Dioxin - nỗi đau của nhiều thế hệ
Các Website khác - 30/03/2006
Trẻ em bị nhiễm dioxin tại Trung tâm bảo trợ trẻ em Hải Dương. (TTXVN)
Trẻ em bị nhiễm dioxin tại Trung tâm bảo trợ trẻ em Hải Dương. (TTXVN)

Chiều qua, Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam đã kết thúc sau 2 ngày làm việc. Các đại biểu cam kết đoàn kết hành động không phân biệt màu da, đòi các công ty hóa chất Mỹ phải đền bù theo đúng trách nhiệm, và yêu cầu Chính phủ Mỹ tham gia khắc phục hậu quả của các hóa chất độc.

Trong chuyến thăm làng hữu nghị Vân Canh sáng qua, các đại biểu bày tỏ sự chia sẻ với những em nhỏ bị ảnh hưởng của dioxin. Hơn ai hết họ rất hiểu những nỗi đau cả về thể chất và tinh thần và sự thiệt thòi của các em bởi họ cũng là những nạn nhân.

Với giọng buồn buồn, Daniel J.Shea, người đã từng tham chiến tại Việt Nam, đã kể lại câu chuyện thật cảm động về cuộc đời mình. Trong những tháng ngày đi lính tại miền Trung Việt Nam, Daniel không hề bị thương vì bom đạn, nhưng khi trở về nước sống trong cuộc sống yên bình thì ông lại trở thành một nạn nhân của chiến tranh.

Khi sinh đứa con đầu lòng, cả gia đình Daniel vô cùng đau buồn vì đứa trẻ bị dị tật, ông chỉ biết tập trung vào chăm sóc con mà không còn tâm trí để tìm hiểu nguyên nhân căn bệnh của đứa trẻ. Rồi vô tình đọc được những tài liệu về chất độc da cam, Daniel nhớ lại những ngày cầm súng tại Việt Nam, và ông hiểu mình đã bị phơi nhiễm chất da cam. Song "tôi không có nhiều thời gian để buộc tội quân đội hay các công ty hóa chất hoặc thưa kiện ra tòa. Tôi chỉ biết dành thời gian cho các con và vợ".

Đến năm 1980, con trai của người cựu chiến binh Mỹ này từ biệt cuộc đời vì sốc oxy.

Daniel nói: "Casey, đứa con tội nghiệp của tôi vẫn xuất hiện trong tôi, như đại diện cho một đứa trẻ của chiến tranh, một đứa trẻ Việt Nam, một đứa trẻ mồ côi. Những công ty hóa chất Mỹ có quyền gì sản xuất ra hóa chất để đầu độc đất đai và dân tộc nước khác. Thế giới đã lên án chiến tranh hóa học vì nó không chỉ sát hại binh sĩ mà còn cả những người dân thường vô tội, những đứa trẻ ngây thơ, cả những kẻ chiến thắng lẫn nạn nhân đều bị tổn thương".

Bà Joan A. Duffy Newberry.
Bà Joan A. Duffy Newberry. Ảnh T.H.

Joan A.Duffy Newberry từng là y tá của Không lực Mỹ tại khu quân sự Vịnh Cam Ranh - nơi hằng ngày vẫn bị rải chất da cam trong chiến tranh. Nhiều năm sau khi trở về Mỹ, bà bị mắc bệnh ung thư, đứa con của bà cũng bị tật nguyền. Những cơn đau của bệnh tật và ký ức của chiến tranh ngày đêm vẫn hành hạ người phụ nữ này. Joan không hiểu sao những điều không may cứ đến với gia đình mình. Chỉ khi tìm hiểu rõ về chất độc da cam sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, bà Joan mới hiểu rằng mình và những cựu chiến binh khác mắc bệnh vì bị nhiễm chất da cam.

Kể lại những năm tháng tham gia chiến tranh tại Việt Nam, Joan A. Duffy không thể quên được hình ảnh một khu quân sự cằn cỗi, hoang hóa và thiếu sự sống. "Tại bệnh viện nơi tôi làm việc, có một tường gạch bên ngoài phòng cấp cứu được bao bọc bằng những cây nho chết. Cây cối ở đây không có màu xanh mà chỉ là những cành cây khô. Dù ở rừng nhưng tôi không bao giờ nghe thấy tiếng chim hót, và sinh vật duy nhất mà tôi thấy ở đấy chỉ là con gián".

Mãi sau này Joan mới biết rằng Vịnh Cam Ranh hằng ngày vẫn bị rải chất da cam vì đây là một cơ sở quân sự quan trọng nên quân đội Mỹ muốn phát quang cây cỏ để quân đội Việt Nam không có chỗ nương trú. Trong suốt 9 năm chiến dịch khai quang tại những vùng nông thôn có rừng rậm của Nam Việt Nam, ước tính có đến 19 triệu ga lông chất da cam đã được rải khắp Việt Nam với tỷ lệ gấp 6 đến 25 lần như gợi ý của các nhà sản xuất hóa chất. Trên các cánh cửa phòng dành cho các phi công thực hiện chương trình Ranch Hand Operation tại Tân Sơn Nhất luôn treo tấm bảng "Chỉ có các bạn mới chống lại được các khu rừng".

Quân đội Mỹ luôn gây áp lực với các nhà sản xuất hóa chất tăng tốc độc chế tạo chất da cam vì quân đội đang ngày càng sử dụng khối lượng thuốc diệt cỏ một cách thực sự phóng túng. Nhằm sản xuất nhanh hơn và tăng thêm sản lượng chất da cam, các công ty hóa chất rất ít quan tâm đến vấn đề kiểm soát chất lượng và trong chất da cam dành cho Việt Nam phát sinh hàm lượng tạp chất dioxin rất cao.

Theo bà Joan, nhiều triệu binh sĩ Mỹ và dân thường Việt Nam không hề biết gì và bị phơi nhiễm với những chất diệt cỏ này. Trong khi các nhà sản xuất hóa chất lại rất ý thức về hiệu ứng lâu dài, nhưng họ đã che giấu không cho chính phủ và công chúng viết, vì sợ hậu quả ngược chiều. Khi những cựu chiến binh ổn định lại cuộc sống thường dân, một số bắt đầu thấy những vấn đề sức khỏe khác thường. Họ thấy có những bệnh ngoài da, bệnh gan và nhiều loại ung thư khác. Và bà Joan cũng là một nạn nhân khi mang trong mình hai căn bệnh ung thư.

Đã 25 năm qua, Joan A.Duffy rất tích cực tham gia những buổi nói chuyện công cộng, điều trần trước ủy ban quốc hội về vấn đề chất da cam, với mong muốn công chúng hiểu rõ hơn những gì quân đội Mỹ đã làm trong chiến tranh, và hiểm họa, tác hại của dioxin đối với con người và môi trường. Joan hiện thời là một thành viên tích cực của Hội Cựu chiến binh vì hòa bình.

Trịnh Vũ