Định mệnh
Các Website khác - 07/09/2005
Bài viết "Định mệnh", tác phẩm được trao giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi viết "Những kỷ niệm sâu sắc về Đài Tiếng nói Việt Nam", là của tác giả Trần Hồng Giang, người cho rằng Đài TNVN đã tạo ra những bước ngoặt trong cuộc đời chị, giúp chị vượt qua tật nguyền. Nhân kỷ niệm 60 năm ngày phát sóng đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam (7-9-1945 - 7-9-2005), xin giới thiệu với bạn đọc bài viết này.
Khi vừa tròn năm tuổi thì một tai nạn khủng khiếp đã giáng xuống đầu tôi: một chấn thương nặng vào đốt sống cổ, đã làm cho thân thể của tôi vĩnh viễn bại liệt. Kể từ đó tới bây giờ, đã hơn 25 năm trôi qua, tôi phải sống "chung thân" với chiếc giường gỗ xoan mà nghe nói nó là của hồi môn từ thời bà tôi để lại.

Những ngày đầu, với tâm hồn thơ trẻ của một đứa bé 5 tuổi, tôi vẫn chưa ý thức được về sự khác biệt giữa cuộc sống của mình với mọi người, nhưng rồi sau đó vài năm, dần dà, tôi cũng có những quan sát và thắc mắc. Hồi ấy nhà tôi có một cái sân rất rộng (cha tôi làm để phơi lúa khoán công điểm cho hợp tác xã), chiều chiều, bọn trẻ con trong xóm thường hay kéo đến để chơi các trò chơi: "Nhảy lò cò; trồng nụ xòe hoa...". Những lúc ấy, nằm ở trong nhà nhìn ra, tôi thấy ấm ức vô cùng vì không hiểu tại sao bọn chúng lại làm được như vậy. Rồi mỗi buổi sáng thấy các anh chị xách cặp đi học, tôi thường hay hỏi mẹ: "Đi học là gì hở mẹ? sao con lại không đi". Những khi đó, mẹ tôi thường không nói gì mà chỉ lặng lẽ ngồi khóc. Và tôi cũng không hiểu tại sao!

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, kinh tế nước ta còn đang rất khó khăn, nhất là ở vùng nông thôn, và gia đình tôi cũng không phải là một ngoại lệ. Nhà tôi khi đó, cứ đến khoảng tháng 2 âm lịch là hết gạo ăn, cha mẹ tôi thường ngược lên mạn Hòa Bình để mua thêm khoai, sắn về độn với cơm. Vậy mà đến mùa gặt, mẹ tôi dám "vung tay" bán đi một tạ thóc lấy tiền đóng cho hợp tác xã để họ kéo dây lắp cho nhà tôi một cái loa truyền thanh. Tất nhiên, khi đó tôi chưa thể hiểu được, mẹ tôi làm việc đó vì tôi. Từ ngày có cái loa, tôi đỡ buồn đi nhiều. Ngày đó, đài Tiếng nói Việt Nam chỉ phát sóng đến 8 giờ sáng rồi nghỉ tới 11 giờ trưa mới phát tiếp, buổi chiều cũng nghỉ, tới 16 giờ mới lại phát tiếp. Tuy vậy, sự có mặt của cái loa thực sự đã là một biến động không nhỏ đối với cuộc sống của tôi. Cái loa được lắp dây dẫn từ trạm truyền thanh của hợp tác xã, cách nhà tôi gần 2km, nên tiếng rất nhỏ, vậy mà suốt ngày, tôi chỉ chăm chăm nằm chờ tới giờ đài phát để nghe. Tôi nghe hầu như tất cả những gì được nói ra từ cái loa ấy. Tất cả những gì của thế giới bên ngoài mà tôi biết được đều nhờ qua cái loa ấy. Tôi đã đón nhận những thông tin mà nó mang đến như là một thức ngộ tự nhiên, giống như việc ăn cơm, uống nước hàng ngày vậy.

Bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời của tôi là ở vào khoảng đầu năm 1 987. Đó là một ngày chủ nhật mưa gió, tôi mở đài ra nghe như thường lệ và nghe được trên Đài TNVN nói về nhà bác học vật lý Stephen Hawking. Cũng chỉ với một cái đầu còn ngúc ngắc được (giống như tôi) nhưng ông đã trở thành một con người vĩ đại, được cả thế giới kính phục, nể trọng. Lúc đó tôi chỉ mới chừng 12, 13 tuổi: Tôi mang chuyện này ra nói với cha tôi thì được nghe ông nói: "Đó là bản chất của con người đấy, con ạ! Ở trong mỗi một con người luôn tiềm ẩn những khả năng kỳ diệu!". Thế rồi, cha kể cho tôi nghe chuyện về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký (cha tôi và thầy Ký thường vẫn gặp nhau trong những lần đi tập huấn giáo viên dạy giỏi của tỉnh). Kể từ ngày hôm đó, ở trong tôi, bỗng có một sự thôi thúc mãnh liệt, nó như là một động lực cho lòng khao khát và những hy vọng... Tôi nghĩ, lẽ nào mình lại không có cái "bản năng sống" ấy? Thế là tôi quyết định mình sẽ phải thử làm một cái gì đó, để xem cái "khả năng kỳ diệu" nào đó có đang ẩn nấp ở trong người tôi hay không?! Việc đầu tiên tôi nghĩ đến là mình sẽ bắt chước thầy Ký. Tôi quyết tâm tập luyện viết chữ bằng bàn tay trái. Những ngày đầu tập viết với tôi thực sự là một cực hình, bởi ngay cái việc cầm được cây bút trên tay dường như đã là một điều không tưởng (mãi sau tôi mới nghĩ ra cách là tì bút vào má, rồi cứ thế lúc lắc cái đầu đi theo nét chữ). Tôi cũng có cái thuận lợi là trước đó đã được cha mẹ và các anh chị dạy cho biết đọc, nhưng để viết được thành chữ thì tôi đã phải mất cả năm trời khó nhọc mới có được thành công. Khi đã viết được chữ rồi, tôi bắt đầu có một niềm say mê mới, đó là tôi rất thích chép lại những gì đã nghe được qua cái loa truyền thanh. Những quyển vở của tôi cứ thế dày lên từng ngày và theo đó, tôi cũng quen dần với việc viết lách. Tôi hạnh phúc vì cái nỗi cực nhọc thấm đẫm cả mồ hôi và nước mắt đã trở thành một nguồn vui lớn của tôi.

Tới khoảng cuối năm 1989 thì Đài TNVN bắt đầu phát sóng cả ngày với nhiều chương trình về khoa học và giáo dục. Đây thực sự mới là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của tôi. Trước mắt tôi mở ra bao nhiêu điều mới lạ mà trước đó, dù rất giàu trí tưởng tượng, tôi cũng không thể hình dung ra được. Trong số những chương trình đó, các chương trình hướng dẫn học tiếng nước ngoài đã cuốn hút tôi ngay từ những buổi phát sóng đầu tiên. Thế rồi, tôi đã chọn tiếng Anh và trở thành học trò của thầy Nguyễn Quốc Hùng qua sóng phát thanh. Tôi học tiếng Anh rất nhanh, một phần như người ta thường nói, có thể do tôi "có duyên" với tiếng Anh, một phần tôi nghĩ chắc là từ nhỏ tôi chưa từng được đi học nên khi có cơ hội thì cái lòng ham muốn ấy nó tự bùng phát lên thôi. Quả thật, khi ấy, tôi thấy trong mình có một niềm hứng khởi lạ thường mà trước đó và cả sau này, tôi đã không thể có được.

Rồi đất nước cũng đến thời điểm có sự chuyển mình về kinh tế, gia đình tôi cũng theo cái đà ấy mà bớt đi được phần nào khó khăn. Sau khi tích cóp, dành dụm được chút tiền, cha mẹ liền đưa tôi ra Hà Nội để chữa bệnh, mong có thể cải thiện sức khỏe của tôi. Mong ước là như vậy, nhưng rồi sau nửa năm trời ở Hà Nội, lang thang hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, gặp gỡ hết ông bác sĩ nọ đến vị giáo sư kia, để rồi cuối cùng tôi lại trở về nhà trong nỗi thất vọng tột cùng. Những ngày tháng sau đó, với tôi thật nặng nề, u ám. Tuổi 15, tôi đã ý thức được về sự tồn tại của mình. Tâm hồn đắm chìm trong nỗi tuyệt vọng, vật vã trong sự cùng quẫn, tôi đã manh nha tìm đến một sự giải thoát. Tôi giả vờ bị mất ngủ để mẹ tôi cứ vài ngày một lần phải đến hiệu thuốc năn nỉ người ta bán cho mấy viên thuốc ngủ. Thuốc mẹ mua về nhưng tôi không uống mà đem giấu biến đi, định bụng khi nào có đủ 100 viên thì sẽ kết thúc những chuỗi ngày ảm đạm của mình. Nhưng tôi mới chỉ giấu được tới viên thứ 39, thì ý định cực đoan ấy đã biến mất.

Tôi sẽ còn nhớ mãi cái buổi tối mùa hè oi nồng ấy, bởi nó chính là định mệnh của cuộc đời tôi. Hôm ấy, chẳng hiểu tại sao chị gái tối vặn cái máy thu thanh to hơn thường lệ để nghe chương trình "Câu lạc bộ âm nhạc truyền thanh" (chị tôi bị đau đầu kinh niên nên không thích mở đài to, còn tôi từ Hà Nội trở về cũng không còn cái hứng thú nghe đài nữa). Ban đầu tôi cũng không chú ý lắm, nhưng rồi nghe người dẫn chương trình nói đó là buổi giới thiệu những sáng tác mới của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua giọng hát Hồng Nhung, nên tôi cũng muốn nghe thử xem sao (vì trước đó tôi cứ thấy anh trai tôi hay vỗ ngực xưng danh mình là đệ tử của nhạc Trịnh). Tâm trạng tôi khi đó đang rất chán nản nên có nghe cũng chỉ là nghe vậy thôi, chỉ đến lúc Hồng Nhung hát bài "Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!" thì tôi mới giật mình! Tôi nhớ, sau bài hát, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn nói mấy lời về những xúc cảm và triết lý sống của bài hát; đại loại ông có mượn một câu danh ngôn của ai đó để nói rằng: "Khi cánh cửa này đóng lại, thì chắc chắn sẽ có một cánh cửa khác mở ra với mỗi chúng ta". Ngay từ lúc đó, ở trong tôi bắt đầu có một sự co kéo, giằng xé giữa hai luồng suy nghĩ: một là muốn giữ cái ý định sưu tầm tiếp viên thuốc ngủ thứ 40, hai là lại tò mò muốn thử tìm xem cái "cánh cửa" của mình nó nằm ở chỗ nào? Cuối cùng tôi tặc lưỡi: "Ừ thì cứ thử xem sao, nếu như không thành công thì mình lại quay về phương án cũ, cũng đâu có muộn!". Với suy nghĩ như vậy, tôi thấy lòng nhẹ đi rất nhiều, cái sự bi lụy, u uất đã không còn nặng nề như trước nữa. Ngay ngày hôm sau, tôi đã xác định cho mình một quyết tâm rất lớn lao là cứ phải sống hết mình với cuộc đời này đã, có thế nào, sau sẽ hay.

Bước đi đầu tiên của tôi không được suôn sẻ. Tôi nhớ, cha mẹ tôi gom bọn trẻ con trong xóm lại và dự định sẽ mở lớp để tôi dạy tiếng Anh cho chúng, nhưng rồi việc đã không thành vì sức khỏe không cho phép (tay tôi không thể cầm phấn để viết lên bảng được); thêm nữa, tôi cũng không có kiến thức sư phạm nên gặp khó khăn rất nhiều. Vậy là, cái lớp học của tôi chỉ tồn tại được đúng hai ngày rồi đành phải dẹp bỏ!

Đúng lúc tôi đang buồn vì thất bại thì có người chị họ đi xa lâu ngày trở về thăm nhà. Thấy tôi có vẻ buồn, chị liền mở túi lấy ra một tờ báo đưa cho tôi, rồi nói: "Đây là báo Hoa học trò mới phát hành, em đọc đi, hay lắm!". Nể chị, tôi lật tờ báo xem lướt qua một lượt, chứ thật ra lúc đó tôi đang buồn, chẳng tâm trí nào mà sách với báo. Khi tôi gấp tờ báo lại thì chị hỏi: "Thế nào, hay chứ?". Tôi trả lời trong vô thức. "Cũng thường thôi, báo chí thế này thì em cũng viết được!". Nghe tôi nói thế, chị liền liếc mắt lườm tôi: "Chỉ nói khoác! Có giỏi thì em viết đi!". Từ đó, tôi cứ luẩn quẩn với câu nói ấy của chị, và một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi: "Ừ nhỉ! Tại sao mình lại không thử một lần xem sao?". Thế là tôi xin luôn chị họ tờ báo đó và đọc lại thật kỹ, cùng với một quyết tâm là nhất định mình sẽ có bài đăng báo. Hai ngày sau, tôi đã có bài gửi đi. Và thật may mắn cho tôi, ngay bài viết đầu tiên đã được đăng báo. Vậy là, tôi bước chân vào con đường sáng tác văn học. Từ đó, những bài viết của tôi thường xuyên có mặt trên tờ báo của tuổi mới lớn như "Hoa học trò", "Áo trắng"; "Mực tím", rồi sau nữa là "Tiền phong", "Thanh niên", "Văn nghệ"...

Đến bây giờ, sau hơn mười năm trời viết báo, làm thơ, tôi đã được nhiều độc giả biết đến, qua một số lượng không nhỏ những bài viết được đăng trên các tờ báo cũng như tạp chí của Trung ương và các địa phương, nhưng lại chưa từng một lần có bài được phát trên Đài TNVN (tuy đài phát thanh có nhiều duyên nợ với cuộc sống của tôi, và tôi đã không ít lần viết bài gửi đến đài, thế nhưng may lắm thì tên tôi cũng chỉ được đọc ở mục điểm thư là cùng). Dẫu vậy, với tôi thì Đài TNVN thực sự là một cái gì đó rất lạ thường, bởi nó luôn hiện hữu ở bên tôi trong những tháng ngày nhọc nhằn đã qua và cả ở những thời điểm quyết định nhất của cuộc đời. Giờ đây, nếu như ai đó hỏi tôi rằng, kỷ niệm nào với Đài TNVN là sâu sắc nhất thì quả thật tôi sẽ rất khó trả lời. Tuy nhiên, có một kỷ niệm mà nó đã hằn sâu vào ký ức và tôi sẽ mãi mãi không thể nào quên, đó là những ngày tôi nằm điều trị ở Bệnh viện y học dân tộc Hà Nội, trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Khi đó, tôi cứ ước ao là được đến 58 Quán Sứ, Hà Nội để xem Đài TNVN như thế nào. Bấy giờ giá vé xe buýt là 2.000 đồng/lượt, và để đi được tới Đài phải qua hai chặng xe. Lúc ấy ở bệnh viện cùng với tôi là người chị gái, chị đã tính toán rằng: hai chị em mà đi xe buýt thì phải mất hai ngày tiền ăn. Thương em, nhưng cũng không thể nhịn ăn, nên chị đã cõng tôi đi bộ từ bệnh viện để tới được Đài. Vừa đi vừa hỏi thăm đường nên khi chị em tôi tới nơi thì trời đã tối. Hai chị em chỉ ngồi ở cổng ngó vào một lúc rồi chị lại cõng tôi lếch thếch trở về. Tới bệnh viện thì đã đến giờ đóng cửa, chị tôi phải năn nỉ mãi mấy anh bảo vệ mới cho vào. Cả hai chị em vừa mệt vừa đói nhưng đều rất vui...

TRẦN HỒNG GIANG
Theo Quân đội nhân dân