(VietNamNet) - Chiếc ca nô hiệu Mercury 75 mã lực của trạm quản lý đường sông số 3 (thuộc Khu đường sông) từ từ chồm lên, rẽ đôi làn nước đưa chúng tôi lên đường “mục sở thị” cuộc săn lùng đăng đáy cá. Công việc hàng ngày của đoàn công tác lập lại trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Xuất phát
Đúng 8h30 sáng ngày 6/9, chúng tôi có mặt tại trụ sở của trạm quản lý đường sông số 3 nằm trên dòng Kênh Tẻ thuộc P. Tân Hưng, Q7. Đón chúng tôi, trạm trưởng Ngô Đình Quang có vẻ khẩn trương thông báo còn phải đi ca nô hơn 15km nữa đến phà Bình Khánh. Ở đó, sẽ có thêm người của trạm kiểm soát số 1 thuộc phòng CSGT đường thủy thành phố phối hợp, hỗ trợ.
Ba ghe vi phạm lấn chiếm luồng tàu chạy cùng dụng cụ đăng đáy cá bị áp giải về bãi tạm giữ phương tiện đường thủy. |
“Phải có sự phối hợp kiểm tra thường xuyên của nhiều ban ngành, không làm theo phong trào mới mong dẹp được nạn đăng đáy cá lấn chiếm luồng tàu” - anh Quang nói. Tại Phòng chỉ huy của trạm kiểm soát số 1, kế hoạch tác chiến trong ngày nhanh chóng được vạch ra. 9h10, chúng tôi tiếp tục lên đường, có thêm anh Thiện và anh Non (CSGT đường thủy) đi trên ca-nô biển số CA- 5053057 gia nhập đoàn.
Chiếc ca nô phóng đi vun vút, bỏ lại phía sau những đợt sóng trăng xóa. Anh Quang ngồi cạnh chúng tôi vừa quan sát trên sông vừa cho biết, thực hiện chủ trương của UBND TP, từ năm 2000, UBND huyện Nhà Bè đã nhiều lần phối hợp với Khu đường sông, CSGT đường thủy cưỡng chế giải toả 72 hộ dân làm nghề đăng đáy cá tôm ở địa phương. Thế nhưng, chỉ được một thời gian ngắn, các hộ dân lại tiếp tục tái chiếm đóng gây mất an toàn giao thông cho các phương tiện thủy qua lại khúc sông này.
Lần gần đây nhất, lực lượng liên ngành đã tiến hành tháo dỡ 32 đăng đáy tôm cá vi phạm lấn chiếm luồng tàu và các vật cản trở giao thông đường thủy trên các tuyến sông thuộc địa bàn huyện Nhà Bè. Theo chủ trương của thành phố, hơn 180 triệu đồng từ nguồn thu xử phạt hành chính về trật tự an toàn giao thông thành phố đã được trích hỗ trợ cho những hộ dân sống lâu năm bằng nghề giăng lưới trên sông nước. Mỗi hộ được nhận hơn 5,6 triệu đồng để tự tháo dỡ các đăng đáy cá tôm, lên bờ chuyển đổi ngành nghề. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn khoảng 17 hộ sử dụng các phương tiện đăng đáy cá “thoắt ẩn, thoắt hiện” hoạt động trên sông Nhà Bè…Nói đến đây, anh nhổm người dậy chỉ tay về phía trước…
Đoàn kiểm tra đang lập biên bản vi phạm đối với chủ ghe. |
Không phải chờ đợi lâu, khi ca-nô của chúng tôi vừa quẹo qua Rạch Dơi, ngay tại ngã ba sông Đồng Điền, đoạn gần nhà máy điện Hiệp Phước (xã Long Thới), đã thấy xuất hiện 3 ghe đánh cá dàn hàng ngang giăng lưới chiếm gần trọn chiều rộng khúc sông. Cả ba ghe tính quay đầu chạy nhưng không kịp.
Anh CSGT đường thủy tên Non nhanh chóng nhảy qua ghe vi phạm, giữ chặt dây neo. Ba biên bản vi phạm về hành vi lấn chiếm luồng tàu chạy đã được lập ngay sau đó đối với chủ ghe Nguyễn Văn Út (ấp 4 xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè), Phạm Văn Công, Phạm Văn Cang (đều trú tại ấp 2, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Dụng cụ đăng đáy cá đã qua sử dụng cùng ba phương tiện bị áp giải về bãi giam giữ phương tiện đường thủy số 1 (đóng tại kênh Ngang số 1).
“Lên bờ biết sống bằng nghề gì?”
Các phương tiện dùng để đăng đáy cá ngay lập tức được yêu cầu kéo lên ghe. Anh Nguyễn Văn Út (chủ ghe vi phạm) cùng vợ chung tay kéo mẻ lưới dở dang lên.
Trưa! Mặt trời đứng bóng. Nhìn mẻ lưới lác đác vài con tôm , cua, lịch, cá bống dừa…còn lại là rác rến vừa được kéo lên, các thành viên trong đoàn chúng ai ai cũng xót xa.
Anh Thiện (một người trong đoàn) vốn quê ở Cần Giuộc (Long An) ngồi xuống sàn thuyền, thành thạo dùng dây nhựa cột càng cua, phân loại cá dùm cho “kẻ vi phạm”. Trong khoang thuyền, đứa bé trai gần một năm tuổi con anh Út khóc ré lên.
Dụng cụ đăng đáy cá được kéo lên khỏi mặt nước. |
“ Sao anh không lên bờ kiếm nghề khác sinh sống?”- chúng tôi hỏi anh Út. “ Lên bờ biết mần gì sống. Không có cái nghề trong tay, chữ nghĩa bẻ đôi cũng không biết, ai dám thuê?. Xin đi làm công nhân họ còn không cho vì chê mù chữ”- anh Út nói.
Theo anh Danh Hiền, đội trưởng đội quản lý trật tự đô thị xã Long Thới, cả xã chỉ còn khoảng 17 hộ còn sinh sống bằng nghề đăng đáy cá. Chính quyền địa phương đã nhiều lận vận động, giải thích cho họ về những nguy hại của việc sử dụng các công cụ đăng đáy cá lấn chiếm lòng sông.
Và số hộ vi phạm hầu như cơ quan chức năng đã “nhẵn” mặt. Thế nhưng sau khi phương tiện được thả ra họ lại trở về với nghề cũ. “ Nghề này thuộc loại cha truyền con nối. Khó buộc họ bỏ lắm!”- anh Hiền nhận xét.
Mẻ lưới chỉ lác đác vài con cá. |
Anh Đông cũng buồn buồn góp lời: “Mặc dù không muốn lập biên bản họ chút nào nhưng phải chấp hành đúng chủ trương nhà nước. Dẫu biết họ nghèo nhưng không còn cách nào hơn”.
Anh cho biết, sông Nhà Bè là sông đường thủy nội địa cấp 4, là tuyến sông phục vụ cho việc giao lưu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long. Hàng ngày, có trên trăm chuyến tàu trọng tải nặng lưu thông qua đây nhưng đành phải đi ép sát bờ vì không muốn vướng phải dụng cụ đăng đáy cá.
Ghe, thuyền trọng tải lớn chạy bờ cũng là một trong những nguyên nhân gây sạt lở đất dọc theo sông Nhà Bè. Còn nhớ vào năm 1997, một xà lan chở cát do vướng phải dụng cụ đăng đáy cá đã chuyển hướng đâm thẳng vào cầu Phước Long. Bài học nhãn tiền còn đó!.
Xuất phát từ vị trí trung tâm nhiều chức năng, cộng với điều kiện tự nhiên thuận lợi, TP. HCM trở thành một đầu mối giao thông quan trọng đối với khu vực nói riêng và cả nước nói chung.
Giăng ngang giữa luồng tàu chạy. |
Theo đánh giá của Viện Kinh tế TP.HCM, đa số các phương tiện vận tải đường sông hiện nay đã có thời gian hoạt động trên dưới 20 năm, thiết bị máy móc của phương tiện đã già cỗi. Bởi vậy, việc vận hành trong điều kiện mạng lưới sông, kênh rạch bị bồi lắng và lấn chiếm nhiều như hiện nay không đảm bảo được độ an toàn, tai nạn giao thông bằng đường sông trong khu vực TP tăng lên, làm thiệt hại hàng hóa, hư hỏng ghe tàu, hư hại công trình trên sông. Vì vậy, chủ trương của UBND TP.HCM về việc di dời các hộ dân làm nghề đăng đáy cá trên các tuyến sông thuộc địa bàn huyện Nhà Bè đúng đắn.
Thế nhưng, câu nói của anh Út (một người dân vi phạm) cứ ám ảnh chúng tôi suốt chặng đường về: “Lên bờ chúng tôi biết sống bằng nghề gì?!”.
▪ Chân dung ông chủ kho báu (03/09/2005)
▪ Đề nghị truy tố 2 bị can (01/09/2005)
▪ Bắt tạm giam chủ nhiệm HTX Vận tải Mê Kông (01/09/2005)
▪ Tỉ phú cao su (01/09/2005)
▪ Chỉ có 30 ô tô mua vé tháng đậu xe tại khu trung tâm (02/09/2005)
▪ Khánh thành Công viên Thanh niên Gia Định (02/09/2005)
▪ Người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay vốn làm ăn (02/09/2005)
▪ Lượng khách ở bến xe, bến phà tăng đột biến (03/09/2005)
▪ Xe điên gây 4 vụ tai nạn (03/09/2005)
▪ Thiết kế đô thị “rượt” theo nhà (04/09/2005)