Dung quất - dòng dầu đã chảy : Sóng gió trên nghị trường
Các Website khác - 18/02/2009

 Nhớ lại những ngày đầu của dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, ông Nguyễn Ngọc Trân (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội) cho hay dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất là công trình duy nhất từ trước đến nay được Quốc hội ban hành tới hai nghị quyết.

Đầu tiên là nghị quyết về dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất ban hành ngày 5-12-1997, nêu rõ Quốc hội đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất, đây là công trình quan trọng quốc gia, với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm.

Phá núi, chuyển đá, san lấp mặt bằng xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất (ảnh chụp sáng 14-8-2001) - Ảnh: N.C.T.


7 năm và 1 tỉ USD

Theo dự kiến, dự án sẽ được hoàn thành, chạy thử nghiệm năm 2001 và Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào sản xuất từ năm 2002. Thế nhưng ba năm sau thời điểm đáng lý dự án hoàn thành, khi đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội vào cuộc thì thông tin được công bố là phải tới tháng 12-2008 dự án mới hoàn thành, và chỉ có thể đi vào sản xuất đầu năm 2009. Trước đó, vào năm 2004, Chính phủ đã quyết định chấm dứt liên doanh với Nga, dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ được xây dựng bằng nguồn vốn trong nước.

Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội khóa XI Đặng Văn Thanh nhớ lại: việc thời gian hoàn thành dự án bị trượt tới bảy năm, cùng với nhiều nguyên nhân khác làm tổng mức đầu tư dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất đội lên quá nhiều (tổng mức đầu tư của dự án ban đầu là 1,5 tỉ USD, sau đó khoảng 2,5 tỉ USD) đã khiến bùng lên ở Quốc hội cuộc thảo luận nóng bỏng xung quanh đề tài này.

Đó là ngày hè nóng nực 8-6-2005. Lúc bấy giờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI vừa hoàn thành việc giám sát triển khai thực hiện dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, và đã lên chương trình chất vấn Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải về dự án này. Trước một rừng máy ghi âm của các phóng viên bên hành lang Quốc hội với duy nhất một chủ đề “Dung Quất”, Bộ trưởng Hải đã từ chối trả lời bởi chỉ ít phút nữa thôi thay vì trả lời phỏng vấn ông sẽ đăng đàn trả lời chất vấn.

Trong sổ tay của nhiều phóng viên theo dõi nghị trường ngày 8-6-2005 còn ghi lại sự gay gắt của đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) khi ông hai lần đứng lên phát biểu đòi hỏi làm rõ trách nhiệm trong việc để xảy ra sự chậm trễ của dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đặc biệt là túi bùn khó xử lý ở vị trí Dung Quất liệu có ảnh hưởng đến tương lai của nhà máy.

Đại biểu Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) cho rằng thủ tướng phải có giải trình trước Quốc hội về vai trò của Chính phủ trong quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện dự án suốt bảy năm qua. Đại biểu Nguyễn Tài Lương (Hà Nội) thẳng thắn hỏi: “Tổng thất thoát là bao nhiêu? Khâu nào? Có tham nhũng, lãng phí hay không?”. Đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Kontum) và một số đại biểu khác thậm chí còn đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét lại vị trí đặt Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Nhưng cũng có nhiều đại biểu đăng đàn ủng hộ quyết định đi tới đối với dự án này, đa số là các đại biểu ở đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh miền Trung khác. Trong hội trường Ba Đình lúc đó điều hòa nhiệt độ vẫn chạy đều, nhưng khi chuông reo giải lao cánh phóng viên nhìn thấy có những đại biểu bước ra cửa mà trán lấm tấm mồ hôi.

Nhận lỗi trước cử tri

Chuẩn bị phần trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải thống kê được tới 28 ý kiến của đại biểu về Dung Quất. Trong thời gian cho phép ở diễn đàn, Bộ trưởng Hải không thể trả lời hết tất cả những câu hỏi mà các đại biểu đặt ra. Ông tập trung nói về một số vấn đề chính, trước hết khẳng định việc xây dựng nhà máy lọc dầu là một chủ trương đúng đắn, vị trí được chọn cũng đã cân nhắc kỹ, việc tổng mức đầu tư tăng lên có liên quan trực tiếp đến sự biến động về giá cả trên thế giới...

Khẳng định chưa phát hiện thất thoát, tham nhũng trong xây dựng cơ bản ở dự án Dung Quất; ông Hải cũng giãi bày với Quốc hội “chưa có dự án nào mà thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ trưởng và các thành viên Chính phủ phải họp nhiều như dự án Dung Quất, thậm chí là họp mười ngày một lần về dự án”.

Sau bộ trưởng Bộ Công nghiệp, tiếp đó chủ tịch Quốc hội “nhận lỗi trước cử tri”, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về việc tập trung chỉ đạo xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất. Những dòng chữ được đặt lên đầu tiên trong nghị quyết này là: “Quốc hội nhận thấy việc chưa tập trung chỉ đạo đúng mức công tác chuẩn bị, triển khai và giám sát thực hiện dự án xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất để dự án bị chậm nhiều năm, gây lãng phí lớn về kinh tế, làm giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng không tốt đến lòng tin của nhân dân, làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp phải xử lý là khuyết điểm lớn của Chính phủ và Quốc hội, cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình chỉ đạo xây dựng các công trình quan trọng quốc gia”.

Đây là nghị quyết thứ hai của Quốc hội về Dung Quất. Khác với nghị quyết trước, nghị quyết này yêu cầu Chính phủ chỉ đạo kiên quyết để hoàn thành việc xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất trong năm 2008, đưa nhà máy vào sản xuất trong năm 2009.

Cột mốc đánh dấu ý chí của Quốc hội

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, đại biểu Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) cho rằng tiến trình duyệt xét dự án lọc dầu Dung Quất của Quốc hội đã để lại nhiều bài học quý giá, không chỉ đối với việc thực hiện các công trình quan trọng quốc gia mà còn với sự đổi mới trong hoạt động Quốc hội.

Ông Nguyễn Ngọc Trân nhận xét: “Theo tôi, quyết định giám sát, Quốc hội thảo luận báo cáo của Chính phủ và báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt về các nguyên nhân của sự chậm trễ và các biện pháp khắc phục, từ đó ban hành nghị quyết thứ hai về Dung Quất trước tiên là một sự thúc đẩy cần thiết đối với việc hoàn thành nhà máy lọc dầu này. Đồng thời đó còn là một cột mốc đánh dấu ý chí của Quốc hội vươn lên đảm nhiệm chức năng hiến định của mình trước cử tri cả nước, góp phần tích cực vào phương thức lãnh đạo của Đảng và quản lý điều hành của Chính phủ”.

Cũng theo ông Trân, báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dung Quất lúc bấy giờ có đoạn: “Dự án khi trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư chưa được chuẩn bị chu đáo, điều tra cơ bản còn sơ sài, thẩm định chưa kỹ, chủ quan trong dự báo khả năng thu xếp tài chính”. Nhận định này tự nó là một bài học cần ghi nhớ để sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước có hiệu quả.

“Còn vài ngày nữa dòng sản phẩm đầu tiên của Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ ra đời, đánh dấu một bước trưởng thành nữa của ngành dầu khí VN. Biết rút ra những bài học từ Dung Quất cũng là một cách thiết thực đón mừng dòng sản phẩm đầu tiên và đầu tay này”, ông Trân nói.

Ông Trần Lê Trung - nguyên trưởng ban quản lý dự án Khu kinh tế Dung Quất - nhớ lại những ngày đó:

“Đang ở Hà Nội, tôi lập tức điện báo cho các đồng chí lãnh đạo ở nhà (Quảng Ngãi): Các anh phải ra gấp Hà Nội, phải có giải pháp kịp thời nếu không sẽ không còn Nhà máy lọc dầu Dung Quất nữa! Sau đó, lãnh đạo tỉnh gõ cửa từng văn phòng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với một yêu cầu: “Nhà máy đi đâu, chúng tôi đi theo đó”, bởi: “Trong chiến tranh, Quảng Ngãi hi sinh quá lớn rồi. Sau ngày hòa bình, hàng nghìn hộ dân cũng đã rời bỏ quê cha đất tổ để dành đất cho công trình. Vậy mà giờ đây không đầu tư nhà máy nữa thì cán bộ chúng tôi còn mặt mũi nào mà gặp dân, ăn nói với dân? Đến nước này chúng tôi chỉ có nước bỏ quê đi theo nhà máy, nhà máy dời đến đâu cho chúng tôi xin đi theo đến đó”!

Đăng Nam ghi

Theo Tuoi tre Online