Ngày 17-2 tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức buổi họp báo giải thích chi tiết những vấn đề khi tăng giá điện từ ngày 1-3. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp đến thông tin thêm về chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo: phải kiểm soát chặt giá, tránh các doanh nghiệp lợi dụng “tát nước theo mưa”.
|
Một gia đình ở ấp 2, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè (TP.HCM) chỉ sử dụng một tivi, một đèn neon, một quạt máy nhưng vẫn lo chi phí điện tăng vì ít có tháng nào họ dùng dưới 50kWh (ảnh chụp chiều 17-2) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Không thể lùi thêm được nữa
* Việc tăng giá điện 8,92% sẽ tác động thế nào đến tăng trưởng, chi tiêu của người dân và chỉ số giá tiêu dùng (CPI)? Nó có làm vô hiệu hóa một phần chính sách kích cầu? - Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu: Ước tính việc tăng giá điện sẽ tác động không đáng kể, làm giảm tốc độ tăng GDP khoảng 0,05-0,06%, trực tiếp làm tăng CPI khoảng 0,25-0,3%. Với các ngành sản xuất chi phí tiền điện chiếm 40-50% giá thành, giá thành sản phẩm cũng chỉ tăng 3-4%. Thép, ximăng chỉ tăng 5.000-7.000đ/tấn sản phẩm. Với người dân, chi tiêu hộ gia đình do tăng giá điện cũng chỉ thêm khoảng 3%... Tăng giá điện không ảnh hưởng nhiều đến chính sách kích cầu. Chính phủ đã giảm thuế, có những biện pháp kích thích khác, chúng vẫn đang phát huy tác dụng. Điện chỉ là một yếu tố cấu thành giá. Tăng giá điện có ảnh hưởng đến giá thành các mặt hàng nhưng không nhiều nên các doanh nghiệp không được lợi dụng tăng giá. |
Theo ông Đỗ Hữu Hào - thứ trưởng Bộ Công thương, dựa trên mức giá điện mới được Chính phủ cho phép (bình quân 948,5 đồng/kWh, tăng 8,92%), dự kiến giá điện sản xuất sẽ chỉ tăng 6-7,5% (tùy cấp điện áp và đối tượng), điện cho khối hành chính sự nghiệp sẽ tăng khoảng 10%, cao nhất là điện sinh hoạt sẽ tăng khoảng 13%.
Theo ông Hào, giá điện bình quân cho sinh hoạt dự kiến tăng khoảng 13% sẽ làm tăng tiêu dùng cuối cùng của cá nhân năm 2009 khoảng 0,3-0,35%, làm tăng chi tiêu của các hộ gia đình thêm khoảng 3%. Với mức tăng này, theo ông Hào, tổng số tiền nền kinh tế sẽ trả thêm cho ngành điện khoảng 6.400 tỉ đồng, trong đó các ngành sản xuất, kinh doanh phải trả thêm khoảng 2.300 tỉ, các cơ quan hành chính sự nghiệp trả thêm khoảng 300 tỉ, còn lại là từ khu vực thương mại dịch vụ và tiêu dùng của dân.
Phát biểu với báo giới, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định việc tăng giá điện 8,92% năm 2009 và từ 2010 sẽ theo cơ chế thị trường hoàn toàn không mâu thuẫn chính sách kích cầu của Chính phủ. Ông cho biết Chính phủ đã cân nhắc, tính toán rất nhiều và đáng ra tăng giá điện đã phải làm từ năm 2008 nên “giờ không thể lùi được nữa”.
Lý do, theo Phó thủ tướng, năm 2008 nền kinh tế vận hành hiệu quả chưa cao một phần vì còn bao cấp giá: “Chúng ta giữ giá quá lâu, đến khi buông ra giá có thể tăng cao hơn giá thật. Nên phải chủ động thả ra, không đợi không giữ được nữa mới thả”. Song Phó thủ tướng cũng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra giá, tránh tình trạng “tát nước theo mưa”, tăng giá bất hợp lý của các doanh nghiệp. Việc tăng giá điện, theo Phó thủ tướng, là “một tín hiệu” để các doanh nghiệp thay đổi công nghệ nhằm tiết kiệm.
Giá điện nông thôn tối đa là 700 đ/kWh
Sau khi thông báo những điểm mới của đề án giá điện theo cơ chế thị trường, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo các bộ ngành đã trả lời những câu hỏi của báo giới.
* Theo tính toán ban đầu của Bộ Công thương, với giá dầu chỉ 30-40 USD/thùng hiện nay thì giá điện sẽ chỉ tăng hơn 7,5%, nay sao lại tăng 8,92%?
- Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào: Giá xăng dầu rất khó lường. Quốc hội tính giá dầu năm nay khoảng 70 USD/thùng, trong phương án giá điện chúng tôi tính giá dầu khoảng 50-60 USD/thùng. Chứ giá 30-40 USD hôm nay thì mai có thể tăng. Có nước điều chỉnh giá điện từng tháng, trình độ quản lý ta chưa đạt, phải tính theo năm. Cuối năm nếu giá dầu vẫn thấp thì sẽ tính điều chỉnh giá điện sang năm cho phù hợp.
* Nông dân nhiều nơi đang phải trả trên 1.000đ/kWh sẽ vẫn chịu tăng tiếp 8,92%? Điện bán cho công nhân tại các khu công nghiệp sẽ ra sao?
- Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: Thủ tướng quy định giá điện nông thôn, nơi vẫn qua các hợp tác xã, giá tối đa sau ngày 1-3 là 700đ/kWh. Nếu sau sáu tháng, các tổ chức hợp tác xã không bán đúng được giá theo bậc thang quy định của Chính phủ sẽ phải bàn giao lại cho ngành điện trực tiếp bán. Sau ngày 1-9, tất cả người dân sẽ được dùng điện theo giá bậc thang Chính phủ quy định, trước mắt chỉ phải trả tối đa 700 đ/kWh.
- Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Thủ tướng đã giao Bộ Công thương tổ chức bán đến các khu công nghiệp. Sẽ tính toán để các khu công nghiệp bán lại cho công nhân với giá hợp lý. Chúng tôi cố gắng để không người dân nào bị thiệt. Tất nhiên, nơi phát triển nguồn điện độc lập của các nhà đầu tư ngoài EVN, nhà đầu tư có thể đàm phán với các UBND và giá có thể cao hơn giá bình quân.
Cả gia đình ông Hồ Văn Lư ở xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM đang ăn bữa cơm chiều dưới bóng đèn tròn 60 watt duy nhất trong nhà (ảnh chụp chiều 17-2). Số tiền nhỏ sẽ phải chi thêm cho giá điện tăng cũng là câu chuyện của gia đình thuộc diện xóa đói giảm nghèo này - Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN |
Sẽ tái cơ cấu ngành điện
* Tại sao chưa duyệt đề án cải tổ ngành điện? Phải chăng ngành điện chưa muốn cải tổ vì sợ nếu làm họ sẽ không còn là một tập đoàn mạnh nữa?
- Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: Định hướng cải cách ngành điện đã được xác định, phải đưa cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả vào. Nhưng phải lấy mục tiêu là làm sao đảm bảo đủ điện, cơ chế thị trường chỉ là phương tiện để đạt điều đó. Trước mắt trong năm 2009 sẽ tách các nhà máy điện ra khỏi EVN.
- Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Bộ Công thương đã trình Chính phủ đề án tái cơ cấu ngành điện. Theo đề án này, các nhà máy phát điện sẽ được tách khỏi EVN, phân thành ba công ty phát điện số 1, 2, 3. Trung tâm điều độ, Tổng công ty Truyền tải điện sắp tới cũng sẽ độc lập. Từ năm 2011 sẽ gom 11 công ty điện lực địa phương lại thành năm công ty phân phối bán lẻ điện. Như vậy, EVN không nắm cả sản xuất, truyền tải và phân phối nữa. Hiện Thường trực Chính phủ đang xem xét đề án, lấy ý kiến các bộ ngành.
* Trả lời Tuổi Trẻ về cách tính giá điện theo bậc thang, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào cho biết từ ngày 1-3, những người dùng trên 100 kWh/tháng sẽ trả tiền theo mức 50kWh đầu tiên được tính giá ưu đãi (bù 35-40% giá bán điện bình quân), từ kWh 51-100 tính theo giá không tính lãi của EVN, chỉ từ kWh thứ 101 trở đi mới tính theo giá bậc thang. Như vậy, nếu một hộ gia đình đang dùng 120kWh, họ sẽ chỉ phải nộp 20kWh giá cao. Cụ thể mức giá không tính lãi, giá các bậc thang là bao nhiêu, ông Hào khẳng định Cục Điều tiết điện lực đang xây dựng và khoảng một tuần nữa Bộ Công thương sẽ công bố. * Theo tính toán của Bộ Công thương, với các hộ dùng dưới 50 kWh/tháng, khi điện tăng giá, tối đa cũng chỉ phải trả thêm 2.500đ/tháng. Hộ dùng dưới 100 kWh/tháng, số tiền phải trả thêm tối đa 18.000đ/tháng. Hộ sử dụng dưới 200 kWh/tháng phải trả thêm 22.000đ, hộ dùng đến 300 kWh/tháng phải trả thêm khoảng 28.000đ/tháng... |
Theo Tuoi Tre Online
▪ Cưỡng chế di dân khỏi khu nhà nguy hiểm (18/02/2009)
▪ Nhà lầu, xe máy vẫn nhận tiền hỗ trợ người nghèo ăn Tết (18/02/2009)
▪ Hà Nội:Báo động nạn móc túi ở điểm chờ xe buýt (18/02/2009)
▪ Gian nan tìm nguồn máu “sạch” (18/02/2009)
▪ Bảo hiểm y tế tự nguyện: Giao bệnh viện quản lý? (18/02/2009)
▪ Việt Nam tạo được nhân sâm quý hiếm (18/02/2009)
▪ Dung quất - dòng dầu đã chảy : Sóng gió trên nghị trường (18/02/2009)
▪ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm UAE tiếp cận cửa ngõ Trung Đông (18/02/2009)
▪ Nhiều người nghèo chưa nhận được tiền hỗ trợ Tết (18/02/2009)
▪ Mong manh tường đất (18/02/2009)