Được phép tăng giá thuốc nếu có lý do chính đáng
Các Website khác - 21/02/2006
Ông Cao Minh Quang (Tuổi Trẻ).

"Thuốc cũng là một hàng hóa chịu sự chi phối của các quy luật thị trường, vì vậy nếu có lý do hợp lý như chi phí nghiên cứu, giá nguyên liệu tăng... thì không thể không cho phép" - Cục trưởng Cục quản lý dược Cao Minh Quang nói về đợt kiểm tra giá thuốc sắp tới.

- Thưa ông, kế hoạch rà soát lại việc xác định giá của các doanh nghiệp có thuốc tăng giá đã được tiến hành đến đâu?

Ông Cao Minh Quang cho biết, đầu năm nay, có 4 công ty gửi công văn đề nghị tăng giá và sau đó đã tự ý tăng dù chưa được phép của Cục Quản lý Dược, tất cả đều là nhà sản xuất nước ngoài hoặc công ty dược phẩm liên doanh nước ngoài. Một số công ty khác trên thị trường không xin phép mà tự ý tăng giá.
Trong số các cơ sở sản xuất thuốc ở Việt Nam, có đến 80% cho biết không có kế hoạch điều chỉnh giá trong năm nay. Số còn lại đang làm báo cáo về kế hoạch tăng - giảm giá bao gồm số mặt hàng và mức điều chỉnh.

- Hôm nay, Bộ trưởng đã ký quyết định thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra phương thức tính cơ cấu giá thành sản phẩm thuốc sản xuất trong nước và nhập khẩu. Việc kiểm tra sẽ đặc biệt chú trọng đối với các đơn vị có kế hoạch điều chỉnh giá trong năm 2006.

Khác với hoạt động thanh tra thường kỳ, đợt kiểm tra này chỉ tập trung xác định cơ cấu giá thành sản phẩm của doanh nghiệp xem có bất hợp lý hay không. Tham gia thẩm định sẽ có các chuyên gia từ Bộ Thương mại và Bộ Tài chính, và để chính xác, có thể sẽ truy lại giá gốc ở nước sở tại. Từ đó, chúng tôi sẽ trả lời chính thức công ty nào, mặt hàng nào được tăng giá, công ty nào, mặt hàng nào không được phép tăng. Nếu không giải trình được nguyên nhân hợp lý, những doanh nghiệp đã tăng giá sẽ bị buộc phải giảm lại như cũ. Còn nếu có lý do hợp lý, chẳng hạn như giá nguyên liệu tăng, thì không thể cấm người ta được.

- Vậy nếu cho phép tăng giá thì tỷ lệ tăng sẽ là bao nhiêu?

- Không có cơ sở nào để xác định một tỷ lệ hằng định. Việc xác định một tỷ lệ phần trăm cho phép tăng giá sẽ tạo điều kiện cho nhiều công ty "té nước theo mưa", đua nhau tăng giá theo mức này dù không có lý do hợp lý. Việc cho tăng hay không và tăng bao nhiêu sẽ phải căn cứ vào tình hình cụ thể của từng doanh nghiệp, từng mặt hàng. Điều này sẽ được xác định qua quá trình kiểm tra cơ cấu giá thành sản phẩm, xem chi phí nào hợp lý, chi phí nào không.

- Đối với các công ty không xin phép mà vẫn tự ý tăng giá thì sao?

- Hiện chúng tôi đã có đầy đủ thông tin về những doanh nghiệp tự ý tăng giá. Đây là một sai phạm rõ ràng (Luật Dược quy định khi thay đổi giá phải kê khai lại) nên việc xử trí không khó. Vấn đề là việc xử phạt có hiệu quả hay không, vì với các doanh nghiệp, việc nộp tiền phạt theo quy định chỉ là chuyện nhỏ. Chúng tôi đang đề nghị Bộ trưởng Y tế áp dụng những văn bản pháp luật hiện có để bổ sung những chế tài mới hiệu quả hơn, chẳng hạn như tạm ngừng lưu thông mặt hàng đang có vi phạm.

Từ tháng 2, United Pharma tự ý tăng giá 6 mặt hàng. Giải trình với Cục Quản lý dược, công ty này cho biết đã gửi công văn xin phép nhưng không thấy trả lời nên "hiểu lầm" rằng "im lặng là đồng ý". Cục thì cho biết chưa từng nhận được văn bản này.

Một trong những công ty tự ý tăng giá thuốc là United Pharma vừa gửi công văn giải trình lên Cục Quản lý dược, cho biết sẽ điều chỉnh giá các mặt hàng này trở về mức cũ kể từ ngày 17/2.

- Nhiều loại thuốc dù không có quyết định tăng giá từ nhà phân phối nhưng các cơ sở bán lẻ vẫn tự ý tăng. Có cách nào khắc phục tình trạng này?

- Đúng là có hiện tượng thuốc tăng giá tự do trên thị trường. Những người kinh doanh thuốc có rất nhiều "mánh" để đẩy giá lên. Chẳng hạn, khi "chớp" được thông tin sắp có đợt tăng giá chính thức mặt hàng nào đó, các cửa hàng bắt đầu ngừng bán và tìm mua mặt hàng này để chờ bán giá cao, gây khan hiếm giả tạo. Điều này rất khó kiểm soát vì chúng tôi chưa sắp xếp lại được hệ thống lưu thông phân phối với nhiều tầng nấc trung gian như hiện nay.

Sắp tới, chúng tôi sẽ khuyến khích các doanh nghiệp công bố giá xuất xưởng và giá bán lẻ, in luôn trên nhãn thuốc. Làm điều này có nghĩa là nhà quản lý sẽ phải xác định một tỷ lệ chênh lệch giữa giá xuất xưởng và giá bán lẻ hợp lý cho từng công ty và từng mặt hàng, tránh tình trạng niêm yết giá bán lẻ quá cao. Khi giá bán lẻ đã được công khai, những hiệu thuốc nào tự ý tăng giá sẽ dễ dàng bị phát hiện và xử phạt. Tôi cho rằng việc in giá lên nhãn cũng có lợi cho doanh nghiệp trong việc khẳng định thương hiệu của mình.

Thanh Nhàn (thực hiện)