Nhiều giải pháp tạo quỹ đất được gợi mở tại hội thảo do Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tổ chức ngày 20-2.
![]() |
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án kéo dài đền bù, giải tỏa do người dân chưa đồng ý giá cả đền bù. Trong ảnh: một khu dân cư thuộc dự án đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM). Đây là dự án nhiều lần điều chỉnh chính sách đền bù giải tỏa, tái định cư - Ảnh: N.TRIỀU |
Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) cho biết đang xây dựng đề án “Tạo quỹ đất của Nhà nước phục vụ các mục tiêu công ích, chính sách xã hội, điều tiết thị trường đất đai và hỗ trợ tái định cư”. Theo ông Lê Thanh Khuyến - phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, ngoài đánh giá thực trạng tạo lập, quản lý, sử dụng quỹ đất của Nhà nước, đề án sẽ đưa ra các giải pháp để có quỹ đất phục vụ bốn mục tiêu như tên gọi của đề án.
Dân cần đền bù sát giá thị trường
Ông Đào Văn Hải, phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Tiền Giang, nói bức xúc hiện nay là giá đất nông nghiệp và đất ở chênh lệch quá lớn. Theo ông Hải, nếu để giá đất nông nghiệp theo khung giá của Nhà nước mà không hỗ trợ thêm thì không thể đền bù, giải phóng mặt bằng được.
Giá đất sẽ được tính tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Thế Ngọc cho biết bộ đang tiếp tục lấy ý kiến, hoàn chỉnh dự thảo nghị định quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Một trong những điểm đáng lưu ý được đề xuất tại dự thảo nghị định là giá đất để tính bồi thường được xác định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Theo quy định hiện hành, giá đất để bồi thường được xác định tại thời điểm có quyết định thu hồi đất. Tuy nhiên, thực tế giữa thời điểm phê duyệt phương án bồi thường và lúc ra quyết định thu hồi đất thường cách xa nhau, có trường hợp kéo dài 3-4 năm nên giá đất thường có biến động khá lớn. Về bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, dự thảo nghị định cũng đề xuất mức giá bồi thường theo hướng khắc phục bất cập tiền bồi thường không đủ bù đắp cho người bị thu hồi đất nông nghiệp để tiếp tục duy trì sản xuất và đảm bảo đời sống… |
“Tôi rất nhất trí không nên dùng từ hỗ trợ” - ông Đào Văn Hải tán đồng. Ông Hải cho biết qua tiếp xúc thực tế nhiều người dân nói: “Tôi không cần Nhà nước hỗ trợ, mà tôi cần được bồi thường theo sát giá thị trường”. Ông Hải kết luận: nếu định giá đất đúng với thị trường thì không cần tính toán khoản hỗ trợ.
Theo ông Hải, nhiều người bị giải tỏa đất nông nghiệp với diện tích lớn nhưng tiền đền bù không đủ mua nhà tái định cư. “Như vậy sao nói chỗ ở mới tốt hơn được?” - ông Hải đặt vấn đề đồng thời kiến nghị muốn dân đồng thuận trong đền bù, giải tỏa cần tạo mọi điều kiện để dân có cuộc sống mới tốt hơn.
Giải pháp nào?
Theo dự thảo đề án nói trên, một trong những giải pháp mang tính định hướng là tạo môi trường pháp lý thống nhất, lành mạnh, minh bạch để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Đồng thời việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp phải được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững. Quỹ đất dành cho bốn mục tiêu như đề án vạch ra được xem là tài sản dự trữ quốc gia.
Một giải pháp cơ bản khác được dự thảo đề án nhắc đến là kiên quyết thu hồi diện tích đất sử dụng trái pháp luật, diện tích “treo”, dự án “treo”… để bổ sung cho quỹ đất dự trữ phát triển.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - khẳng định chênh lệch địa tô không được điều tiết đúng mức nên gây nhiều bức xúc trong xã hội. Người dân cảm giác đất đai khi chuyển dịch thì phần giá trị tăng thêm rơi vào nhà đầu tư hoặc rơi vào những người trung gian. Do vậy ông cho rằng nếu việc thu hồi, phát triển quỹ đất minh bạch, người dân cảm thấy phần lớn giá trị tăng thêm được đưa vào ngân sách và được điều tiết trở lại phục vụ xã hội, phục vụ người bị giải tỏa thì dân sẽ đồng tình.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Thế Ngọc cho biết sẽ điều chỉnh hệ thống chính sách về giá đất. Ông khẳng định ngoài phần bồi thường còn có thêm phần hỗ trợ, cũng chính là phần Nhà nước giúp đỡ người dân và điều tiết lại địa tô chênh lệch.
Nhưng làm sao gỡ vướng khi người dân bị giải tỏa luôn cho rằng bị đền bù thấp? Ông Lê Viết Hưng, giám đốc Sở TN-MT Đồng Nai, đề xuất sử dụng cơ chế định giá đất. Nhưng việc định giá này phải được kiểm soát để người dân đừng bị thiệt. Theo ông Hưng, khi đã định giá đúng thì người dân phải hợp tác.
Nói về tái định cư - một trong những khâu ảnh hưởng lớn đến tiến độ đền bù, giải tỏa, Thứ trưởng Trần Thế Ngọc cho rằng các địa phương chưa chủ động. Ông đề nghị từng địa phương cần có kế hoạch lâu dài tạo quỹ nhà tái định cư, khi cần là có ngay để hỗ trợ nhanh cho giải tỏa. Với các trường hợp nhận tiền đền bù không đủ để tạo lập chỗ ở mới, ông Ngọc khẳng định chủ trương chung là Nhà nước sẽ hỗ trợ.
Riêng thủ tục hành chính về giao đất, cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất, Thứ trưởng Trần Thế Ngọc cho biết từ 11 bước hiện nay sẽ giảm còn ba bước. Thời gian giải quyết cũng rút ngắn hơn. Ông Ngọc khẳng định Bộ TN-MT sẽ công bố danh mục, địa chỉ quỹ đất dành cho bốn mục đích như đề án nêu ra, trong đó nêu rõ diện tích, hệ số sử dụng đất kể cả giá bồi thường ở từng địa chỉ.
Theo Tuoi Tre Online
▪ Nhộn nhịp thị trường mỹ phẩm "nhái" (21/02/2009)
▪ Tàu hỏa đâm xe tải đứt thành hai khúc (21/02/2009)
▪ Phải hoàn trả xong tiền thuế thu nhập cá nhân trong tháng 2 (21/02/2009)
▪ Giá tiêu dùng tại Tp.HCM và Hà Nội lại leo cao (21/02/2009)
▪ EVN “không thích” cải tổ ngành điện (21/02/2009)
▪ Nhà nào cũng phải đóng tiền rác! (21/02/2009)
▪ Dung Quất - dòng dầu đã chảy : “Công trường hạnh phúc” (21/02/2009)
▪ Lại báo động chất lượng nước nguồn (21/02/2009)
▪ Ngày 28/2 hạn chót hoàn trả khoản thuế cá nhân đã tạm thu (20/02/2009)
▪ Phát động chiến dịch tăng cường chăm sóc SKSS/KHHGĐ năm 2009 tại miền Trung và Tây Nguyên: Quyết giành thắng lợi lớn (20/02/2009)