EVN “không thích” cải tổ ngành điện
Các Website khác - 21/02/2009

Giá điện tăng nhưng khả năng giải quyết thiếu điện của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) vẫn còn phải chờ. Trong khi đó, dư luận lại đang rất quan tâm việc một lãnh đạo của EVN “lo” cải tổ mạnh EVN sẽ khiến VN thiếu điện, không đảm bảo an ninh năng lượng… Nhiều chuyên gia đã khẳng định với Tuổi Trẻ: lý do của EVN không thuyết phục.

EVN hiện đang nắm cả sản xuất, điều độ, truyền tải, phân phối điện. Trong ảnh: Công ty Xây lắp điện 2 kéo đường dây 220kV Cát Lái - Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: N.C.T.

Trả lời Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào cho biết đề án tái cơ cấu ngành điện đã được trình Thủ tướng Chính phủ. Theo Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào, hiện EVN đang nắm cả sản xuất, điều độ, truyền tải, phân phối điện, ai muốn đầu tư vào sản xuất điện ở VN đều phải đàm phán giá với EVN. Chính vì vậy, EVN mới mang tiếng độc quyền.

Cải tổ để minh bạch

Dự kiến việc tái cơ cấu ngành điện sẽ bắt đầu bằng việc tách các nhà máy điện ra khỏi EVN. Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào cho biết việc này có thể làm nhanh vì: “Các nhà máy đã có sẵn, chỉ việc gom lại cho đứng độc lập, không phụ thuộc EVN nữa”. Tổng công ty Truyền tải điện hiện đã tách nhưng vẫn trực thuộc EVN, sắp tới cũng sẽ tách. Trung tâm Điều độ điện cũng sẽ tách khỏi EVN thành Công ty Vận hành hệ thống và thị trường điện… EVN chỉ còn đi mua lại điện của các nhà máy, bán buôn cho các công ty phân phối điện và ăn chênh lệch. Nếu đúng như vậy, chắc chắn EVN sẽ đổi tên thành một tập đoàn kinh doanh và phân phối điện.

Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào cũng cho biết hiện chi phí các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối điện… rất khó nắm bắt riêng rẽ. Nên trong đợt tăng giá điện lần này (từ 1-3), một bước cải cách đã được tiến hành, đó là làm rõ từng chi phí trong cả khâu phát, truyền tải, phân phối bán lẻ, dịch vụ phụ trợ và quản lý ngành. Với các chi phí được hạch toán riêng rẽ, người tiêu dùng sẽ được biết giá điện mình đang đóng “cõng” bao nhiêu chi phí quản lý, khâu nào là tốn kém nhất…

Cải tổ EVN là như vậy nhưng theo phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri, hiện EVN đang đứng ra vay vốn phát triển nguồn và lưới điện. Có thể tách các nhà máy điện ra khỏi EVN nhưng hiện EVN đang vận hành các nhà máy này với chi phí cạnh tranh nhất. Ngoài ra, nếu tách Tổng công ty Truyền tải điện ra, công ty này sẽ khó vay vốn. Bên cạnh đó, ông Tri khuyến cáo nếu tách nhỏ EVN sẽ khó có cơ quan đứng ra bù chéo, tức mua điện giá cao của các nhà máy điện độc lập, lấy lãi từ các nhà máy thủy điện để cân bằng bán lại cho dân với mức giá hợp lý. Ông Tri cũng nêu kinh nghiệm nhiều nước cho thấy nếu cải tổ sâu rộng ngành điện sẽ không ai đảm bảo an ninh năng lượng…

Có thể đẩy nhanh tái cơ cấu ngành điện

Về việc EVN cho rằng đang vận hành các nhà máy sản xuất điện có khả năng cạnh tranh nhất, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Viết Ngãi - chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN - phân tích: “EVN có đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm do giữ vị trí độc quyền. Bản thân các nhà máy phát điện của EVN một số cũng được vay vốn ưu đãi, một số lại gần hết khấu hao nên chi phí rẻ là đương nhiên”.

Bộ Công thương vừa trình đề án tái cơ cấu ngành điện lên Thủ tướng Chính phủ. Trong ảnh: Cả gia đình anh Đặng Thanh Tâm (ấp Tân Bình, thị trấn Tân Trụ, Long An) chỉ thắp một bóng đèn - Ảnh: Duy Bằng
Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào khẳng định với Tuổi Trẻ việc tái cơ cấu ngành điện là việc phải làm, nhưng cải tổ một ngành phải làm từng bước vì “theo quy hoạch, VN chỉ có thị trường điện thật sự sau năm 2024”. Còn theo GS Phạm Duy Hiển, TS Trần Đình Thiên và nhiều chuyên gia khác, việc cải tổ ngành điện không những là việc phải làm mà là việc cần làm nhanh. Vấn đề là dùng những biện pháp thế nào để tránh gây xáo trộn chứ không thể vì một số khó khăn và quyền lợi của EVN mà tính lại.

Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào công nhận đúng là Tổng công ty Truyền tải điện nếu tách khỏi EVN sẽ khó có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư để phát triển lưới điện, giảm tổn thất điện năng. “Mỗi năm cần khoảng 1 tỉ USD đầu tư vào đường dây, trạm, nên nếu để độc tổng công ty này tự lo sẽ rất khó” - ông Hào nói. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia từng khẳng định, nếu thật sự thị trường với lợi nhuận hợp lý, việc đầu tư vào ngành điện không sợ không có vốn.

Theo GS Phạm Duy Hiển - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, người nhiều năm nghiên cứu về điện, việc “dọa” là hành động thường thấy của các nhà độc quyền và EVN không nên làm vậy. Lý do cho rằng nếu tách EVN khó đảm bảo an ninh năng lượng, theo GS Hiển, là không thuyết phục vì hiện tại điện vẫn đang thiếu, về thực chất an ninh năng lượng chưa thật đảm bảo. Nhiều nhà máy điện độc lập hiện đang gặp nhiều khó khăn trong thủ tục đầu tư, mà khó khăn hàng đầu là đàm phán giá với EVN. Vì vậy, việc EVN không còn độc quyền sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư.

Với việc đảm bảo an ninh năng lượng của một đất nước, hiếm có quốc gia nào giao về tay một doanh nghiệp vốn chỉ đóng vai trò thực hiện. Với điều kiện VN hiện nay, Cục Điều tiết điện lực Bộ Công thương có thể đảm trách một phần việc này và hướng tới có thể tạo lập một cơ quan có sức mạnh lớn hơn.

Việc bù giá giữa nhà máy điện đang phải chạy dầu, giá cao với các nhà máy thủy điện không cần nhiên liệu, giá thấp, theo TS Trần Đình Thiên - quyền viện trưởng Viện Kinh tế VN, công ty mua bán điện duy nhất (theo đề án của Bộ Công thương) hoàn toàn có thể đảm trách vai trò này. Công ty này có thể là mới, cũng có thể là chính EVN tạo thành sau khi tái cơ cấu. Vì khi không còn nắm khâu sản xuất điện, truyền tải và điều độ, EVN sẽ chỉ còn một chức năng là mua và phân phối lại điện.

Theo Tuoi Tre Online