu bia nhưng cấm sử dụng là thiếu tính khả thi vì tập quán uống bia rượu vẫn còn phổ biến", ĐB Huỳnh Minh Tiếp (Cần Thơ) khuyến cáo.
ĐB Trịnh Tiến Long (Bắc Kạn) nói thẳng: "Luật Giao thông đường bộ cũ đã cấm tham gia giao thông không được phép vượt quá 80 miligam/100ml máu nhưng do thiếu người và phương tiện xác định nồng độ cồn, nhiều phương tiện không đảm bảo độ chính xác, nên đến nay cũng có cấm nổi đâu?".
Chưa kể, theo ĐB Long, đây là những thông số kỹ thuật rất khó xác định. "Nên quy định 50 miligam/100ml máu tương ứng với bao nhiêu lít bia, rượu để lái xe biết lựa mà uống", ông Long đề xuất.
ĐB Hà Sơn Nhin (Gia Lai) thì dè dặt: "Luật nên tính tới thói quen và tập quán địa phương".
Còn nữ ĐB Bùi Tuyết Minh (Kiên Giang) lại tán thành: "Luật quy định như vậy sẽ hạn chế được tai nạn. Ngoài ra, cần làm rõ thêm các chất kích thích khác là chất gì mà cấm sử dụng".
ĐB Dương Hiền (Lạng Sơn) cũng ủng hộ: "Nên nghiêm cấm luôn, không cần quy định cho phép tỷ lệ nồng độ cồn, vì vẫn để nồng độ cồn như vậy nghĩa là mặc nhiên thừa nhận cho phép người uống rượu bia được tham gia điều khiển xe".
"Tỷ lệ tai nạn do rượu bia gây ra cao, lại không phải lúc nào cũng đủ lực lượng để kiểm tra được hết", ĐB này bổ sung.
Vì đường hẹp, người dân có quyền vi phạm giao thông
Quy định tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đô thị và quy hoạch giao thông là một trong những bức xúc lớn nhất của các ĐB trong phiên thảo luận chiều 28/5.
"Luật Giao thông đường bộ sửa đổi mới nói đến trách nhiệm của người tham gia giao thông mà chưa thấy nói đến trách nhiệm của cơ quan quy hoạch, đặc biệt ở các đô thị", ĐB Nguyễn Văn Luận (Cà Mau) đặt vấn đề.
Theo Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh QH, đa số thành viên trong ủy ban khi thẩm tra dự luật đều tán thành quy định tỷ lệ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng phải từ 16-26%. Bởi vì, nguyên nhân ùn tắc và tai nạn giao thông gia tăng ở các đô thị, chủ yếu vì quỹ đất dành cho giao thông quá thấp so với phương tiện lưu thông.
ĐB Luận cho rằng: "Người dân có quyền vi phạm giao thông vì làm gì có đường để đi? Đường nhỏ, xe buýt không vào được, người dân mới mua xe. Mà nhiều xe thì tắc đường".
ĐB Võ Hồng Tuyến (Bình Phước) đặt vấn đề: "Hà Nội và TP.HCM chỉ còn 24,5% quỹ đất dành cho giao thông. Nên xem lại ngay quỹ đất dành cho đô thị có còn đủ nữa không? Liệu sắp tới còn có thể đền bù, giải tỏa tiếp nữa hay không?".
Ông Tuyến yêu cầu làm rõ quỹ đất quy định như dự thảo có bao gồm cả các loại hình giao thông ngầm, giao thông trên cao hay không?. "Còn bây giờ xe hai bánh chạy sang làn đường của xe bốn bánh cũng còn không có đất mà chạy", ông Tuyến than thở.
Ách tắc giao thông: Do thiếu quy hoạch đồng bộ
Câu chuyện thiếu đồng bộ và phối hợp trong quy hoạch cũng được ĐB dẫn chứng bằng "bài ca đào đường".
"Luật nói nghiêm cấm đào, khoan trái phép nhưng lực lượng nào làm việc này? Đầu tiên là đào đường đặt cống thoát nước. Một thời gian sau là đặt dây cáp điện thoại. Một thời gian sau là thanh tra giao thông công chính đào xới để kiểm tra...", ĐB Võ Văn Liêm (Vĩnh Long) bức xúc.
Theo đó, điều này không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân mà còn cho thấy yếu kém trong quy hoạch.
ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) thẳng thắn: "Đào bới thường xuyên như vậy cũng là nguyên nhân gây ách tắc. Hệ thống quy hoạch phải luôn nằm trong quy hoạch đồng bộ với các ngành điện lực, cấp thoát nước, cáp...".
Nhiều nội dung khác của dự án luật vẫn còn gây tranh cãi như tuổi người lái các loại xe, huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã tham gia kiểm soát giao thông...
Theo VNN
▪ Tổng cục Cảnh sát tổ chức hiến máu nhân đạo (30/05/2008)
▪ Nhiều người trong một làng được thuê làm giám đốc (30/05/2008)
▪ Công nghệ làm tăm, đũa....lạnh sống lưng! (29/05/2008)
▪ Hợp tác phòng chống tội phạm ma túy giữa Việt Nam - Thái Lan: Góp phần vì một ASEAN không ma túy vào năm 2015 (29/05/2008)
▪ Dâng kiếm và trống đồng tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (29/05/2008)
▪ Thủ tướng trả lời chất vấn, đối thoại với ĐBQH (29/05/2008)
▪ Đại biểu Quốc hội chất vấn Thủ tướng chuyện lạm phát (27/05/2008)
▪ Thủ tướng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn (26/05/2008)
▪ Đề án dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện, với thành phố Hồ Chí Minh vẫn rất cần thiết (24/05/2008)
▪ Sập sàn hội trường, hơn chục người rơi xuống hầm nước (24/05/2008)